(HBĐT) - Hiến máu tình nguyện (HMTN) là nghĩa cử cao đẹp. Những giọt máu trao đi sẽ mang đến sự sống, niềm hy vọng cho những người kém may mắn. Phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái”, Ban Chỉ đạo HMTN tỉnh đã triển khai nhiều chương trình HMTN, thu hút các tình nguyện viên tham gia...
Mới chỉ đáp ứng một lượng nhỏ nhu cầu máu
Năm 2014, Ban vận động hiến máu nhân đạo tỉnh tổ chức được 16 cuộc HMTN với 9.131 người đăng ký tham gia, thu được 4.812 đơn vị máu. Năm 2015 tổ chức được 22 cuộc HMTN với hơn gần 11.400 người đăng ký tham gia, thu được hơn 6.571 đơn vị máu. Năm 2016, toàn tỉnh tổ chức được 24 cuộc HMTN với hơn 12.800 người đăng ký tham gia, thu 6.851 đơn vị máu. Qua số liệu thống kê cho thấy, lượng máu thu được thông qua các hoạt động HMTN năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên thực tế, lượng máu thu được chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu máu của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
Các tình nguyện viên thành phố Hòa Bình tham gia hiến máu tình nguyện.
Đồng chí Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trung bình một năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 200.000 lượt người khám bệnh và có hơn 40.000 lượt người điều trị, trong đó khoảng hơn 20.000 bệnh nhân phẫu thuật và nhiều bệnh nhân cấp cứu khác. Hầu hết những bệnh nhân này đều được chỉ định phải truyền máu. Chính vì vậy, trung bình một năm, riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh sử dụng khoảng hơn 17.000 đơn vị máu, chưa kể phải cung cấp cho cả các bệnh viện tuyến huyện. Tất cả đều lấy từ nguồn dự trữ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thực tế lượng máu thu được từ hoạt động HMTN chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu sử dụng máu. Còn lại, chúng tôi phải huy động từ Viện Huyết học - truyền máu trung ương và người nhà bệnh nhân.
Máu không chỉ cần thiết đối với các bệnh nhân phẫu thuật mà còn là điều kiện duy trì sự sống của nhiều bệnh nhi bị thiếu máu huyết tán. Theo số liệu của ngành Y tế, tỉnh ta là một trong những tỉnh có nhiều bệnh nhân thiếu máu huyết tán. Hiện nay, trung bình một năm, bệnh viện tiếp nhận hơn 300 ca trẻ em mắc bệnh thiếu máu huyết tán, nhiều bệnh nhi nặng, trung bình mỗi tháng phải truyền máu một lần. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời điểm hiện tại có khoảng hơn 20 bệnh nhi đang điều trị thiếu máu huyết tán. Trong đó, nhiều em phải truyền nhắc lại 2 đơn vị máu một lần.
Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng để phong trào thêm lan tỏa
Nhu cầu máu trong điều trị diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Nguồn cung cấp máu chủ yếu thông qua các hoạt động hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động hiến máu nhân đạo thường tổ chức theo chiến dịch, đối tượng hiến máu chủ yếu là học sinh, sinh viên. Vì vậy, vào các dịp lễ, tết khi học sinh, sinh viên nghỉ thì lượng máu thường bị thiếu hụt. Sau các chiến dịch hiến máu, lượng máu về nhiều nhưng không thể bảo quản, trong khi đó, đời sống của máu có hạn. Chính vì vậy, bệnh viện không thể lưu trữ hết, giải pháp của bệnh viện là chuyển về Viện Huyết học - truyền máu trung ương, sau này khi có nhu cầu thì sẽ được Viện cấp trở lại. Tuy nhiên, thực tế tại Viện Huyết học - truyền máu trung ương cũng đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm máu. Ngoài ra, tại bệnh viện tuyến huyện, hiện chưa tự lấy máu nên Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn phải cung cấp máu. Một ngày, bệnh viện chuyển máu một lần. Nhiều trường hợp có cấp cứu tại các bệnh viện tuyến huyện xa như Yên Thủy, Mai Châu, việc chuyển máu xuống rất vất vả nên đã có những trường hợp không kịp cấp cứu hoặc buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh điều trị.
Đông đảo tình nguyện viên huyện Lương Sơn xếp hàng chờ kiểm tra sức khỏe để hiến máu tại ngày hội hiến máu của huyện. (ảnh: HD)
Đồng chí Nguyễn Thị Sinh, Phó Ban chỉ đạo vận động HMTN tỉnh (Hội CTĐ tỉnh) cho biết: Theo kế hoạch, trung bình hàng năm, tỉnh tổ chức khoảng gần 20 cuộc HMTN, trải đều tại các huyện, thành phố. Thực tế, hoạt động hiến máu thường tập trung vào những tháng đầu năm như Lễ hội Xuân hồng hoặc hưởng ứng ngày Toàn dân tham gia HMTN 7/4. Đối tượng tham gia hiến máu chủ yếu là học sinh, sinh viên nên khi các trường trên địa bàn nghỉ học thì không có người đăng ký tham gia, dẫn đến tình trạng khan hiếm máu. Mặt khác, tại các huyện, việc tổ chức hiến máu cũng gặp nhiều khó khăn vì thanh niên nông thôn chủ yếu đi làm ăn xa, đã có những huyện rơi vào tình trạng phải lùi kế hoạch tổ chức vì lượng người tham gia thấp.
Cùng với những khó khăn trên, công tác tuyên truyền chủ yếu dựa vào đội ngũ tình nguyện viên. Tại nhiều cơ sở Hội, kinh phí cho công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng đến kết quả triển khai phong trào. Kinh phí hoạt động cũng đang là trở ngại lớn tại nhiều huyện vùng cao như Mai Châu, Đà Bắc, do giao thông đi lại khó khăn, nhiều xã cách trung tâm huyện vài chục km. Vì vậy, nếu có kinh phí hỗ trợ xe đưa đón người tham gia hiến máu sẽ thuận lợi hơn cho hoạt động HMTN tại các huyện.
Để phong trào ngày càng lan rộng và đạt được kết quả thiết thực, đồng chí Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng, vì đời sống của máu có hạn, nhưng không phải lúc nào cũng là cao điểm cần máu. Vào các dịp như lễ, tết là dịp thường xảy ra tình trạng tai nạn giao thông là thời điểm phải thường xuyên cần đến máu. Chính vì vậy, hoạt động hiến máu hiện nay cần khắc phục tình trạng tổ chức dồn vào một thời điểm, lượng máu nhiều mà khâu bảo quản có hạn.
Cùng chung quan điểm này, đồng chí Nguyễn Thị Sinh, Phó trưởng Ban vận động HMTN tỉnh cho biết: Ban chỉ đạo vận động HMTN tỉnh xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để đối tượng tham gia không chỉ là học sinh, sinh viên mà còn mở rộng ra cả cán bộ, CNVC – NLĐ. Bên cạnh đó, tỉnh cần có sự quan tâm, động viên và tôn vinh khen thưởng xứng đáng đối với những người đã tích cực tham gia HMTN cứu chữa người bệnh. Như vậy, phong trào được lan tỏa, người dân đều ý thức được ý nghĩa của hành động hiến máu cứu người và tự tham gia hiến máu, sẽ không còn tình trạng khan hiếm máu và điều quan trọng hơn là người bệnh sẽ được hưởng lợi.
P.L
* Mỗi năm trên thế giới có khoảng hơn 80 triệu người tham gia hiến máu vẫn hoàn toàn khỏe mạnh
Lê Thị Hương
Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Theo các chuyên gia y tế khẳng định, hiến máu theo chỉ dẫn của bác sĩ không có hại tới sức khỏe. Máu có nhiều thành phần, mỗi thành phần chỉ có thời gian sống nhất định và luôn được thay thế, đổi mới. Hiến máu sẽ giúp chức năng cơ thể của bạn hoạt động hiệu quả hơn bằng cách bổ sung thêm nguồn cấp máu thường xuyên. Thông thường, cơ thể con người thay thế máu trong vòng 48 giờ sau khi cho và tất cả các tế bào hồng cầu mất đi sẽ hoàn toàn được thay thế trong vòng 4 - 8 tuần. Quá trình bổ sung có thể giúp cơ thể làm mới hệ thống và giữ cho cơ thể khỏe mạnh cũng như làm việc hiệu quả hơn.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng hơn 80 triệu người tham gia hiến máu vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 lần liên tiếp hiến máu toàn phần hoặc khối hồng cầu bằng gạn tách là 12 tuần. Khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 lần liên tiếp hiến máu với khối huyết tương hoặc hiến tiểu cầu bằng gạn tách là 12 tuần. Hiến bạch cầu hạt trung tính hoặc hiến tế bào gốc bằng gạn tách máu ngoại vi tối đa không quá ba lần trong 7 ngày.
* Tôn vinh người hiến máu tình nguyện
Bùi Quốc Việt
Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo phong trào HMTN tỉnh
Năm 2016, với thông điệp chính “Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống” do Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) đưa ra, Ngày thế giới tôn vinh những người hiến máu tình nguyện nhằm tiếp tục ghi nhận và tôn vinh việc làm cao đẹp của những người hiến máu - những người đã dành thời gian, sức khỏe và máu của mình cứu giúp sự sống cho những người bệnh mà họ không hề quen biết. Theo thông điệp này, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã kêu gọi người dân trong cộng đồng hướng về những người đang được cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện; thông qua các hoạt động tuyên truyền về lợi ích của việc hiến máu tình nguyện kêu gọi tấm lòng nhân ái của mọi người đối với việc hiến những giọt máu quý hiếm của mình để cứu mạng người trong cơn nguy hiểm ngặt nghèo…
Hiện nay, Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh đang tập hợp danh sách 50 tập thể, cá nhân, gia đình tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện để kịp thời tôn vinh trong ngày thế giới tôn vinh những người hiến máu tình nguyện 14/6/ 2017.
* Sẽ tiếp tục tham gia các chương trình hiến máu
Nguyễn Khánh Hoàng
Phó Bí thư Đoàn xã Lâm Sơn (Lương Sơn)
Đây là lần thứ 8 tôi tham gia hiến máu. Lần tham gia hiến máu tình nguyện đầu tiên của tôi là khi còn đang đi học tại Hà Nội. Sau lần hiến máu đầu tiên, tôi thấy sức khoẻ của mình rất tốt nên sau khi về công tác tại địa phương, tôi không chỉ tiếp tục tham gia đăng ký hiến máu tình nguyện mà còn tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình và các ĐVTN trong xã tham gia hiến máu. Tại ngày hội hiến máu tình nguyện của huyện Lương Sơn lần này, tôi đại diện cho gần 700 người tham gia đăng ký hiến máu tình nguyện, vinh dự phát biểu, bày tỏ cảm xúc. Qua đây, tôi muốn góp phần tuyên truyền để mọi người hiểu ý nghĩa của việc hiến máu. Hiến máu không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ. Trong gia đình tôi, mẹ và anh trai đều tham gia hiến máu, tôi sẽ tiếp tục tham gia các chương trình hiến máu ý nghĩa để góp phần nhỏ bé giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn cần máu. Tôi cũng tình nguyện đăng ký hiến máu trong các trường hợp đột xuất khi có bệnh nhân cần máu.
(HBĐT) - Hình ảnh những dây cáp treo tự chế dùng để vận chuyển nông sản xuyên núi đã trở nên quen thuộc đối với người dân xã Đồng Nghê (Đà Bắc) từ năm 2013 đến nay. Sử dụng cáp treo với mục đích tiết kiệm sức người và tiện trong việc thu hoạch, vận chuyển, tập kết hàng hóa. Tuy nhiên, công cụ thô sơ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho người dân.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh, báo cáo Thủ tướng.
UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu đánh giá mức độ trách nhiệm đối với sai phạm liên quan và việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của 2 cá nhân.
UBKT Trung ương đã làm việc tại Bình Định về việc kiểm điểm những khuyết điểm, vi phạm của nguyên Bí thư Tỉnh ủy và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra một số vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng, gây tử vong nhiều người, điển hình tại xã Ma Ly Chải của huyện biên giới Phong Thổ (Lai Châu), phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội)... Những vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, đồng thời báo động tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rượu tại địa bàn tỉnh ta.
(HBĐT) - Trong quý I /2017, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã tích cực phối hợp với ngành chức năng các địa phương tăng cường công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng, quản lý chặt chẽ nhân, hộ khẩu, tập trung vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT như khách sạn, nhà nghỉ... không để tội phạm lợi dụng ẩn náu. Theo đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra 62 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, phát hiện, xử lý hành chính 9 cơ sở vi phạm, đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính trên 45 triệu đồng.