(HBĐT) - Thời điểm năm 2013, Hội Nông dân tỉnh đã khảo sát về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại 2 huyện Đà Bắc và Yên Thủy. Qua đó cho thấy có một bộ phận không nhỏ phụ nữ chưa biết mình có quyền đứng tên cùng chồng trên GCNQSDĐ. Trường hợp của bà Đinh Thị Hện ở xóm Tân Sơn, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) là một thí dụ.
Trong căn nhà nhỏ vừa được 2 cô con gái xây cho cách đây hơn 1 năm, bà Hện trải lòng: “Gia đình có 400 m2 đất ở và hơn 300 m2 đất vườn tạp đã được UBND huyện cấp GCNQSDĐ từ năm 2000, toàn bộ thửa đất do chồng tôi đứng tên”. Năm 2013, chồng bà mất, lúc này, bà muốn sang tên đổi lại GCNQSDĐ nhưng lại bị con cái, cụ thể là các con trai, con dâu làm khó dễ và thách thức rằng “nếu không được họ đồng ý bằng văn bản, bà không thể làm thủ tục đổi lại GCNQSDĐ đứng tên bà”. Đã nhiều lần bà Hện lên UBND xã đề nghị nhưng không thể giải quyết được vấn đề. Theo cán bộ địa chính xã Toàn Sơn, bà Hện đang bị con đẻ của mình tranh chấp. Đối chiếu với Luật Thừa kế, trường hợp bà Hện muốn đứng tên chủ sở hữu bìa đất thì phải nhận được đồng thuận từ con cái.
Phụ nữ 2 xã Hào Lý, Tu Lý (Đà Bắc) được tư vấn, nâng cao nhận thức về quyền đứng tên cả vợ và chồng trong GCNQSDĐ do Viện Tư vấn phát triển KT -XH nông thôn và miền núi (CISDOMA) phối hợp tổ chức.
Tình cảnh của bà Hện cho thấy trong cuộc sống còn có nhiều mâu mắc, thiệt thòi có thể xảy đến đối với người phụ nữ khi không cùng đứng tên trong GCNQSDĐ. Quy định GCNQSDĐ hai tên vợ và chồng tại Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 là bước tiến bộ, cải thiện sự bình đẳng giới giữa nam và nữ trong tiếp cận và kiểm soát đất đai mà phụ nữ cần biết và đảm bảo quyền lợi của chính mình. Có một thực tế là nhiều phụ nữ vẫn chưa nắm bắt được quyền đứng tên trong sổ đỏ, GCNQSDĐ hai tên vợ và chồng. Điều này kéo theo những hệ lụy như bản thân họ bị lệ thuộc vào chồng, không phát huy hết vai trò của người vợ trong phát triển kinh tế gia đình, mất quyền tiếp cận, kiểm soát và hưởng dụng đất đai, nhất là trong vấn đề ly hôn, giao dịch dân sự, tranh chấp đất đai dòng tộc và đảm bảo an sinh lúc về già. Phụ nữ thiếu cơ hội tiếp cận tín dụng một cách chủ động...
Đồng chí Xa Đức Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Để nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến hành vi của đồng bào dân tộc miền núi về chính sách đối với phụ nữ trong tiếp cận, hưởng dụng đất, UBND huyện đã phối hợp với dự án “Nâng cao nhận thức của người dân về quyền của phụ nữ trong tiếp cận đất đai và GCNQSDĐ hai tên vợ và chồng cho đồng bào dân tộc miền núi” triển khai các hoạt động về truyền thông, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác quản lý đất đai và tăng cường kiến thức của người dân. Nhờ đó, Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi, quy định về sổ đỏ có tên cả vợ và chồng được phổ biến, tuyên truyền đến người dân, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách. Bằng các hoạt động truyền thông qua các hội nghị thôn xóm, mở ngày hội tư vấn... khoảng 500 lượt phụ nữ tại 2 xã trọng điểm gồm Hào Lý, Tu Lý đã được tiếp cận, nắm bắt thông tin, có ý thức về bảo vệ quyền của mình cũng như tiếp cận cơ hội đổi GCNQSDĐ từ một tên thành hai tên vợ và chồng.
Bùi Minh
(HBĐT) - Trong thời gian qua, tại một số tỉnh có tình trạng trẻ em là con của phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài trở về sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Trong đó có nhiều em đã đăng ký quốc tịch nước ngoài nên gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyền đi học, khám bệnh, chữa bệnh… như đối với trẻ em là công dân Việt Nam. Trước thực trạng trên, Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn số 1540/LĐTBXH-BVCSTE, ngày 9/5/2016 về việc yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình trẻ em là con của phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài trở về.