(HBĐT) - Trang trại chăn nuôi lợn với quy mô 1.200 con /lứa của gia đình ông Nguyễn Xuân Dũng đầu tư tại xóm Bu Chằm, xã Phú Minh (Kỳ Sơn) mới đi vào hoạt động từ tháng 7. Tuy nhiên, người dân trong xóm rất lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường khi dòng suối bị nhuộm đen, cá ao chết, mùi hôi thối nồng nặc.
Ngày 17/10, theo ý kiến phản ánh của người dân, chúng tôi về xóm Bu Chằm. Trang trại nuôi 1.200 con lợn, trên diện tích hơn 1 ha của gia đình ông Nguyễn Xuân Dũng nằm phía trên khu đồng Xá. Đến gần những chân ruộng phía bên ngoài tường của trang trại, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Nước thải đen ngòm rỉ ra ruộng, tràn ra bai Đồng Bợi, suối Cò Ke. Dù đã đeo khẩu trang nhưng mùi thối vẫn làm cho chúng tôi khó thở. Trong khi đó, một số nhà dân chỉ cách tường trại lợn khoảng trên 300 m. Chị Nguyễn Thị Tư, xóm Bu Chằm bày tỏ: “Mùi hôi thối nặng nhất là vào buổi tối, hôm trời âm u, gió lùa. Những lúc đó, chúng tôi không dám mở cửa. Con nhà tôi mới gần 4 tuổi đã biết kêu mùi thối, chỉ thương các cháu nhỏ.”
Người dân xóm Bu Chằm, xã Phú Minh (Kỳ Sơn) phản ánh với phóng viên tình trạng ô nhiễm môi trường giáp bên ngoài tường trại lợn của gia đình ông Nguyễn Xuân Dũng. ảnh: p.v
Không chỉ bốc mùi, nước thải tràn ra suối Cò Ke, vào ao của người dân trong xóm làm cá chết trắng. Đưa chúng tôi ra ao rộng khoảng hơn 500 m2, nước vẫn còn đục, bà Nguyễn Thị Duyên giãi bày: “Buổi tối, gia đình đắp đá suối dẫn nước vào ao, không ngờ đến sáng hôm sau, nước ao chuyển màu đen kịt, cá chết nổi khắp mặt nước, vớt được 5 bao tải. Chúng tôi đã nuôi cá từ lâu, trước đây khi chưa có trại lợn chưa từng xảy ra sự việc như vậy. Chúng tôi đã thông báo tình hình với chủ trại và được hỗ trợ 5 triệu đồng. Gia đình sau đó đã rắc vôi bột khử trùng và phải mua 400 m ống dẫn nước từ trên đồi xuống ao nhưng đến nay đã hơn 1 tháng vẫn chưa dám thả cá”.
Đem những ý kiến của nhân dân đến gặp Bí thư chi bộ, Trưởng Ban mặt trận xóm Bu Chằm đều xác nhận, tình trạng trại lợn gây ô nhiễm môi trường là có thật. Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Lực cho biết: “Có khoảng 10 hộ dân sống gần khu vực trại lợn bị ảnh hưởng ô nhiễm không khí. Ngoài ra còn tình trạng ô nhiễm nguồn nước do nước thải từ trại rỉ ra bai, suối. Bây giờ, trâu cũng không đằm, uống nước suối Cò Ke chảy từ xóm Bu Chằm, qua xóm Quốc và ra sông Đà. Mới đi vào hoạt động đã ảnh hưởng môi trường như vậy, về lâu dài sẽ ra sao? Đây là câu hỏi và là nỗi lo lắng của người dân trong xóm”.
Trao đổi với phóng viên về những vấn đề mà nhân dân và chính quyền xóm Bu Chằm phản ánh, ông Nguyễn Xuân Dũng xác nhận: “Trang trại xây dựng từ đầu năm và mới đi vào hoạt động được hơn 3 tháng, quy mô 1.200 con /lứa, vị trí ở khá cao. Chúng tôi đã xây bể biogas, có ao sinh học. Trước khi đầu tư xây chuồng trại đã thông báo với chính quyền và nhân dân trong xóm Bu Chằm. Tuy nhiên, do mới nuôi, có thời điểm nước thải từ bể biogas bị thấm ra bai, suối. Chúng tôi đã hỗ trợ người dân có cá ao bị chết khắc phục thiệt hại. Đồng thời, báo cáo với cơ quan chức năng về giai đoạn hoạt động thử nghiệm và đang tập trung các biện pháp khắc phục, không để ảnh hưởng đến môi trường”.
Bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban mặt trận xóm Bu Chằm cho biết: Dù hoạt động chưa lâu nhưng nhân dân quanh khu vực trại lợn đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước với cán bộ xóm. Trước khi đầu tư, chủ trại cam kết sẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường dưới sự giám sát của người dân xung quanh khu vực và các cơ quan chức năng liên quan. Đến nay, dù mới đi vào hoạt động nhưng môi trường đã bị ảnh hưởng, người dân mong muốn chủ trang trại sớm thực hiện lời hứa của mình. Mong các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ và có giải pháp khắc phục, bảo vệ môi trường bền vững, không để thắc mắc trong nhân dân”.
Đầu tư trang trại chăn nuôi lợn mục tiêu tạo thu nhập cho chủ trại, nhân viên, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người dân. Đồng thời, tạo thêm thu nhập cho một số lao động trên địa bàn góp phần vào nguồn thu ngân sách, phát triển ngành sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những hệ lụy từ trại lợn khi gây ô nhiễm về lâu dài là rất lớn. Vì vậy không thể bỏ qua hoặc coi nhẹ môi trường sống của nhân dân.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Ngày 25/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg về việc lấy tháng 10 hàng năm là Tháng hành động vì người cao tuổi (NCT) Việt Nam. Tháng hành động vì NCT Việt Nam thể hiện sự quan tâm ngày càng sâu sắc của Đảng và Nhà nước với NCT. Năm thứ 2 thực hiện, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm chăm sóc và phát huy vai trò NCT.
(HBĐT) - Ngày 1/9/2016, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư số 28/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.
(HBĐT) - Xã Địch Giáo (Tân Lạc) có tổng diện tích tự nhiên hơn 1.200 ha, trong đó, đất nông nghiệp chiếm 90% tổng diện tích, đất phi nông nghiệp chiếm 5,47%, đất ở nông thôn chiếm 2,57%. Xã chia thành 14 xóm với dân số 3.900 người. Là xã vùng thấp của huyện, thuận lợi giao lưu hàng hóa và tiếp cận với các điều kiện để phát triển, Địch Giáo đã tranh thủ hiệu quả sự hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vừng gắn với xây dựng NTM.
(HBĐT) - Đến nay, ngoài 12 nhà máy nước sinh hoạt lớn, nguồn nước sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ 33 trạm cấp dưới 500 người, hơn 90.000 giếng đào, hơn 52.000 máng lần tự chảy, hơn 7.000 bể nước mưa và trên 21.000 nguồn nước khác. Qua khảo sát, nguồn nước tự khai thác vẫn chưa được kiểm soát về chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân.
(HBĐT) - Vào trung tuần tháng 10, tại huyện Lương Sơn, nơi có vùng rau hữu cơ khá tập trung của tỉnh đã diễn ra phiên chợ nông sản hữu cơ, đặc sản. Phiên chợ thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng.
(HBĐT) - Ngày 26/10, Hội Bảo trợ NTT&TMC tỉnh phối hợp với UBND huyện Lương Sơn tổ chức trao tặng bò sinh sản cho người khuyết tật, trẻ mồ côi xã Hợp Châu. Dự buổi trao bò có lãnh đạo Hội Bảo trợ NTT&TMC tỉnh; UBND huyện Lương Sơn.