(HBĐT) - Mạng xã hội là dịch vụ kết nối thành viên, bạn bè qua internet có nhiều tiện ích khác nhau và đang dần trở thành một phần tất yếu trong đời sống tinh thần của hàng trăm triệu thành viên khắp thế giới. Tại tỉnh ta, vài năm trở lại đây, mạng xã hội trở thành kênh thông tin khá sôi động, đặc biệt là trong giới trẻ.
Hiện tại, Việt Nam có khá nhiều trang mạng xã hội
hoạt động hiệu quả như: Zing me, instagram, zalo… Tuy nhiên, facebook vẫn được
yêu thích và có số lượng thành viên đông đảo hơn cả. Ngoài liên hệ với người
thân, mạng xã hội còn giúp các bạn trẻ kết bạn và làm quen, lập thành hội, nhóm
những người có cùng sở thích. Mạng xã hội cho phép thành viên đăng tải nhiều
tin tức như một bài báo, bản tin thời tiết, hội thảo hay triển lãm… Thậm chí, người
sử dụng mạng xã hội còn có thể quảng cáo cho sản phẩm của mình và từ những lượt
like (thích) hay share (chia sẻ) thông tin nhanh chóng đến với người tiêu
dùng.
Là chủ một trang bán hàng qua mạng có hàng chục nghìn
bạn bè và người theo dõi, Lê Thu Huyền (phường Phương Lâm, TP. Hòa Bình) cho
biết: Với cá nhân tôi, ưu điểm nổi trội của việc bán hàng qua mạng xã hội là
sức lan tỏa mạnh mẽ, đồng thời xóa bỏ "khâu trung gian”. Người bán được tiếp
cận trực tiếp với khách hàng, nhờ đó, cả 2 bên đều giảm được chi phí. Còn trên
phương diện người tiếp nhận, mạng xã hội giúp tôi không những nắm bắt được toàn
bộ thông tin phong phú, đa dạng mà còn có thể học tập, chắt lọc kiến thức từ
những gì các thành viên khác đăng tải.
Sẽ là chưa đủ nếu nhắc đến lợi ích của mạng xã hội mà
bỏ qua chức năng giải trí. Với đặc điểm nổi trội là kết nối nhanh, chia sẻ
rộng, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính kết nối internet,
người dùng có thể truy cập hoặc tham gia các trang mạng xã hội. Đây là những
trang thông tin mở nên bất cứ thành viên nào đều có thể tự sáng tạo hình ảnh,
video… để lưu hành và chia sẻ, đồng thời thư giãn với những bản nhạc, clip hài…
do những thành viên khác đăng tải.
Tuy nhiên, với Trịnh Hương Giang (chủ facebook Bin
Bin, trú tại phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình), lợi ích chung nhất, quan trọng
nhất của mạng xã hội là: tự do- tự do thể hiện cảm xúc, tự do trò chuyện, tự do
hẹn hò, kết hôn…
Tiện ích cũng như sức hấp dẫn của mạng xã hội ai cũng
thấy rõ nhưng không phải ngẫu nhiên mà dịch vụ kết nối này lại được ví là con
dao 2 lưỡi với những bất cập và hiểm họa khó lường. Với đặc tính hấp dẫn, lôi
cuốn nên các trang mạng xã hội rất dễ làm cho người tham gia, nhất là giới trẻ
sa đà, sao nhãng học tập. Chưa kể đến
việc để thỏa mãn nhu cầu giải trí, những hình ảnh, tin nhắn, clip hớ
hênh… được lưu lại, đăng tải và lập tức trở thành trò cười cho cả triệu thành
viên. Những câu chuyện đau lòng mang dấu tích của mạng xã hội cũng bắt đầu từ
đây.
Sự thật, trên mạng xã hội, những thông tin tiêu cực
đôi khi lại được chia sẻ và đón nhận "nồng nhiệt” hơn các thông tin tích cực.
Gần đây nhất, Hòa Bình bỗng trở thành một từ khóa hot khi hàng chục tờ báo mạng
liên tục đưa thông tin về vụ việc người dân trên địa bàn xã Quy Hậu (huyện Tân
Lạc) và một số xã lân cận đến "hôi của” sau vụ tai nạn khiến 2 người tử vong.
Trao đổi với đồng chí Bùi Văn Hiển, Chủ tịch UBND xã Quy Hậu được biết: 0h ngày
18/5, tại km99+160 thuộc địa phận xóm Khang 2, xã Quy Hậu xảy ra vụ tai nạn
giao thông nghiêm trọng. Chiếc xe ô tô chở cám mang biển kiểm soát 27C- 02789
do Quàng Văn Kim (SN 1986, trú tại huyện Thanh Luông, tỉnh Điện Biên) điều
khiển theo hướng Hà Nội - Sơn La đã đâm vào vách núi . Đến khoảng 13h30 phút
cùng ngày, ông Cao Văn Năm, Giám đốc Công ty vận tải Nam Hằng (Điện Biên) là
chủ của số hàng đã ủy quyền cho em trai là Cao Đăng Nhã đến hiện trường vụ tai
nạn, thuê người dân bốc xếp số cám còn nguyên vẹn sang xe khác để đưa về Điện
Biên. Còn những bao tải cám bị vỡ, rách, ướt và phần cám đổ ra đường, chủ hàng
không lấy nữa và cho người được thuê bốc mang về.
Tuy nhiên, trong khi người dân địa phương đang lấy số
cám bị rơi vãi giữa đường thì một số người đi qua bắt gặp và chụp ảnh lại rồi
đưa lên mạng xã hội thông tin rằng người dân "hôi của” sau tai nạn khiến dư
luận vô cùng bức xúc.
Đồng chí Trần Hòa, Trưởng phòng Công nghệ thông tin,
Sở TT&TT cho biết: Hiện toàn tỉnh có hàng trăm fanpage (diễn đàn trên
facebook) của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học; ngoài ra còn có
hàng chục nghìn người sở hữu và sử dụng blog cá nhân trên mạng xã hội- đây
chính là nhóm chúng tôi vấp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình quản lý.
Tuy nhiên, khó không có nghĩa là cơ quan chức năng không thể kiểm soát và xử
lý. Năm 2016, trên địa bàn huyện Đà Bắc xuất hiện 1 đối tượng thường xuyên đăng
tải các bài viết trên mạng facebook với nội dung tuyên truyền nói xấu Đảng, Nhà
nước và chế độ. Ngay sau khi nhận được thông tin, bằng các biện pháp nghiệp vụ,
lực lượng công an đã tìm ra đối tượng, đấu tranh, làm rõ những vi phạm, đồng
thời vận động sự vào cuộc của người có uy tín, đưa đối tượng ra kiểm điểm trước
dòng họ… Cho đến nay, đối tượng chưa có thêm hoạt động phức tạp mới.
Đặc biệt hiện nay, có một số tổ chức, cá nhân thực
hiện các tin, bài, clip không đúng sự thật, lan truyền thông tin bôi nhọ danh
dự, uy tín của cán bộ các cấp gây hoài nghi trong nhân dân… Do nhận thức chưa
đầy đủ, một số người dân trong đó có cả cán bộ, công chức vào xem và tải về sau
đó tiếp tục chia sẻ trên mạng xã hội, vô tình tiếp tay cho hoạt động tuyên
truyền chống đối. Thực tế đó đòi hỏi, người tham gia cần tỉnh táo nhận diện để
không bị rơi vào "bẫy” thông tin, luôn luôn phải sử dụng "bộ lọc” riêng bằng
bản lĩnh và sự sáng suốt của chính mình. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, đồng
chí Trần Hòa cho biết thêm: Hiện nay, Sở TT&TT đang triển khai nhiều giải
pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để đối phó với các nguy cơ làm nhiễu loạn thông tin.
Tuy nhiên, với mức độ và nguy cơ ảnh hưởng ngày càng lớn của mạng xã hội, chắc
chắn con đường phía trước sẽ có rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự chung tay của
các cấp, ngành liên quan trong việc kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý những
hành vi phát tán các thông tin, hình ảnh… có nội dung tiêu cực, phản cảm trên
mạng xã hội.
Hải Yến