Công việc vận chuyển, xếp những kiện pháo hoa được bắt đầu từ 5h sáng 9/2 (tức ngày 30 Tết). Giữa cái lạnh tê tái khi nhiệt độ xuống 13 độ C nhưng trên vầng trán, lưng áo của những cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy quân sự thành phố Hòa Bình vẫn thấm ướt mồ hôi. Ít ai biết, để có được 15 phút pháo hoa lung linh, rực rỡ trên bầu trời đêm giao thừa là cả một sự kỳ công, thấm đẫm những giọt mồ hôi của những người lính làm nhiệm vụ bắn pháo hoa trong tất cả các khâu, các công đoạn chuẩn bị. Từ việc tiếp nhận, bảo quản; xây dựng kế hoạch, kịch bản, chuẩn bị dàn pháo…


Theo kế hoạch, đêm giao thừa đón Xuân Giáp Thìn 2024, toàn tỉnh sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 11 điểm ở 10 huyện, thành phố. Trong đó, tại thành phố Hòa Bình sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại cầu Hòa Bình 1. Để chuẩn bị cho bắn pháo hoa đêm giao thừa, hơn 200 kiện pháo hoa nổ tầm thấp (loại giàn) đã được vận chuyển và bảo quản an toàn về kho của Ban CHQS thành phố Hòa Bình từ nhiều ngày trước.




Do có yêu cầu nghiêm ngặt về công tác phòng chống cháy, nổ, các kiện pháo hoa khi đưa về bảo quản, niêm cất tại kho của Ban CHQS thành phố luôn được các CBCS có chuyên môn kiểm tra kỹ càng.




Theo kế hoạch, đúng 5h sáng 9/2 (tức ngày 30 Tết), việc vận chuyển, xếp những kiện pháo hoa ra xe chuyên dụng đã được các CBCS Ban CHQS thành phố Hòa Bình triển khai thực hiện.




Quá trình vận chuyển, xếp pháo luôn được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về đảm bảo an toàn.




Các kiện pháo được sắp xếp chính xác theo kịch bản đã xây dựng sao cho pháo được bắn lên không chỉ đẹp, an toàn mà còn đảm bảo đúng thời gian nổ, thời gian cháy để từng tiếng pháo trở thành những lời chúc phúc an lành với những biểu tượng của tình yêu, niềm vui, an khang, phú quý, thịnh vượng... trong thời khắc đón xuân mới.




Với trọng lượng bình quân 20kg/thùng nên đòi hỏi các CBCS phải có sức khỏe tốt, bền để chuyển pháo lên xe chuyên dụng.




Việc sắp xếp các thùng pháo vào đúng vị trí và theo kịch bản đã được xây dựng cũng đòi hỏi mỗi CBCS phải có sự phối hợp nhịp nhàng, chính xác.




Sau khi hoàn thành việc vận chuyển, sắp xếp pháo lên xe, các CBCS chuẩn bị lắp ngòi nổ. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác tuyệt đối do những CBCS có kinh nghiệm và được tập huấn kỹ càng đảm nhiệm.




Là những người có nhiều năm kinh nghiệm tham gia thực hiện nhiệm vụ bắn pháo hoa trong đêm giao thừa, Trung tá Đào Quốc Huy (phải), Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố và Thiếu tá Bùi Văn Thuận, nhân viên quân khí luôn là những người lắp, kết nối ngòi nổ cho giàn pháo.




Tính đến năm 2024, Trung tá Đào Quốc Huy (phải) đã có 15 lần tham gia làm nhiệm vụ bắn pháo hoa. Trong đó, rất nhiều lần anh là người điểm hỏa "vẽ” lên bầu trời những sắc màu lung linh trong đêm giao thừa để đón thời khắc thiêng liêng của đất trời.


Mạnh Hùng

Các tin khác


Ấn tượng xuân xứ Mường bên biểu tượng linh vật chào xuân Giáp Thìn

Công trình nghệ thuật biểu tượng linh vật chào xuân Giáp Thìn 2024 trưng bày tại Quảng trường Hòa Bình được dựng đảm bảo tính mỹ thuật, hiệu quả, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Công trình nhận được sự hưởng ứng, chào đón tích cực của đông đao người dân; tạo không khí phấn khởi, phục vụ Nhân dân đến vui chơi, giải trí trong dịp Tết cổ truyền và tạo điểm nhấn về văn hóa, du lịch để thu hút du khách đến với thành phố Hòa Bình và tỉnh Hòa Bình.

Bưởi Diễn Lương Sơn - Từ nông sản địa phương vươn ra thị trường quốc tế

Cây bưởi Diễn được đưa về trồng tại huyện Lương Sơn từ mấy chục năm trước. Đến nay, diện tích bưởi tăng lên gần 800 ha, chiếm trên 35% diện tích trồng cây ăn quả toàn huyện; sản lượng hằng năm đạt trên 12.000 tấn.

Sắc hoa xuân vùng cao Mai Châu

(HBĐT) - Chào đón mùa xuân, muôn hoa đua sắc. Thấp thoáng bên những mái nhà, những bờ rào đá, vườn hoa mận, đào, cải đủ sắc màu rực rỡ tô điểm cho mùa xuân ở huyện vùng cao Mai Châu thêm hấp dẫn, mê hoặc…

Hấp dẫn Lễ hội Gầu Tào năm 2024

Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở 2 xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu) là lễ hội dân gian truyền thống, được phục dựng từ năm 2017. Lễ hội góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu lịch sử, văn hóa và tiềm năng du lịch của 2 xã Pà Cò, Hang Kia đến với du khách trong và ngoài nước.

Tự hào di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Hòa Bình

Năm 2023, tỉnh Hoà Bình có thêm di sản tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng loóng được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Niềm tự hào về bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc trong tỉnh càng được khơi dậy, nhân lên bởi đến nay đã có 5 di sản được vinh danh di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, Mo Mường đã được lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Chợ phiên vùng cao Pà Cò

Chợ phiên Pà Cò được nhiều người biết đến là chợ phiên vùng cao lớn nhất ở huyện Mai Châu, thu hút đông đồng bào các dân tộc xa, gần về trao đổi, mua bán. Chợ được họp vào Chủ nhật hàng tuần, với vẻ đẹp của vùng cao còn nguyên sơ, dân dã, phiên chợ không chỉ là nơi mua bán hàng hóa, mà còn là điểm để gặp gỡ, giao lưu của bà con vùng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục