Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.
Tháng 9/2023, chị Bùi Thị Thuý Liễu cùng hơn 30 chị em ở xóm Quê Rù đăng ký theo học lớp nghề mây tre đan do Trung tâm GDNN - GDTX huyện tổ chức, chị Nhung là người trực tiếp đứng lớp, hướng dẫn kỹ thuật. Kết thúc 2 tháng đào tạo, chị Liễu cùng các học viên tham gia tổ sản xuất mây tre đan. Chị Liễu chia sẻ: Do đang nuôi con nhỏ nên tôi tạm thời không đi làm ở đâu. Có nghề đan trong tay tôi tranh thủ lúc các con chơi, ngủ để làm việc. Bằng sự cần mẫn và cố gắng, thu nhập của tôi từ đan sản phẩm khá đều đặn. Bình quân mỗi ngày tôi đạt tiền công từ 170 - 200 nghìn đồng. Một số chị em trong tổ sản xuất tận dụng được ít thời gian nhàn rỗi hơn, ngày công đạt từ 100 - 120 nghìn đồng.
Là địa bàn thuộc xã trung tâm của vùng Mường Động, thu nhập của người dân xóm Quê Rù chủ yếu phụ thuộc vào cấy lúa, trồng rau, màu. Những năm gần đây, một số lao động đi làm ở các khu công nghiệp ngoài tỉnh hoặc đi làm thuê thời vụ để có thêm thu nhập. Từ khi nghề mây tre đan về xóm, chị em hạn chế phải đi làm ăn xa, có điều kiện quán xuyến việc nhà, chăm sóc con cái. Chị Bùi Thị Tuyết chia sẻ: Đây là công việc phù hợp với chị em, nhất là các chị đang có con nhỏ. Nhờ thu nhập cải thiện từ nghề phụ, cuộc sống của gia đình bớt khó khăn hơn.
Chị Nguyễn Thị Nhung cho biết: Vai trò của tôi là kết nối trung gian nhập nguồn nguyên liệu chia cho chị em làm và thu gom, vận chuyển toàn bộ sản phẩm xuất về làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Thực hiện công việc theo yêu cầu đơn hàng, nhóm chị em làm nghề từng bước tiếp cận vật liệu mới, mẫu mã đa dạng, giúp kỹ thuật đan mây tre của chị em ngày càng nâng cao. Không chỉ dừng lại ở mẫu mã thông thường, nhiều vật liệu mới được bổ sung như sứ, khảm trai, đòi hỏi phải có đôi tay khéo léo. Hiện nay, nhiều đơn hàng sản phẩm là đĩa, khay, bình cắm hoa khô… Trên nền vật liệu sứ, khảm trai, các sản phẩm làm ra trở nên tinh tế, có giá trị hơn. Ngoài ra, chị em cũng làm theo các mẫu giỏ đựng thức ăn, túi xách thời trang xinh xắn. Để tạo điều kiện cho chị em yên tâm làm nghề, tôi thanh toán tiền công linh động theo nhu cầu, có thể ngay sau khi hoàn thành đơn hàng hoặc trả theo tháng.
Chị Nhung nhận định, thị trường mây tre đan phát triển ổn định, cung cấp cho tiêu dùng trong nước và hướng mạnh xuất khẩu. Cùng với đó, đòi hỏi người làm nghề ngày càng hoàn thiện về kỹ thuật đan để thực hiện những sản phẩm vật liệu mới, sáng tạo đáp ứng thị hiếu. Được địa phương quan tâm, hỗ trợ, Trung tâm GDNN - GDTX huyện mở lớp, nhiều nữ lao động nông thôn đã tham gia nghề đan mây tre. Đây cũng là điều kiện để chị Nhung mở rộng tổ sản xuất ở các xã vùng Mường Động, gồm: Vĩnh Đồng, Vĩnh Tiến... Ngoài ra có 1 tổ sản xuất đang duy trì hoạt động tại xã Cuối Hạ.
Hiện tại, với 6 tổ sản xuất tại 4 xã đã thu hút gần 200 phụ nữ làm nghề mây tre đan. Riêng xã Vĩnh Đồng có hơn 100 chị em ở 3 tổ thuộc xóm Quê Rù, Chiềng, Đoàn Kết. Chị Nhung luôn khắc phục khó khăn, động viên chị em các tổ nâng tay nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Có như vậy số lượng đơn đặt hàng gia tăng, các tổ sản xuất ngày càng mở rộng, thu nhập lao động nữ ở nông thôn tăng lên, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững.
Bùi Minh