(HBĐT) - Những năm gần đây, bán hàng trên mạng Intenet nở rộ thành trào lưu trong cộng đồng mạng, đặc biệt là trong giới trẻ. Nhiều người có việc làm thêm, tăng thu nhập mà không cần đầu tư cửa hàng, lo tiền vốn và cầu kỳ, tốn kém. Bạn chỉ cần bỏ ra chút ít thời gian là có ngay “gian hàng” trên trang mạng cá nhân để giới thiệu, quảng bá sản phẩm cần kinh doanh. Việc bán hàng trên mạng cũng tạo nhiều cơ hội cho người tiêu dùng dễ lựa chọn sản phẩm, giao dịch, giao hàng tận nơi… Tuy nhiên, câu chuyện về bán hàng trên mạng cũng thật lắm vui buồn, dở khóc, dở cười cho cả người bán, người mua.
Lướt một vòng trên mạng xã hội facebook, tôi “điểm danh” có đến hàng trăm bạn bè trong danh sách kinh doanh hàng trên mạng. Không khó để kiếm được một món hàng ưng ý qua những trang kinh doanh online. Rất nhiều sản phẩm được bạn bè giới thiệu, chào hàng từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng, sách vở, đồ trang điểm, trang sức, đến các sản phẩm nông sản như cam, bưởi, mía, chanh hay cả những món ăn các bạn làm ăn thử thấy ngon rồi muốn chia sẻ “nhượng” lại cho bạn bè cùng thưởng thức như: chè, bánh ngọt, ruốc thịt, cá… Những chủ “cửa hàng” này đã đầu tư cẩn thận cho việc quảng cáo, giới thiệu sản phẩm bằng những hình ảnh bắt mắt cộng với những dòng chào mời đầy hấp dẫn để thu hút người mua.
Phong trào kinh doanh online đang “làm mưa, làm gió” trong giới trẻ bởi khả năng ưu việt của nó: tận dụng được số lượng bạn bè và người theo dõi đông đảo trên facebook để giới thiệu sản phẩm, việc kinh doanh lại không mất khoản thuê mặt bằng - thích hợp với những bạn trẻ tập tành kinh doanh mà có ít vốn... Lợi thế này đã thu hút các bạn trẻ có ham mê kinh doanh. Không ít bạn đã thành công khi thử sức với loại hình kinh doanh qua mạng.
Bạn Phương Linh đang là học sinh THPT nhưng yêu thích công việc làm bánh ngọt và hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, sau những giờ lên lớp và khi đã học xong bài, bạn lại học hỏi cách làm bánh ngọt và giới thiệu với bạn bè trên trang mạng xã hội. Trong quá trình làm bánh, bạn quay hình ảnh trực tuyến hoặc chụp các nguyên liệu, sản phẩm để giới thiệu. Với những sản phẩm được làm từ nguyên liệu đảm bảo, không có chất bảo quản, những người quen của Phương Linh đã chọn mua sản phẩm của Linh để dùng thử. Trong các dịp như Tết, Trung thu, Linh nhận được khá nhiều “đơn đặt hàng”. Linh rất vui vì công việc này. Trước mắt, Linh không đặt vấn đề kiếm được tiền là lý do chính cho việc kinh doanh trên mạng mà em chỉ cảm thấy vui, có thêm kinh nghiệm để sau này học xong, Linh sẽ đầu tư kinh doanh.
Anh Bùi Quyết ở xã Đông Phong (Cao Phong), ông chủ vườn cam cũng đã chọn hình thức quảng bá, giới thiệu, kinh doanh sản phẩm cam của gia đình qua mạng xã hội. Từ đây, anh cũng mở rộng được các “đại lý phân phối” sản phẩm cam của gia đình ở khắp mọi nơi. Các đại lý này là bạn bè trên mạng của anh. Khi các đại lý nhận được “đơn hàng” chỉ việc báo số lượng với anh, chuyển khoản tiền (có thể chuyển tiền sau nếu là bạn bè quen biết, uy tín) là anh Quyết lại cắt cam, gửi xe chuyển hàng.
Tuy nhiên, bán hàng qua mạng ngoài những mặt tích cực kể trên cũng mang nhiều góc khuất, thậm chí “mất tiền như chơi”.
Bạn Bích Nga, sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Hòa Bình chia sẻ: “Mình không có kinh nghiệm bán hàng lại không “dày vốn” nên mẫu mã không update được thường xuyên, bán chậm và ế ẩm. Mình đành phải mang ra chợ sinh viên bán thanh lý và chịu lỗ vốn”. Bên cạnh đó, một số bạn lại mời chào lôi kéo chính bạn bè của mình để thanh lý số hàng tồn. Kết quả là bán hàng không có lãi mà lại bị bạn bè né tránh, thậm chí là hủy kết bạn... Nhiều trường hợp bán hàng chỗ thân quen khi lấy hàng về giao cho khách, khách chê hàng không lấy lại phải tìm cách bán tháo lấy vốn. Rồi các chủ cửa hàng online cũng gặp không ít phiền toái khi số điện thoại dùng để đặt hàng khách gọi thì ít mà nháy máy làm phiền thì nhiều hay có những trường hợp người mua hẹn giao hàng nhưng khi đến nơi thì không liên lạc được. Không những thế, đối với các bạn đang ngồi trên ghế nhà trường, đôi khi quá mải mê kinh doanh mà chuyện học hành bị ảnh hưởng…
Hình thức mua sắm trên mạng đang phổ biến và được đón nhận khá tích cực, đặc biệt trong giới trẻ do tính chất tiện lợi và nhanh gọn của nó. Tuy nhiên, những hạn chế, rủi ro đối với người bán, người mua cũng không ít. Kinh nghiệm từ bản thân và nhiều bạn có sở thích mua hàng qua mạng cho rằng, cần tỉnh táo khi chọn các sản phẩm trên mạng; chọn các cơ sở uy tín và chọn các hình thức thanh toán hợp lý khi đã nhận hàng hoặc kiểm tra thông tin sản phẩm, trao đổi với chủ hàng kỹ càng. Đối với những “chủ cửa hàng” thì cần bán hàng với uy tín và cái “tâm” để có cơ hội kinh doanh lâu dài, hiệu quả hơn. Đặc biệt, đối với học sinh, sinh viên hay cán bộ, công chức chọn việc kinh doanh trên mạng để làm thêm cần phân bố thời gian hợp lý để không làm ảnh hưởng đến việc học hành và công việc.
Hồng Duyên
Ông Trương Minh Tiến, phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định, rùa vàng không phải biểu tượng của Hà Nội, vì vậy ý tưởng đúc tượng rùa vàng 10 tấn tại hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) cần phải tính toán kỹ lưỡng.
(HBĐT) - Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) tổ chức Phiên giao dịch việc làm Online kết nối 9 tỉnh, thành phố gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bình Dương, Bắc Kạn và Hòa Bình.
(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 358/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh (PCDB) trên địa bàn tỉnh năm 2017 nhằm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các dịch bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời khi có dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Vừa qua, Báo Hòa Bình nhận được đơn của bà Mai Thị Hiền, trú tại phường Phương Lâm - TP Hòa Bình bày tỏ sự không đồng tình với cách tính thời gian công tác để chi trả lương hưu cho bà Hiền của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hòa Bình. Cụ thể, bà Hiền cho rằng, BHXH thành phố đã cắt giảm thời gian đóng BHXH bắt buộc của bà Hiền, theo đó, bà Hiền không được hưởng lương hưu đúng với thời gian đã đóng BHXH bắt buộc. Báo Hòa Bình đã trao đổi thông tin trên tới đồng chí Chu Văn Dũng, Giám đốc BHXH TP Hòa Bình và được trả lời như sau:
(HBĐT) - Năm 2011, qua Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, anh Nguyễn Phan Chiến, xã Phú Minh (Kỳ Sơn) đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Hợp đồng lao động kéo dài 4 năm 10 tháng. Cuối năm 2016, hết thời hạn hợp đồng, anh Chiến trở về nước. “Sang Nhật Bản, công việc của tôi làm về nông nghiệp, ngày làm từ 10 - 12 tiếng, thời gian khá vất vả nhưng so với làm việc trong nước thu nhập khá hơn.
(HBĐT) - Ngày 28/3, Ban CHQS huyện Lạc Thủy đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa tặng bà Nguyễn Thị Diễm - Thôn Đồng Nhất xã Đồng Tâm là vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Thành.