Ông Lê Văn Bàng đã gắn bó cả cuộc đời với công tác nghiên cứu lich sử Đảng.

Ông Lê Văn Bàng đã gắn bó cả cuộc đời với công tác nghiên cứu lich sử Đảng.

(HBĐT) - Nghiên cứu lịch sử Đảng - công việc không chỉ cần ở người “khai phá” đức tính cần cù, trung thực, mà còn đòi hỏi phải am hiểu, có kiến thức chuyên sâu về lịch sử. 29 năm qua, ông Lê Văn Bàng, công tác tại phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã dành trọn tâm huyết cho công việc không kém phần bề bộn, gian nan ấy. Đổi lại, ông đã tìm thấy ở đó sự đam mê...

 

Cuộc chiến thầm lặng

 

Quê gốc ở Chương Mỹ (Hà Tây cũ), 17 tuổi, ông gia nhập quân đội, tham gia đoàn quân chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ. Trải qua hàng chục trận đánh ác liệt, cam go, ông đã cùng đồng đội “kề vai sát cánh”, chiến đấu quên mình. Năm 1973, trong một trận đánh ở Kiến Tường, tỉnh Long An thuộc đồng bằng sông Cửu Long, ông không may bị thương, nhưng ý chí gan dạ, dũng cảm, trong ông vẫn không hề bị khuất phục. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được cử đi học khoa Sử, trường Đại học Sư phạm, tiếp đó được nhà trường gửi theo học tại khoa lịch sử, Học viện Nguyễn Ái Quốc. Ra trường, ông về công tác tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Hà Sơn Bình (cũ). Năm 1991, sau khi tách tỉnh, ông được tổ chức phân công công tác tại tỉnh Hoà Bình. Cũng từ đây, Hoà Bình trở thành quê hương thứ hai của ông, nơi ông trăn trở, miệt mài và đăm đắm với công việc nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh.

 

Ông từng tâm sự: Đi cùng với công cuộc đổi mới là sự xuất hiện của không ít “cái tôi” cá nhân, vị kỷ. Công việc của một nhà nghiên cứu lịch sử Đảng là làm sao loại bỏ những cái tôi, ngộ nhận. Để làm được điều đó không gì khác là phản ánh đúng hiện thực đã diễn ra, không để sự thật bị bóp méo cũng như chiến đấu trả lại những giá trị đích thực cho các tập thể và cá nhân có cống hiến. Thế nên, nghiên cứu lịch sử cũng giống một cuộc chiến đấu thầm lặng trên “mặt trận” tư tưởng không kém phần cam go, quyết liệt.

 

Gần 30 năm qua, ông đã lao vào cuộc chiến đấu thầm lặng ấy bằng tất cả đam mê, lao vào tìm tòi những tư liệu, tài liệu có căn cứ khoa học. Ông cho rằng: Một công trình lịch sử có giá trị là khi viết ra phải chứa đựng ý nghĩa tổng kết , rút ra được bài học kinh nghiệm và truyền thống, các tác dụng soi sáng giúp cấp uỷ và đơn vị thực hiện tốt hơn công vịêc hiện tại. Để xây dựng nên một công trình lịch sử có giá trị, ông đặc biệt coi trọng việc sưu tầm tài liệu. Chỉ khi đã có trong tay nguồn sử liệu, ông mới bắt tay vào nghiên cứu, phân tích các sự kiện lịch sử, con người lịch sử, đánh giá, nhìn nhận vấn đề về các tổ chức, cá nhân trên cơ sở bối cảnh lịch sử lúc đó.   

 

“Trả lại” những giá trị lịch sử          

 

Việc tìm tài liệu, xác minh tài liệu chứa đựng không ít gian nan, khó nhọc, đòi hỏi tính kiên trì, cẩn trọng. Giống như kẻ “đãi vàng”, nhiều khi để mày mò, tìm tài liệu cho một sự kiện lịch sử, ông phải đi đi, về về Viện lịch sử Quân sự, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia không biết bao lần mà chỉ tìm được mấy dòng tư liệu, có chuyến phải về không. Có chuyến ông lang thang hàng tuần chỉ để tìm một nhân chứng lịch sử mà không ra địa chỉ. Thế nhưng như nhất một chữ “tâm”, ông chưa một lần nhụt chí trước khó khăn để “trả lại” những giá trị lịch sử, viết nên những tác phẩm lịch sử chân thực, khách quan và sống động.

 

Quá trình tìm tài liệu, các căn cứ mang tính khoa học, ông đã giúp phục hồi, trả lại tên cho hàng chục thương binh, liệt sĩ, cán bộ tiền khởi nghĩa của tỉnh. Ví dụ như trường hợp ông Xa Thanh ở xã Hiền Lương (Đà Bắc) sau khi được đồng chí Vũ Thơ (nguyên là Bí thư Ban cán sự Tỉnh uỷ Hoà Bình) tuyên truyền đã tham gia tự vệ cứu quốc tại chiến khu Hiền Lương, tham gia tiểu đoàn 930 hoạt động ở chiến khu Mai Đà, sau đó ông Thanh chuyển ngành, làm Huyện đội trưởng huyện Đà Bắc và mất vào năm 1967. Từ đó đến nay, ông Thanh không được hưởng chế độ gì. Sau khi Nhà nước có thông tư phục hồi chế độ cho cán bộ tiền khởi nghĩa, ông Bàng đã lặn lội xuống viện lịch sử quân sự, trung tâm lưu trữ, làm việc với một số đồng chí lão thành cách mạng để xác nhận. Hiện nay, hồ sơ về ông Xa Thanh đã hoàn thiện và đã được Huyện uỷ Đà Bắc công nhận.

 

Công việc nghiên cứu lịch sử Đảng đã ngốn của ông nhiều thời gian. Có nhiều đêm đang ngủ, ông chợt nghĩ ra rồi vùng dậy để viết tiếp những dòng sử Đảng. Có không ít đề tài nghiên cứu ông phải miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu suốt mấy năm mới hoàn thành. Thế nhưng, bất cứ khi nào có việc đột xuất hay các địa phương, ngành, cơ sở yêu cầu, ông lại sẵn sàng có mặt, giúp đỡ các ngành, huyện, xã trong việc hướng dẫn hoàn thành viết các cuốn lịch sử Đảng của đơn vị.

 

Cả đời đam mê và cống hiến cho việc nghiên cứu lịch sử Đảng, ông đã tham gia viết và chủ trì nhiều công trình lịch sử có giá trị như viết và chủ trì các tập 1, 2, 3 lịch sử Đảng bộ tỉnh từ năm 1930 cho đến năm 2000; là Phó Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu, tổng kết mô hình trường Thanh niên XHCN và mô hình các trường DTNT tỉnh... Giai đoạn 2000 - 2005, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Năm 2008, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

 

                                                                                     Bùi Minh  

 

Các tin khác

Chị Nguyễn Thị Tuyết (đứng thứ nhất từ trái sang) trao đổi kinh nghiệm hoạt động đoàn và phát triển kinh tế gia đình với ĐVTN.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục