Mưa lớn mấy ngày qua đã làm ngập lụt, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho các tỉnh miền trung. Tính đến hết ngày 15-10 đã có 26 người chết và mất tích, hàng chục nghìn học sinh phải nghỉ học. Hiện các tỉnh bị ảnh hưởng nặng là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đang tập trung lực lượng, phương tiện chủ động phòng tránh và tích cực khắc phục hậu quả thiên tai...
Thiệt hại nặng nề
Tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa, lũ gây ra. Theo đánh giá, đỉnh lũ lần này tương đương với lũ lịch sử năm 2007. Chính quyền và nhân dân vùng “rốn lũ” Quảng Bình đang gồng mình chống chọi với lũ lớn. Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch Hoàng Duy Khiêm cho biết, sáng 15-10, trên địa bàn xã có khoảng 1.000 ngôi nhà bị ngập trong nước lũ, hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài. Các thôn Tân An, Phù Ninh ngập sâu, có những nhà nước lên chạm nóc. Cũng theo đồng chí Hoàng Duy Khiêm, trận lũ này vượt đỉnh lũ lịch sử 2007 từ 10 cm đến 15 cm. Xã Phù Hóa cũng ngập trắng khắp vùng. Phương tiện duy nhất tiếp cận được trung tâm xã là thuyền. Không chỉ những khu vực trũng thấp xảy ra ngập lụt mà ở những khu vực cao như Quảng Phương, Quảng Liên... năm nay cũng bị chìm trong nước. Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến hết ngày 15-10, lũ đã làm 9 người chết, 10 người mất tích và 7 người bị thương, hơn 56 nghìn ngôi nhà bị ngập, hệ thống giao thông qua Quảng Bình bị tê liệt hoàn toàn.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, mưa to đã làm ngập lụt 24.158 nhà dân ở 93 xã trên địa bàn, làm ba người bị chết và mất tích. Hương Khê là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, mưa lũ đã khiến 16 xã bị ngập, trong đó có chín xã bị cô lập gồm: Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Thủy, Hương Giang, Phương Điền, Phương Mỹ, Hòa Hải; nhiều diện tích lúa, hoa màu, công trình giao thông, thủy lợi, trường học, đường điện bị hư hỏng, ngập sâu trong nước. Tuyến đường từ TP Hà Tĩnh đi Hương Khê cũng bị ách tắc nhiều đoạn, khiến các phương tiện phải ngừng lưu thông trong đêm 14-10.
Theo Chủ tịch UBND xã Lộc Yên (Hương Khê) Nguyễn Văn Hưng, mặc dù đã có lịch thông báo xả lũ từ trước, song đúng vào thời điểm mưa to nhất, nhà máy thủy điện Hố Hô tiến hành xả với lưu lượng nước lớn, khoảng 270 m3/giây nên nhiều hộ gia đình trở tay không kịp. Nước lũ đã làm 1.300 nhà dân bị ngập hoàn toàn, trong đó có nhiều gia đình nước ngập lên đến nóc nhà. Do nước lên nhanh, nhiều hộ dân không kịp di tản tài sản và vật nuôi đến nơi an toàn cho nên thiệt hại rất nặng nề. Do ảnh hưởng của mưa lũ, trong hai ngày 14 và 15-10 nhiều học sinh trên địa bàn huyện Hương Khê đã phải nghỉ học để bảo đảm an toàn. Theo Trưởng phòng Giáo dục huyện Hương Khê Trần Đình Hùng: Tình trạng ngập lụt và chia cách địa bàn đã khiến gần 12.000 học sinh ở 13 trường THCS, ba trường THPT và Trường Dân tộc nội trú Hương Khê phải nghỉ học.
Tại tỉnh Nghệ An, từ chiều ngày 14 đến ngày 15-10, mưa lớn cũng xảy ra trên địa bàn tỉnh với lượng mưa đo được gần 400 mm, gây ngập lụt nhiều tuyến đường giao thông, khu vực dân cư và đồng ruộng. Tại TP Vinh nhiều tuyến đường bị ngập sâu gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Tại các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn... những huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nhiều diện tích lúa, hoa màu đang bị ngập chìm trong nước.
Tập trung khắc phục hậu quả mưa, lũ
Nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, UBND tỉnh Quảng Bình đã cử các đoàn công tác đến huyện Lệ Thủy thăm, động viên các gia đình bị gió lốc làm tốc mái tại xã Sen Thủy. Sáng 15-10, tỉnh Quảng Bình dừng tất cả các cuộc họp để về cơ sở chỉ đạo ứng phó với mưa lũ. Ba đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch và một Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã đến các vùng “rốn lũ” phía bắc tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống lũ lụt và “giải cứu” 132 hành khách trên đoàn tàu SE19 mắc kẹt trên đường sắt đoạn qua huyện Tuyên Hóa. Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu lãnh đạo các địa phương quán triệt phương châm “bốn tại chỗ”, huy động mọi nguồn lực để cứu dân, giúp dân vùng lũ. Ngoài việc khắc phục hậu quả đợt lũ lịch sử này, phải tiếp tục nắm tình hình diễn biến để ứng phó với cơn bão số bảy sắp đến. Riêng với các đoàn xe, hành khách bị ách tắc trên địa bàn tỉnh, các địa phương và các cơ quan chức năng phải có phương án hỗ trợ giúp đỡ. Tinh thần chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy là huy động cao nhất mọi nguồn lực để giúp đỡ, cứu trợ nhân dân bị thiệt hại do lũ lụt, quyết không được để người dân nào trên địa bàn bị thiếu đói.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, trước tình trạng ngập lụt, chia cắt tại các khu vực dân cư, ngay trong tối 14-10, UBND huyện Hương Khê đã thành lập các đoàn công tác đến kiểm tra, nắm tình hình xả lũ tại Nhà máy thủy điện Hố Hô, kiểm tra, đôn đốc người dân các vùng xung yếu thực hiện nghiêm túc phương án “bốn tại chỗ”, đặc biệt qua nắm bắt, theo dõi tình hình các tổ kiểm tra đã kịp thời ứng cứu hai trường hợp bị cô lập không có khả năng tránh lũ ở xã Hương Trạch và xã Hương Đô. Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn cho biết, đã huy động các lực lượng Bộ đội, Biên phòng, Công an... túc trực suốt 24 giờ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, trong đó, tập trung rà soát, bám nắm tại các vùng thường xuyên bị ngập úng để tổ chức di dời nhân dân đến các địa điểm an toàn. “Hiện lượng mưa lưu vực Kẻ Gỗ đã giảm mạnh, mưa chỉ rải rác. Nếu trong ngày hôm nay tiếp tục mưa to, vượt ngưỡng 30,5 m thì sẽ cân nhắc xả một ít nhưng phải rất thận trọng vì hạ lưu Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh nhiều vùng đang ngập úng, tiêu thoát lũ còn kém", ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết. Trong chuyến đi kiểm tra tình hình ứng phó với mưa lũ tại các khu vực trọng yếu ở huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn chỉ đạo Ban quản lý hồ thủy lợi trên địa bàn theo dõi sát sao, chủ động tính toán thời điểm phù hợp để điều tiết lũ, phòng, chống hiệu quả thiên tai.
Cho đến hết ngày 15-10, mưa lớn vẫn diễn ra trên hầu hết các địa phương của tỉnh Nghệ An. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, tăng cường thông tin, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp để các chính quyền địa phương và người dân biết, chủ động phòng tránh; tổ chức triển khai phương án di dời dân tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở và vùng trũng thấp đến nơi an toàn.
(HBĐT) - Đây là nội dung được hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP về việc thi hành một số quy định của Luật Phá sản năm 2014.
(HBĐT) - Sáng 6/10, chúng tôi có mặt tại cổng trường một số trường THPT trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Qua ghi nhận, có nhiều học sinh nghiêm túc chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, điển hình như trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ. Tuy nhiên cũng có bộ phận không ít các em đội mũ bằng hình thức chống đối như treo mũ ở xe hay để giỏ, đi đường không đội, đến cổng trường khi nhìn thấy đội xung kích của trường thì mới đội. Có trường hợp người ngồi trước đội, người ngồi sau không đội… Khi hỏi một học sinh trường THPT Công Nghiệp “Tại sao em không đội mũ bảo hiểm?” em nói: “Cháu biết việc đội mũ là bắt buộc, có lợi cho mình nhưng nhiều lúc thấy vướng đầu chú ạ”!
(HBĐT) - Ngày 26/8/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về vụ 4 anh cột chèo cùng làm quan tại huyện A Lưới, ngày 12/10, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết đã hoàn tất việc kiểm tra thông tin.
Ông Nguyễn Hiếu Hòa là phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định kiêm chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh trong khi con gái ông, Nguyễn Thị Anh Nguyên làm phó chi cục trưởng.
Sau khi Báo Công an TP.HCM phản ánh thực trạng các lãnh đạo, cán bộ ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên – Huế) là anh em “cột chèo” và lãnh đạo Tỉnh ủy đã chỉ đạo xác minh làm rõ việc quy hoạch, quy trình bổ nhiệm lãnh đạo, cán bộ.