Em Nguyễn Việt Tiến (bên trái), lớp 12 chuyên sinh trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ chia sẻ niềm vui khi đoạt giải nhất quốc gia cùng thầy giáo Kiều Vũ Mạnh.
(HBĐT) - Dù không trở thành thành viên đội tuyển tham dự ôlympíc môn sinh học quốc tế nhưng đối với Nguyễn Việt Tiến (lớp chuyên sinh, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, giải nhất kỳ học sinh giỏi quốc gia lớp 12 môn sinh học, năm học 2014-2015), được tham dự đội dự tuyển quốc tế trong thời gian qua vẫn là một kỷ niệm đáng nhớ. Em tâm sự: “Có chút nuối tiếc nhưng qua đợt ôn luyện ở Hà Nội cũng giúp em nhận ra điều: những gì mình biết còn quá ít, vì thế cần phải cố gắng, nỗ lực tìm tòi hơn trong chặng đường tiếp theo".
Gặp lại em tại gia đình ở tổ 16, phường Chăm Mát, TP Hoà Bình, vẫn cảm nhận được niềm vui tràn ngập, niềm tự hào của bố mẹ và các thành viên trong gia đình như khi đón nhận con em mình trở thành thủ khoa kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Anh Nguyễn Mạnh Cường, bố em chia sẻ: 2 vợ chồng chúng tôi đều là lao động tự do nên sớm hôm vất vả. Chúng tôi không có nhiều thời gian để đôn đốc, thúc dục con học hành, tất cả chỉ là những câu chuyện xen kẽ các bữa cơm của gia đình. Khi cháu thi đỗ vào trường, chúng tôi chỉ nói với cháu: bố mẹ không nề hà lao động vất vả, kiếm sống để các con học hành bằng bạn bè, vì thế các con cần phải hết sức tự giác trong học tập, rèn luyện.
Thấu hiểu tấm lòng bố mẹ, từ khi vào học lớp chuyên sinh học, Tiến đã thể hiện sự cố gắng, quyết tâm không ngừng. Tấm gương hiếu học của người anh (từng 2 lần là thành viên đội tuyển tin học của tỉnh dự thi học sinh giỏi quốc gia, nay đang học Đại học Sư phạm 1 Hà Nội) đã cho em nhiều bài học hay, kể cả sự thất bại trong kỳ thi quốc gia của anh mình. Trong tâm tưởng em luôn nung nấu điều: khi có cơ hội học hành, thi cử cần phải cố gắng để khẳng định mình; đồng thời qua đó, tích luỹ thêm những kinh nghiệm cần thiết. Ham học hỏi, nghiên cứu từ thầy, cô giáo, bạn bè và qua In-tơ-nét, em ngày một tiến bộ trong học tập. Những năm học lớp 10, lớp 11, em đã được thầy, cô giáo tin tưởng, cử tham gia các cuộc thi các trường chuyên vùng duyên hải, trại hè Hùng Vương và đã đoạt nhiều huy chương vàng, đồng. Năm lớp 11, em đã chính thức tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và giải khuyến khích (22,67 điểm). Chính thành tích còn có phần khiêm tốn đó là động lực, khích lệ cho em cuộc vượt “vũ môn” năm lớp 12. Trong kỳ thi này, Tiến đã thể hiện một tầm khác so với năm lớp 11 khi em đoạt HCV kỳ thi giải toán trên máy tính cầm tay toàn quốc khu vực I và đặc biệt, em đã đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn sinh học (35,85 điểm).
Nếu biết rằng, sau 9 năm chờ đợi, kể từ khi thi chung bảng toàn quốc, lần đầu tiên, Hoà Bình đã có giải nhất và người tiên phong phá vỡ tiền lệ chỉ có giải nhì là một cậu học trò nhỏ trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, mới thấy hết ý nghĩa của giải nhất năm 2015. Nhận xét về Tiến, thạc sĩ Kiều Vũ Mạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên sinh cho rằng: Tiến là một học sinh có tư chất khá đặc biệt, thông minh, tư duy nhanh. So với kỳ thi năm 2014, năm nay em có độ chín hơn và nhất là sự cẩn trọng đã giúp em trở thành thủ khoa quốc gia năm 2015. Chính những kết quả xuất sắc đó, em đã được dự phỏng vấn để có thể đi du học ở Nhật Bản (nếu đạt kết quả tốt). Còn hiện nay, em đang trong tâm thế của một thủ khoa để theo học Đại học Y Hà Nội hoặc 1 trường nào đó của Đại học quốc gia Hà Nội (diện tuyển thẳng). Thời cơ và thử thách mới đang chờ đón em để đạt tiếp những thành tích cao hơn, tốt hơn trong tương lai.
Bùi Huy
(HBĐT) - Kỹ sư Phạm Ngọc Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành Công ty CP Gạch ngói Quỳnh Lâm là một người năng động, đam mê với công việc. Anh ít ở văn phòng mà thường đi xuống các phân xưởng để nắm tình hình sản xuất. Anh chia sẻ: 6 năm gần đây, Công ty CP Gạch ngói Quỳnh Lâm đã có sản phẩm gạch chất lượng cao, đáp ứng cho những công trình xây dựng mới của tỉnh. Mỗi năm, Công ty sản xuất trên 10 triệu viên gạch chất lượng loại A. Qua mấy năm liên tục cải tiến, tôi đã thiết kế lắp thêm hệ thống vận thăng nâng gạch mộc lên sàn công tác, chế tạo máy trộn than tự động, cải tiến cách xếp gạch nằm truyền thống thành xếp đứng vào dôn lò tiết kiệm được nhiên liệu, tỷ lệ hao vỡ dưới 6%. Hơn nữa, lò khởi động chỉ một lần trong suốt quá trình đốt giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
(HBĐT) - Nói đến anh Trần Ngọc Long (sinh năm 1967), Bí thư chi bộ xóm Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Lương Sơn, người dân trong vùng đều thán phục: đúng là một người chịu khó, luôn tìm tòi, năng động trong làm ăn. Trong quá trình vận dụng, dù có lúc chưa thành công nhưng anh không hề nản chí. Việc chung, việc riêng đều vẹn toàn...
(HBĐT) - Hoàn cảnh của Bùi Thị Thùy (ảnh), dân tộc Mường, học sinh lớp 6A, trường THCS xã Mãn Đức (Tân Lạc) khá éo le. Từ nhỏ em đã về ở với bà ngoại, sống trong sự chăm sóc, đùm bọc của bà. Mặc dù lớn lên trong thiếu thốn, khó khăn nhưng em luôn nỗ lực vươn lên, ở nhà giúp bà làm những công việc vừa sức, ở trường là tấm gương trò giỏi, tiên phong trong các hoạt động của lớp, của trường.
(HBĐT) - Biết chị Đặng Thị Bảy, Chủ tịch Hội CTĐ thành phố Hòa Bình đã lâu, cảm kích lắm những việc chị đang làm trên hành trình nhân ái, nhưng bởi công việc của chị quá ư bận rộn nên để hoàn thành bài viết, tôi và chị chỉ có ít phút trò chuyện vào cuối buổi chiều.
(HBĐT) - Đại úy Hoàng Anh Tuấn gắn bó với công tác bắt nã từ ngày đầu thành lập phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an tỉnh). Anh cùng đồng đội vượt núi, băng rừng để bắt những kẻ phạm tội quy án. Phải đối mặt với biết bao hiểm nguy, thách thức, song đại úy Tuấn chưa bao giơ phàn nàn hay có ý định chuyển đơn vị khác bởi theo anh, bắt một đối tượng là làm giảm mối nguy hại cho xã hội.
(HBĐT) - Những năm qua, phong trào lao động giỏi - lao động sáng tạo do các cấp công đoàn phát động đã thu hút được đông đảo cán bộ, công nhân viên và người lao động trong các doanh nghiệp. Từ phong trào này đã xuất hiện những tấm gương điển hình tiên tiến, cần mẫn, say mê sáng tạo góp phần vào sự phát triển của đơn vị. Anh Nguyễn Mạnh Cường (ảnh) công nhân Công ty TNHH Almine Việt Nam (KCN Lương Sơn) là một trong những điển hình như thế.