* Tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, theo thống kê chưa đầy đủ, đến ngày 5-7 đã có 271 ngôi nhà bị đổ hoặc hư hỏng nặng; tập trung ở các xã Mồ Dề, Hồ Bốn, Chế Cu Nha, Nậm Khắt, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Lao Chải, La Pán Tẩn...
* Tại tỉnh Điện Biên, theo Ban Chỉ đạo PCTT huyện Điện Biên Đông, trên tuyến đường từ thị trấn Điện Biên Đông - Na Son, thuộc địa phận bản Na Phát, xã Na Son, mưa lớn đã làm hỏng công trình ngầm Na Phát, khiến các phương tiện cơ giới không thể lưu thông; người dân và phương tiện thô sơ tạm thời di chuyển qua cầu treo. Trên địa bàn xã Na Son hiện đang có chín hộ, xã Háng Lìa có ba hộ dân có nguy cơ sạt lở cao, lũ ống, lũ quét. Thị trấn Điện Biên Đông có hai hộ thuộc khu 10 bị sụt nền, nghiêng công trình phụ.
Còn tại huyện Tủa Chùa, mưa lớn làm hơn hai nghìn m3 đất đá sạt lở, làm hư hỏng, ách tắc và tê liệt giao thông cục bộ nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn, như: Tuyến Huổi Só - Huổi Lóng sạt lở 3 vị trí; Thị trấn - Sính Phình sạt lở 2 vị trí; Cáng Phình - Chẻo Chử Phình (xã Lao Xả Phình) sạt lở, lún sụt 40m mặt đường, sạt đổ một số đoạn kè chắn; ngã ba Tả Sìn Thàng - Lao Xả Phình sạt lở 15m ta-luy âm, hư hỏng 1/3 lòng đường và hiện vẫn đang sạt lở... Mưa lũ làm hai nhà dân tại thôn Đề Chu (Tủa Thàng) bị sạt lở; vùi lấp và làm hư hỏng hơn 150 m kênh dẫn thủy lợi.
* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Tuyên Quang, toàn tỉnh có 90 xã nằm trong vùng có nguy cơ cao về thiên tai. Trong đó, huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn mỗi huyện có đến 24 xã; Hàm Yên 15 xã; Na Hang 11 xã nằm trong vùng nguy hiểm. Hằng năm, toàn tỉnh có trên dưới 100 hộ phải di chuyển khẩn cấp, riêng năm 2017, có 90 hộ do các hộ dân sinh sống tại các vùng ven sông, suối, dưới ta-luy...
* Về xử lý cấp bách sự cố thấm qua đập chính hồ Núi Cốc, ngày 4-7, Bộ NN và PTNT đã có văn bản gửi tỉnh Thái Nguyên đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục xử lý cấp bách sự cố. Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Thái Nguyên, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên hiện đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, ngày 10-7 sẽ tiến hành xử lý sự cố.
* Tại tỉnh Bình Dương, việc xả tràn hồ Dầu Tiếng đã làm ngập 30 ha cao-su thuộc ấp Núi Đất, xã Định Thành, trong đó 15 ha phải dừng thu hoạch.
* Đêm 4-7, trên địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) có mưa to kèm lốc xoáy, làm 16 ngôi nhà ở hai ấp Giồng Giữa B và ấp Biển Tây B bị sập và tốc mái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của nhân dân, trong đó, có hai căn sập hoàn toàn. Chính quyền địa phương đã cử lực lượng xuống phụ giúp người dân thu dọn lại hiện trường. UBND thành phố Bạc Liêu cũng hỗ trợ bước đầu đối với hộ sập nhà hoàn toàn 10 triệu đồng/hộ; những hộ bị tốc mái sẽ được hỗ trợ theo mức độ thiệt hại.
Tôm hùm tại Phú Yên chết hàng loạt là do môi trường vùng nuôi ô nhiễm
Chiều 5-7, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức họp báo thông tin nguyên nhân tôm hùm chết hàng loạt trên địa bàn xã Xuân Phương và phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu).
Theo đó, nguyên nhân tôm hùm chết do môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, tích tụ lượng lớn các chất hữu cơ, khi thời tiết diễn biến bất thường dẫn đến sự phân hủy chất hữu cơ, các loài vi tảo bùng phát tiêu thụ một lượng ô- xi lớn trong nước; số lượng tôm hùm nuôi lại quá dày... Việc tôm hùm bị chết không liên quan việc xả thải của Nhà máy chế biến thủy sản Nguyễn Hưng.
UBND tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư đề nghị có cơ chế đặc thù hỗ trợ cho người dân; đồng thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân.
TheoNhanDan
(HBĐT) - Tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức chương trình "BHYT toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng” nhân dịp kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam (1/7). Dự chương trình có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí UVBCH T.ư Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.