Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Tân Lạc có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả các chính sách đối với đồng bào DTTS, giúp bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Trong đó, việc tạo mô hình, trao sinh kế giúp các hộ phát triển chăn nuôi, sản xuất được các cấp, ngành quan tâm triển khai và đạt hiệu quả thiết thực.
Ông Bùi Văn Đậu, xóm Thăm, xã Suối Hoa (Tân Lạc) chăm sóc cặp dê được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dân số của huyện Tân Lạc trên 90 nghìn người với nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 85%. Huyện có 16 đơn vị hành chính (15 xã, 1 thị trấn), trong đó có 146/159 xóm, khu thuộc vùng DTTS và miền núi, 5 xã và 24 xóm đặc biệt khó khăn.
Đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tân Lạc cho biết: Với phương châm "trao cần câu hơn xâu cá”, UBND huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo công khai, minh bạch, dân chủ và nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Các địa phương đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tế để mang lại chiếc "cần câu”, mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào.
Gia đình ông Bùi Văn Đậu ở xóm Thăm, xã Suối Hoa là một trong những hộ nghèo trong xã được hưởng lợi từ dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Với địa hình đồi núi, trước đây ông Đậu cũng như nhiều người dân khác quanh năm trông chờ vào mấy mảnh ruộng, nương rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ. Vợ chồng ông cố gắng mấy vẫn không thể thoát nghèo. Ông Bùi Văn Đậu chia sẻ: Đầu năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ một cặp dê sinh sản. Nhờ áp dụng đúng hướng dẫn về kỹ thuật và chăm sóc nên cặp dê đã phát triển, sinh sản tốt, đem lại thu nhập cao cho gia đình.
Đồng chí Bùi Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã Suối Hoa thông tin: Năm 2023, xã được Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phân bổ 450 triệu đồng để thực hiện Tiểu dự án 2 - Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Trên cơ sở nhu cầu của người dân, xã đã bình xét hộ nghèo, cận nghèo để hỗ trợ con giống và phân bổ phù hợp; ưu tiên hỗ trợ vốn, cây, con giống cho hộ nghèo xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện của địa phương.
Xã Suối Hoa đã triển khai các giải pháp cụ thể trong lồng ghép các chương trình MTQG với chính sách dân tộc như: tuyên truyền, hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc, máy móc, thiết bị nông cụ, cây, con giống và phát triển giao thông nông thôn. Tính từ năm 2022 - 2023, nguồn vốn chương trình phát triển vùng đồng bào DTTS đã đầu tư cho huyện trên 122 tỷ đồng, được địa phương sử dụng hiệu quả. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tích hợp 118 chính sách dân tộc trong các giai đoạn trước cùng với chính sách mới xây dựng thành 10 dự án với 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần.
Theo đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tân Lạc, việc triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đạt những kết quả tích cực, góp phần từng bước cải thiện đời sống đồng bào DTTS. Năm 2019, tổng đầu tư toàn xã hội của huyện mới đạt trên 1.328 tỷ đồng, đến năm 2023 tăng lên trên 2.815 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 39,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,4%.
Việc hỗ trợ vốn, sinh kế cho hộ nghèo phát triển kinh tế ở huyện Tân Lạc đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Với những giải pháp đồng bộ, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân cùng sự đầu tư từ các chương trình, chính sách dân tộc sẽ là động lực lớn góp phần giúp huyện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng.
Mai Chinh
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Tân Lạc)
Với vai trò là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Yên Mông (thành phố Hòa Bình), đồng chí Nguyễn Tất Tài không chỉ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mà còn tích cực học hỏi, phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ốc nhồi. Sau gần 2 năm, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế và được nhân rộng ra một số hộ trong xã.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều hội viên nông dân huyện Kim Bôi, nhất là hội viên người dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương để vươn lên làm giàu.
Những năm qua, nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Mai Châu đã vượt lên khó khăn, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu của huyện Lương Sơn xuất hiện nhiều mô hình vườn mẫu, vườn đẹp. Trong đó, tiêu biểu là mô hình vườn mẫu của gia đình nông dân Nguyễn Văn Điền, dân tộc Mường ở xóm Suối Sếu A, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn).
Huyện Đà Bắc có 5 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 90%, trong đó dân tộc Dao chiếm trên 14%. Những năm qua, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Dao được chú trọng, là tiền đề để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện vùng cao này.
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hoà Bình luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc, miền núi nhằm giúp đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Nhờ vậy, KT - XH vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển khá toàn diện.