Từng là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, xã Hữu Lợi có 6 xóm, 1.027 hộ, 4.110 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm 96%. Phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, xã từng bước vươn lên. Đáng kể nhất là vào năm 2021, Hữu Lợi là xã đặc biệt khó khăn đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới (NTM).


Người dân xóm Vố Dấp, xã Hữu Lợi (Yên Thủy) chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống.

Đồng chí Đinh Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Lợi cho biết: Để đạt những kết quả đáng ghi nhận như vậy là nhờ địa phương phát huy tốt tinh thần đoàn kết trong Nhân dân. Đặc biệt là đoàn kết trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, đồng lòng thực hiện các phong trào thi đua như xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư (KDC)...

Từ việc đẩy mạnh thực hiện các phong trào, trên địa bàn xã đã từng bước hình thành và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả như mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi dê sinh sản và lấy thịt, phá vườn tạp trồng cây có múi, canh tác lúa SRI, phát triển kinh tế rừng... Nhờ vậy, đời sống người dân nói chung, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được nâng cao, đóng góp tích cực xây dựng các công trình hạ tầng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã.

Theo thống kê, tổng kinh phí thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã đạt gần 89 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp tổng giá trị gần 5 tỷ đồng. Nổi bật là phong trào hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, đường giao thông.

Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng khi xã có chủ trương vận động người dân hiến đất để xây dựng và mở rộng đường liên xã Hữu Lợi - Bảo Hiệu, tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, gia đình ông Bùi Văn Niện ở xóm Rộc đã tự nguyện hiến 2.409m2 đất lâm nghiệp, chiều dài tuyến đường đi qua hơn 200m. Đáng chú ý khi đó trên diện tích đất của gia đình ông Niện là vườn keo 3 năm tuổi nhưng không có yêu cầu hoặc đề nghị được hỗ trợ đền bù. Ông Niện chia sẻ: Khi hiến đất làm đường giao thông, gia đình tôi xác định mình thiệt thòi nhỏ nhưng lại được cái lợi lớn là người dân có đường giao thông thuận lợi. Có đường lớn, không chỉ người dân mà gia đình tôi cũng có nhiều cái lợi trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Anh, những đóng góp của gia đình ông Niện thể hiện tinh thần trách nhiệm với địa phương, cộng đồng, tạo nên những phong trào thi đua yêu nước ý nghĩa, thiết thực. Từ việc làm của gia đình ông Niện, 4 hộ có đất gần tuyến đường cũng hiến trên 3.590m2 để mở rộng mặt đường mà cũng không đòi hỏi bất kỳ một quyền lợi gì.

Không chỉ phát huy tinh thần "vì cộng đồng, vì mọi người” trong đẩy mạnh thực hiện các mô hình sản xuất, xây dựng NTM, thời gian qua, phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, Hữu Lợi đã tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả và trở thành một trong những "điểm sáng” trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở KDC của huyện. Đồng chí Đinh Thị Hồng Thức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hữu Lợi cho biết: Phong trào luôn được đông đảo người dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Từ đó, tạo hiệu quả lớn, không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, mà còn tạo chuyển biến rõ nét diện mạo nông thôn qua việc người dân góp công, góp của xây dựng các công trình hạ tầng, nền tảng vững chắc để xây dựng NTM. Từ phong trào cũng đã làm chuyển biến nhận thức, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong xã, nhất là tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh...

Diện mạo nông thôn mới xã Hữu Lợi đã đổi thay toàn diện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 của xã ước đạt 42,1 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 69 hộ (5,45%), giảm 152 hộ so với năm 2019. Hàng năm, 100% KDC đạt danh hiệu văn hóa, khoảng 90% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã luôn được giữ vững, ổn định.


Mạnh Hùng

Các tin khác


Huyện Cao Phong: Giao lưu truyền thông về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cao Phong vừa tổ chức giao lưu truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại xã Dũng Phong. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Huyện Kim Bôi đầu tư xây dựng, nâng cấp, sữa chữa 186 công trình vùng dân tộc thiểu số

Thực hiện Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, từ năm 2019-2024, huyện Kim Bôi đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát huy hiệu quả các nguồn vốn nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng.

Huyện Tân Lạc: Trao sinh kế phù hợp, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Tân Lạc có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả các chính sách đối với đồng bào DTTS, giúp bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Trong đó, việc tạo mô hình, trao sinh kế giúp các hộ phát triển chăn nuôi, sản xuất được các cấp, ngành quan tâm triển khai và đạt hiệu quả thiết thực.

Xóm Vó Trên bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc

Mặc dù được đầu tư từ năm 2010 nhưng công trình nhà văn hoá xóm Vó Trên, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) vẫn tương đối khang trang, rộng rãi, đặc biệt là giữ nguyên được nét kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường nhằm tạo không gian sinh hoạt văn hoá truyền thống. Nơi đây thường tổ chức các cuộc họp của xóm, các hội, đoàn thể, cũng là điểm để người dân tham gia hoạt động ngày hội ở khu dân cư (KDC), các chương trình giao lưu, văn nghệ cộng đồng.

Cách làm hiệu quả đối với phụ nữ và trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số

Thời gian qua, với nhiều cách làm, mô hình sáng tạo, Hội LHPN huyện Lạc Sơn đã triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” bài bản, thiết thực, hiệu quả. Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức, trang bị những kiến thức cần thiết cho phụ nữ và trẻ em (PN&TE) gái trong đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, thúc đẩy nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với PN&TE gái.

Ông Bùi Văn Kịnh - người có uy tín góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Năm nay 70 tuổi, ông Bùi Văn Kịnh, xóm Tân Phong, xã Phong Phú (Tân Lạc) được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu là người có uy tín (NCUT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, ông luôn gương mẫu thực hiện chính sách pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, đề xuất với cấp ủy, chính quyền triển khai các cuộc vận động "Tuổi cao, gương sáng”, "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” gắn với các phong trào thi đua của xã, xóm, góp phần nhân rộng tinh thần đoàn kết, gắn bó trong gia đình, cộng đồng, xây dựng gia đình, xóm văn hóa, an toàn về an ninh trật tự (ANTT).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục