Tuyến đường giao thông nội đồng được đầu tư từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia tạo thuận lợi cho người dân xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) phát triển sản xuất.
Xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) là địa bàn có đông ĐBDTTS sinh sống. Hiện nay, xã có 4/13 xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thực hiện các CTMTQG, xã được phân bổ hơn 10,4 tỷ đồng, trong đó vốn CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN gần 3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, xã tập trung nâng cấp đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất và đi lại của các hộ dân thuộc 4 xóm đặc biệt khó khăn. Đồng chí Bùi Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho biết: Đời sống của người dân trong xã hiện còn nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư một cách đồng bộ. Chính vì vậy, khi được phân bổ nguồn vốn từ các CTMTQG, ưu tiên lựa chọn đầu tư của xã là các công trình giao thông, nhà văn hoá xóm để phục vụ đời sống sinh hoạt người dân. Các tuyến giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được đầu tư nâng cấp đã giúp ích rất nhiều cho người dân địa phương.
Tân Lạc là một trong những huyện vùng cao có đông đồng bào sinh sống và có nhiều thôn bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hiện nay, huyện đang nỗ lực chỉ đạo các xã, chủ đầu tư tích cực giải phóng mặt bằng, tập trung nhân lực để thi công các công trình thuộc CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN. Theo phân bổ, giai đoạn 2021 - 2025, huyện được phê duyệt 43 danh mục công trình. Trong đó có 40 công trình đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, 3 công trình sử dụng vốn ngân sách huyện và 1 dự án hỗ trợ nhà ở.
Thực hiện Dự án 4 về đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng ĐBDTTS&MN, các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc, giai đoạn 2022 - 2023 tỉnh được phân bổ 484.155 triệu đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển 455.366 triệu đồng, vốn sự nghiệp 28.789 triệu đồng. Năm 2024, nguồn vốn đầu tư thực hiện 297.659 triệu đồng, nguồn vốn sự nghiệp thực hiện 30.774 triệu đồng. Từ nguồn vốn đã hỗ trợ đầu tư 664 công trình, trong đó có 200 công trình nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng; 381 công trình giao thông (đường ngõ xóm, nội đồng, đường trung tâm xã, đường liên xã); 16 công trình chợ; 21 công trình thuỷ lợi; 10 công trình y tế; 1 công trình điện nông thôn; 3 công trình nước sinh hoạt; 3 công trình phụ trợ khác. Khi các công trình đầu tư hạ tầng hoàn thành tại các thôn đặc biệt khó khăn sẽ tạo thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế, từ đó nâng cao mức sống cho người dân.
Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99,8% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 98,8% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 90% ĐBDTTS tham gia bảo hiểm y tế...
Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, vì vậy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, trong đó có các chính sách đặc thù của tỉnh. UBND tỉnh xác định huy động, sử dụng có hiệu quả tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển KT-XH vùng ĐBDTT&MN, nhất là các xã đặc biệt khó khăn với phương châm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư cứng hóa hệ thống đường giao thông đến các trung tâm xã; đường liên xã, liên xóm và kết nối các xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn với nhau. Ưu tiên cho các tuyến đường kết nối với các khu vực có tiềm năng phát triển để tập trung đầu tư trước. Bố trí hợp lý nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường nội đồng, đường đến khu sản xuất nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH cho ĐBDTTS. Đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn được giao thực hiện chương trình, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn giao. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng ĐBDTTS; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, kết hợp nắm tình hình; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kiến nghị của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc.
Đinh Hòa