Chuyển đổi số (CĐS) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) để từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều mô hình, chương trình hoạt động về CĐS ở nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu CĐS toàn diện.


Là một trong những điển hình thực hiện CĐS trên địa bàn huyện Lạc Thủy, xã Khoan Dụ ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch về CĐS trên địa bàn và đề ra các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn để thực hiện. Trong đó, xã tập trung xây dựng chính quyền số để góp phần định hướng, quản lý, hỗ trợ kinh tế số, xã hội số, hạ tầng số phát triển; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm trong công tác CĐS. Bên cạnh đó, đa dạng hóa công tác tuyên truyền về lợi ích, tầm quan trọng của việc CĐS để người dân hiểu rõ, hưởng ứng thực hiện trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn, các hội nghị, nền tảng mạng xã hội, trang thông tin điện tử... Nổi bật nhất, xã đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng. Đồng chí Bùi Trung Dũng, cán bộ văn phòng, tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng cho biết: Từ khi thành lập, mỗi năm có hàng nghìn lượt người dân được Tổ hướng dẫn, giúp đỡ, thực hiện thành công giao dịch hành chính mức độ 3 trên cổng dịch vụ công.

Hiện nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lạc Thủy đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác CĐS, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ nhân dân, từng bước hoàn thiện tiêu chí xây dựng NTM thông minh. Huyện đã chỉ đạo thành lập 113 Tổ công nghệ số cộng đồng, gồm 1 tổ cấp huyện và 112 tổ cấp xã. Các tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các giao dịch hành chính trên môi trường điện tử khi có nhu cầu. Nhờ vậy, bước đầu mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong việc chuyển đổi tư duy tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân.

Đối với xã Nhuận Trạch (Lương Sơn), theo đồng chí Hoàng Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, năm 2023, xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Xác định mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 là nâng cao mức sống, mức hưởng thụ cho người dân, xã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu vào năm 2024. Để xây dựng NTM kiểu mẫu, xã phải hoàn thiện 3 nhóm tiêu chí, gồm: thu nhập bình quân đầu người; có ít nhất 1 "thôn thông minh” và lựa chọn lĩnh vực kiểu mẫu. Xã chọn thôn Suối Sếu A để xây dựng mô hình KDC thông minh. Việc triển khai mô hình được nhân dân đồng thuận cao. Thôn đã huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí, lắp hệ thống camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính; thành lập nhóm thông tin thôn, xóm, các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin chính xác, thuận tiện. Đến nay, Suối Sếu A đã hoàn thành mô hình thôn thông minh.

Thực hiện CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng các mô hình sáng tạo, hiệu quả, như: xây dựng các điểm wifi miễn phí để người dân truy cập thông tin; trưởng thôn điều hành hệ thống loa truyền thanh, hệ thống camera an ninh, điện chiếu sáng công cộng bằng điện thoại di động... Đặc biệt, nhiều địa phương khuyến khích người dân nông dân đưa công nghệ thông tin, các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng xây dựng quy trình sản xuất minh bạch, quản lý từ khâu nhập giống cây trồng, vật nuôi đến sản xuất, bán hàng…

Theo đồng chí Hoàng Văn Tuân, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, thực hiện chương trình CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh, tỉnh Hòa Bình đã triển khai 8 lớp tập huấn về du lịch nông nghiệp, bố trí không gian và quản lý du lịch nông nghiệp; tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp; phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số, năng lực tiếp cận thông tin cho người dân… Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác đã tạo nên chuyển biến đáng ghi nhận trong phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

"CĐS là mục tiêu đồng thời cũng là giải pháp tối ưu, thiết thực trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, cải thiện và tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Vì vậy, cùng với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CĐS rất cần sự chung tay, tích cực tham gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của mỗi người dân”- đồng chí Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh khẳng định. 


Minh Vũ

Các tin khác


Tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu. Trong hành trình đó, nhân lực số đóng vai trò cốt lõi, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Xây dựng đô thị thông minh - nền tảng vững chắc xây dựng chính quyền điện tử

Tháng 9/2020, UBND tỉnh khai trương Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh. Đến nay, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, từ những kết quả đạt được góp phần tạo nền tảng quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ

Chuyển đổi số (CĐS) đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển. Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đẩy mạnh ứng dụng và phát  triển công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng phát triển   kinh tế - xã hội. 

Bước chuyển 4.0 ở Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh

Nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân trong việc tiếp cận và sử dụng tài liệu lưu trữ, đồng thời giảm thiểu sự xuống cấp của tài liệu gốc trong quá trình khai thác, những năm qua, Trung tâm Lưu trữ lịch sử (LTLS) tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số đối với tài liệu lưu trữ tại kho LTLS tỉnh.

Xã Thạch Yên: Xây dựng “cán bộ số” để xây dựng “chính quyền số”

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần "vì nhân dân phục vụ”, xã Thạch Yên (Cao Phong) từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, điều hành, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Những năm gần đây, chuyển đổi số (CĐS) đã mang lại những thay đổi to lớn về thị phần, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cũng như tạo ra xu hướng mới trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN). CĐS đã mở ra cơ hội cho các DN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh, giúp kết nối gần hơn với khách hàng và cấu trúc lại DN. Song, để CĐS trong DN đạt hiệu quả, thành công, đòi hỏi cần có tư duy mới cùng những năng lực mới trong tổ chức, vận hành theo hướng kết hợp người và máy móc dựa trên nền tảng các công nghệ số và dữ liệu số. Tỉnh ta đang triển khai các giải pháp thúc đẩy CĐS trong DN.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục