Công an tỉnh xây dựng hệ thống điều hành đảm bảo an ninh trật tự và giao thông thông minh thông qua hệ thống camera giám sát.
Tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử
Tháng 12/2022, UBND TP Hòa Bình khai trương Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (ĐTTM). Theo đồng chí Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình, việc đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành ĐTTM đã giúp lãnh đạo địa phương có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động KT-XH theo thời gian thực. Từ đó đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc. Ngoài ra, thông qua hệ thống giám sát ĐTTM giúp tăng tính tương tác giữa người dân với chính quyền, góp phần tăng cường mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền. Đây là tiền đề quan trọng để chính quyền thành phố nhanh chóng xây dựng chính quyền điện tử, ĐTTM.
Cùng với đó, thời gian qua, hệ thống camera giám sát an ninh của lực lượng công an cũng phát huy vai trò tích cực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Thống kê trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 450 camera an ninh được lắp đặt tại các địa bàn, khu vực trọng điểm về ANTT, trở thành hệ thống "mắt thần” quan trọng góp phần đảm bảo ANTT ở địa phương. Thông qua việc giám sát hình ảnh, trong năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Từ hình ảnh thu được của hệ thống camera an ninh giám sát trên các tuyến đường đã giúp lực lượng chức năng phát hiện, "giải mã” nhiều vụ việc phức tạp, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Việc triển khai đồng bộ hệ thống camera giám sát giúp giảm quá trình tiếp xúc trực tiếp, giải quyết hành vi vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông, qua đó ngăn ngừa tiêu cực nảy sinh, hạn chế nguy hiểm khi thi hành công vụ, đồng thời tiết kiệm nguồn nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ khác trong công tác đảm bảo ANTT.
Đồng chí Nguyễn Văn Thường, Giám đốc VNPT Hòa Bình cho biết: Trung tâm Điều hành ĐTTM được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) xây dựng với mục tiêu cung cấp số liệu toàn diện về các hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố. Hệ thống có khả năng giám sát và quản lý từ tổng quan đến chi tiết từng tình huống như thống kê số liệu, chỉ tiêu về tình hình KT-XH, cải cách hành chính, ANTT, phản ánh bất cập đô thị... trực quan trên bản đồ số và hệ thống camera trí tuệ nhân tạo. Từ đó, giúp các cấp lãnh đạo có cái nhìn tổng quan, thực tế và toàn diện về mọi mặt hoạt động KT-XH theo thời gian thực để kịp thời điều hành, xử lý ngay trên các nền tảng phần mềm của trung tâm.
Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Theo đánh giá, qua hoạt động từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM của tỉnh đã trở thành hệ thống nền tảng cốt lõi quan trọng, từng bước phục vụ cho việc hình thành ĐTTM của tỉnh tiên tiến, kiểu mẫu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy KT-XH phát triển bền vững.
Để tạo sự tương tác, kết nối liên thông giữa người dân và cơ quan nhà nước, khai thác hiệu quả phần mềm ứng dụng, tỉnh đã xây dựng, triển khai hệ thống phần mềm tương tác trực tuyến VNPT ORIM-X. Sử dụng các mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai, hạ tầng đô thị; xây dựng hệ thống camera giám sát tại các nút giao, trục đường chính trong khu vực trên địa bàn TP Hòa Bình; thiết lập hệ thống wifi thông minh công cộng để phục vụ tại các địa điểm tổ chức nhân ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của tỉnh; lắp đặt hệ thống wifi cố định tại Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Trường phổ thông DTNT THPT tỉnh, Trường THPT 19/5 và 8 điểm du lịch trọng điểm trong tỉnh. Công an tỉnh và hầu hết các huyện, thành phố triển khai xây dựng hệ thống điều hành giao thông thông minh, bảo đảm TTATGT và hệ thống giám sát bảo vệ các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Hệ thống đã ứng dụng công nghệ AI trong việc tự động phát hiện phương tiện vi phạm TTATGT; phát hiện, cảnh báo các hiện tượng, đối tượng khả nghi; theo dõi, giám sát lộ trình di chuyển của đối tượng cần giám sát.
Hiện nay, hệ thống hạ tầng viễn thông của tỉnh ngày càng được hoàn thiện. Trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp đầu tư, xây dựng hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet. Trong đó, 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến, vô tuyến là Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình, 5 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ truy cập internet băng thông rộng cố định. Hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng cáp quang được triển khai rộng khắp đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, hạ tầng mạng thông tin di động được phủ sóng đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn, 99,6% thôn, bản, cụm dân cư. 151/151 xã có cáp quang đến trung tâm xã. Cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên sử dụng máy tính để xử lý công việc đạt 100%, cấp xã đạt 80%. Kết quả này không chỉ góp phần quan trọng thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, mà còn là nền tảng quan trọng xây dựng ĐTTM trong thời kỳ chuyển đổi số.
Mạnh Hùng