Sau khi có sự bàn bạc trong gia đình, cụ Hà Thị Cươm và con trai Hà Văn Thiết đã thống nhất hiến toàn bộ diện tích đất nghĩa trang của dòng họ cho địa phương xây dựng trường THCS Xăm Khoè.
(HBĐT) - Thật bất ngờ khi chúng tôi được đồng chí Hà Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Xăm Khòe (Mai Châu) giới thiệu toàn bộ diện tích khu đất của trường THCS Xăm Khòe rộng gần 10 nghìn m2 đều nằm trong khuôn viên nghĩa địa của dòng họ Hà ở Xăm Khòe. Đáng nói hơn cả, khu đất này với hàng chục ngôi mộ của dòng họ Hà đã được cụ Hà Thị Cươm, 95 tuổi ở xóm Nám cùng con cháu tự nguyện hiến để có chỗ xây dựng trường, lớp học...
Chuyện xưa nay hiếm...
Thầy giáo Hà Văn Thuận, Hiệu trưởng trường THCS xã Xăm Khòe chia sẻ: Trước đây, Xăm Khòe có trường liên cấp THCS và THPT. Tuy nhiên, sau khi thực hiện chủ trương của Sở GD &ĐT về việc chia tách thì toàn bộ cơ sở vật chất của nhà trường được chuyển cho trường THPT, còn trường THCS sẽ được đầu tư xây dựng mới. Song, do không có quỹ đất để xây dựng trường nên nhiều năm qua, thầy và trò nhà trường phải “mượn” trường lớp để học nhờ. Đầu tiên là mượn chính cơ sở vừa chia tách. Buổi sáng học sinh THPT học, buổi chiều học sinh THCS học. Sau khi số lượng học sinh THPT tăng lên, nhà trường phải dạy ca sáng và chiều thì thầy và trò trường THCS lại “dắt díu” nhau về trường tiểu học để học nhờ. Gần 10 năm đi học nhờ, thầy và trò trường THCS Xăm Khòe đã nếm trải đủ mọi vất vả, gian truân. Trong lúc khó khăn đó, nhà trường đã được cụ Hà Thị Cươm cùng con cháu trong gia đình, dòng họ tự nguyện hiến gần 10 nghìn m2 đất làm nghĩa trang của dòng họ để xây dựng trường học.
Nói về chuyện hiến đất xây dựng trường THCS, ông Hà Văn Thiết, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Xăm Khòe, con trai cụ Hà Thị Cươm chia sẻ: Nghe con cháu nói về chuyện lũ trẻ bỏ trường, bỏ lớp mà nguyên nhân chính không có đất để xây dựng trường, lớp học, mẹ tôi đã gợi ý hiến đất nghĩa trang của dòng họ để xã xây dựng trường. Chúng tôi khá bất ngờ, nhưng khi nghe cụ phân tích lý lẽ phải - trái, thiệt - hơn, anh em chúng tôi đã tổ chức họp họ để cụ nói lên tâm nguyện rồi cùng bàn bạc việc hiến đất xây dựng trường học. Ban đầu cũng có nhiều ý kiến phản đối cho rằng làm như thế là trái với đạo lý, trái với phong tục tập quán từ bao đời của dân tộc. Tuy nhiên khi nghe cụ bày tỏ: “Nếu mình không làm, không có đất xây trường, rồi con cháu sẽ bỏ học hết, như vậy mới là có tội” thì ai cũng thấy rõ những điều phải trái, đều đồng tình và thống nhất di dời mồ mả, hiến đất cho xã để xây dựng trường học...
Người có tâm làm cho đất... “nở hoa”
Chuyện cụ Hà Thị Cươm đứng ra vận động anh em, con cháu di dời mồ mả cha ông để hiến đất xây trường đã làm nhiều người... bất ngờ. Nói như đồng chí Hà Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Xăm Khòe thì: nói gì đến người dân, ngay cả bản thân chúng tôi cũng bất ngờ khi nghe tin cụ Cươm và gia đình tự nguyện di dời mồ mả cha ông để nhường đất xây trường. Xưa nay người Thái có phong tục “đào sâu chôn chặt”. Vì theo quan niệm, việc động chạm đến mồ mả là một sự cấm kỵ, sẽ gây ra những tai họa cho người sống, vậy nên, từ bao đời nay đâu có ai nghĩ đến chuyện “động mồ, động mả” người đã khuất... Chính vì thế, chuyện những người trong dòng họ Hà tự nguyện cải táng hàng chục ngôi mộ để nhường đất xây trường đã làm cho nhiều người bất ngờ. Thậm chí, có người còn tỏ rõ sự lo sợ về những tai họa sẽ ập đến cho dòng họ này. Tuy vậy, trái ngược với nỗi ám ảnh của nhiều người, cụ Hà Thị Cươm chỉ nghĩ đơn giản: Việc mình có thể làm được mà không làm thì sẽ mang tội với con, cháu. Mình có tâm làm việc tốt thì chẳng ai nỡ đi báo hại.
Toàn bộ khuôn viên gần 10 nghìn m2 đất của trường THCS Xăm Khòe được gia đình cụ Hà Thị Cươm hiến tặng.
Năm 2011, ngay sau khi gia đình cụ Hà Thị Cươm hoàn thành việc di dời mồ mả thì địa phương cũng khẩn trương tổ chức khởi công, đặt nền móng xây dựng khu lớp học mới khang trang, kiên cố với 8 phòng học cùng nhà hiệu bộ và các công trình phụ trợ như: thư viện, phòng y tế, phòng lưu trữ trang thiết bị đồ dùng dạy học. Thầy giáo Hà Văn Thuận cho biết thêm: Với hệ thống cơ sở vật chất hiện có, nhà trường đã đảm bảo cho việc dạy và học của 179 học sinh là con em trong xã. Cũng nhờ có cơ sở vật chất khang trang đã làm cho cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, học sinh tích cực rèn luyện, học tập. Nhờ vậy, chất lượng dạy và học của nhà trường đã từng bước được nâng lên. Từ chỗ thường xuyên đứng ở nhóm cuối của huyện về chất lượng dạy và học, đến năm học 2014 - 2015 nhà trường có 5 học sinh đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó có 1 em đoạt giải; 9 em học sinh giỏi cấp huyện. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt trên 30%, nhà trường không có học sinh yếu... Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư, xây dựng, trường THCS Xăm Khòe trong quá trình hướng đến đạt trường chuẩn quốc gia.
Trong niềm vui của thầy và trò nhà trường, không thể không nhắc đến một cụ bà hàng ngày vẫn luôn ngồi bên cửa voóng nở nụ cười hiền hậu, mãn nguyện nhìn về phía sân trường có lũ trẻ nô đùa, dù cho cụ đã ở vào tuổi xưa nay hiếm.
Vũ Phong
(HBĐT) - Là hộ thuần nông, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, chị Bùi Thị Hoài, xóm Trung Hòa 2, xã Phú Lai (Yên Thủy) rất băn khoăn, trăn trở làm gì để gia đình thoát nghèo và có kinh tế ổn định để nuôi các con ăn học, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc...
(HBĐT) - Là người đầu tiên đưa cây ngô lai vào trồng vụ đông. Ông cũng là người mở hướng trồng rừng kinh tế cho người dân trong xã và là người đưa ra ý tưởng vận động dân “bỏ lúa trồng cỏ” để phát triển nghề nuôi nhốt trâu, bò. Mới đây, ông đã mạnh dạn đưa mô hình nuôi cá lồng vào thử nghiệm. Mô hình thành công sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân ở vùng đặc biệt khó khăn Quý Hòa (Lạc Sơn). Ông là Bùi Minh Bưn, Phó Chủ tịch UBND xã Quý Hòa.
(HBĐT) - “Cán bộ, đảng viên miệng nói, tay phải làm thì người dân mới nghe và làm theo” - ông Bùi Văn Xuân, Bí thư chi bộ xóm Mừng, xã Xuân Phong (Cao Phong) đã chia sẻ với chúng tôi về lý do 4 lần gia đình hiến trên 5.000 m2 đất.
Chúng tôi đến thăm, mô hình kinh tế của đảng viên Trần Quốc Tuấn ở xóm Nam Hòa I, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) đúng vào lúc ông đang chăm sóc đàn ong. Ông Tuấn chia sẻ: Nghề nuôi ong dễ mà khó, dễ với những người ham thích, chịu học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề nhưng lại khó với những ai thích “ăn xổi”, không chịu đầu tư kỹ thuật. Có người học vài tháng đã thành công…
(HBĐT) - Kỹ sư Phạm Ngọc Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành Công ty CP Gạch ngói Quỳnh Lâm là một người năng động, đam mê với công việc. Anh ít ở văn phòng mà thường đi xuống các phân xưởng để nắm tình hình sản xuất. Anh chia sẻ: 6 năm gần đây, Công ty CP Gạch ngói Quỳnh Lâm đã có sản phẩm gạch chất lượng cao, đáp ứng cho những công trình xây dựng mới của tỉnh. Mỗi năm, Công ty sản xuất trên 10 triệu viên gạch chất lượng loại A. Qua mấy năm liên tục cải tiến, tôi đã thiết kế lắp thêm hệ thống vận thăng nâng gạch mộc lên sàn công tác, chế tạo máy trộn than tự động, cải tiến cách xếp gạch nằm truyền thống thành xếp đứng vào dôn lò tiết kiệm được nhiên liệu, tỷ lệ hao vỡ dưới 6%. Hơn nữa, lò khởi động chỉ một lần trong suốt quá trình đốt giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
(HBĐT) - Nói đến anh Trần Ngọc Long (sinh năm 1967), Bí thư chi bộ xóm Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Lương Sơn, người dân trong vùng đều thán phục: đúng là một người chịu khó, luôn tìm tòi, năng động trong làm ăn. Trong quá trình vận dụng, dù có lúc chưa thành công nhưng anh không hề nản chí. Việc chung, việc riêng đều vẹn toàn...