Sáu năm trước, báo Tiền Phong đăng loạt bài về một cây bút nữ được giữ chức Trưởng ban biên tập tạp chí Nâm Nung nhưng lại có bề dày thành tích về... "đạo văn”. Sau khi nhận kỷ luật, bà này tiếp tục được trọng dụng, rồi tái phạm, vu khống đáp trả khiến Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông nhức óc, đau đầu...


Hội VHNT tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần họp xét về việc đạo văn và các vi phạm khác của bà Thủy.

Tháng 4/2011, nhận tin báo từ bạn đọc, phóng viên Tiền Phong vào cuộc thẩm tra và thấy hàng loạt tác phẩm của các tác giả đã được bạn đọc thuộc tên như Dương Bình Nguyên, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Hoài Hương, Thanh Hương… bị bà Võ Thị Lệ Thủy - Trưởng ban biên tập tạp chí Nâm Nung cóp lại gần như nguyên văn, đăng trên tạp chí Nâm Nung dưới bút danh Lê Thủy.

Trước đó, một phóng viên Đài PTTH tỉnh Đắk Lắk từng gửi 2 lá thư về Ban Tuyên giáo tỉnh Đắk Nông và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông về việc Lê Thủy đạo văn 2 truyện ngắn của Dương Bình Nguyên. Ban Tuyên giáo tỉnh hồi âm bằng công văn, xác nhận truyện ký tên Lê Thủy in sau trong 2 cặp truyện giống hệt nhau này. Còn Chủ tịch Hội VHNT Đắk Nông khi đó (ông Khúc Ngọc Vĩnh) khẳng định đây là... âm mưu bôi nhọ danh dự bà Thủy!

Bản kiểm điểm siêu ngụy biện ngày 24/4/2011 của Lê Thủy như tự châm dầu vào lửa, khiến văn đàn cả nước sục sôi với cách bà ngoan cố giải trình đạo văn "Để bảo vệ cái thánh đường văn chương mà tôi hằng tôn thờ, ngưỡng mộ”; Vì muốn mình "là vật hy sinh để nạn đạo văn không còn có đất sống”; Vì "tò mò muốn biết cách đối nhân xử thế của các nhà văn sau những tác phẩm hết sức nhân văn”; và vì muốn "Hội trung ương quan tâm nhiều hơn nữa đến Hội văn nghệ địa phương!” v.v...

Dù vừa hứa hẹn không bao giờ dám tái phạm, cuối tháng 4/2011 bản thảo tạp chí Nâm Nung vẫn bị Lê Thủy đưa vào 2 truyện ngắn đạo văn của Nguyễn Quang Thiều và Hồ Thị Ngọc Hoài. Xem các số tạp chí Nâm Nung khác, phóng viên phát hiện Lê Thủy còn thuổng cả những công trình nghiên cứu và tác phẩm văn chương khác của Hà Minh Hồng, Hoàng Kim Ngọc, Trần Thị Kim Lan, Giả Bình Ao v.v…

Sau đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có ý kiến chính thức với các cấp có thẩm quyền quản lý báo chí của tỉnh Đắk Nông, yêu cầu làm rõ hành vi trắng trợn đạo văn của Lê Thủy và có hình thức xử lý, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo tạp chí Nâm Nung, lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh theo đúng qui định của Ban Bí thư Trung ương trong công tác quản lý báo chí.

Tháng 6/2011Lê Thủy bị kỷ luật khiển trách, cách chức Trưởng Ban biên tập tạp chí, không được tiếp tục làm công tác biên tập, buộc hoàn trả 2 khoản tiền hỗ trợ sáng tác và các khoản nhuận bút đạo văn cho chính chủ, "treo bút” thời hạn một năm trên tạp chí Nâm Nung, nhưng vẫn được giữ tư cách hội viên để... có cơ hội sửa sai (!).

Không rõ sửa sai thế nào, mà sau vụ kỷ luật, trên mạng internet bỗng xuất hiện nhiều nick ảo mạt sát những người đã phanh phui vụ đạo văn, mà một trong những nạn nhân là tác giả loạt bài "Văn sĩ cầm nhầm” của báo Tiền Phong. Thời gian giúp sự việc trôi dần vào quên lãng.

Bà Thủy tiếp tục được ưu ái cho đi học Cao cấp Chính trị rồi về nhận chức Phó chánh văn phòng, kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở Hội VHNT tỉnh Đắk Nông, được cấp cả thẻ nhà báo. Mùa hè năm 2015, bà Thủy bạo tay "xén” gần hết 30 ký vải thiều của một bạn văn Bắc Giang nhờ bà đem về tặng anh em văn phòng Hội. Sự việc vỡ lở, chi bộ Đảng của Hội VHNT Đắk Nông phải họp kiểm điểm, ra quyết định khiển trách.

"Ngựa quen đường cũ”

Cuối năm 2016, bà Thủy bị phát hiện đã tự ý nâng điểm cá nhân từ 7 lên 8,5 trong hồ sơ xét Quỹ hỗ trợ sáng tạo, và lại tiếp tục đạo văn. Lần này, tác phẩm bị bà Thủy cầm nhầm là "Tết của một dân đi” của tác giả Bùi Ngọc Linh, bút danh Linh Evil đăng trên báo Tiền Phong và tienphong.vn từ tháng 1/2009. Sau nhiều lần quanh co chối cãi, rốt cục bà Thủy đã phải nhận sai.

Bị cách chức Phó chánh văn phòng Hội, cảnh cáo về Đảng, bà Thủy chống trả bằng cách giả bệnh bỏ việc 1 tháng, phát tán đơn thư vu khống lãnh đạo Hội. Đơn khiếu nại ngày 13/3/2017, bà này viết "Tôi cũng không có ý định ở lại một nơi mang danh nhân văn cao quý, sống cùng những con mang gương mặt người mà lòng dạ còn ác độc hơn loài thú dữ”. Ngày 16/5/2017 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông kết luận bà Thủy sai phạm, tái phạm có chứng cứ rõ ràng, khiếu nại không căn cứ, đề nghị xem xét tư cách nhà báo của bà này.

Sau khi bị Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh Đắk Nông biểu quyết 100% khai trừ ra khỏi Hội, mới đây bà Thủy hồi đáp lệnh thu hồi thẻ nhà báo của Bộ Thông tin và Truyền thông bằng cách tự khai đã mất hết các loại giấy tờ.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Văn Dung cho biết có lẽ Hội sẽ phải xin trả suất biên chế này của bà Thủy lại cho Sở Nội vụ, bởi bà Thủy vẫn không ngừng loan tin bà bị "đánh tập thể”. Ông Trần Trọng Thắng - Chi hội trưởng Chi hội VHNT huyện Đắk Mil đọc lá đơn đầy tâm trạng hờn oán do bà Thủy đưa tận tay từng thành viên Ban chấp hành Hội, than: Nếu từ năm 2011 vụ Lê Thủy đạo văn được xử lý thỏa đáng, dứt điểm, thì hậu quả đã không tệ hại đến thế này!

Nghe tin Võ Thị Lệ Thủy lại tái phạm đạo văn, nhà thơ Văn Công Hùng (Hội VHNT tỉnh Gia Lai) ngán ngẩm chia sẻ: Vụ đạo văn lần trước, chính mình phê phán cô ấy rất nặng trên blog cá nhân. Thế nhưng 2 lần gặp lại sau đó cô ấy cứ xoắn xuýt tay bắt mặt mừng khiến chính mình phát ngượng.

                                                 TheoTienphong

Các tin khác


Trung tâm Công tác xã hội quản lý, nuôi dưỡng 170 đối tượng

(HBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm Công tác xã hội quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 170 người. Trong đó có 15 người cao tuổi cô đơn; 18 người khuyết tật; 98 người tâm thần; 34 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 4 người thuộc đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp và 1 người tự nguyện vào Trung tâm.

Hồ sơ của liệt sỹ Phạm Tiến Nam đang chờ kết quả của Bộ LĐ-TB&XH

(HBĐT) - Báo Hòa Bình nhận được Công văn số 129/LĐTBXH ngày 10/7/2017 của Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn trả lời đơn của ông Phạm Văn Hải, trú tại khu 2, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) phản ánh về việc vào tháng 5/2016, gia đình ông mang bằng Tổ quốc ghi công của liệt sỹ Phạm Tiến Nam bị rách đến UBND xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) để làm thủ tục cấp đổi bằng mới nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Người thương binh gieo mầu xanh no ấm

(HBĐT) - Theo giới thiệu của Phòng LĐ-TBXH thành phố, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế trang trại của thương binh Bùi Ngọc Danh, xã Sủ Ngòi (TPHB). Trên con đường dẫn vào trang trại, theo hướng tay ông Danh chỉ, tọa lạc trên đỉnh quả đồi hình bát úp là nếp nhà sàn nhỏ, xung quanh quả đồi được bao phủ một màu xanh của vườn chè, bưởi, keo và nhiều loại cây trái như nhãn, mít…

Bão nhỏ, thiệt hại nặng do đâu?

(HBĐT) - Bão số 2 được đánh giá là không lớn nhưng vẫn gây thiệt hại cho nhiều địa phương. Cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão, cần chỉ rõ nguyên nhân, rút kinh nghiệm nhằm phòng, chống thiên tai hiệu quả.

Trao tặng 1.200 hộp sữa tươi cho con em công nhân khu công nghiệp bờ trái Sông Đà

(HBĐT) - Ngày 15/7 vừa qua, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh đã trao 1.200 hộp sữa tươi, tương đương với 25 thùng sữa Vinamilk cho các cháu là con công nhân ở 4 nhà trẻ thuộc các công đoàn cơ sở.

Trao thưởng cho 430 học sinh giỏi năm học 2016-2017 là con công nhân

(HBĐT) - Vừa qua, Công đoàn công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Esquel Việt Nam đã tổ chức lễ trao thưởng học sinh giỏi năm học 2016 - 2017 cho các em là con cán bộ công nhân lao động tại công ty. Tới dự lễ trao thưởng có lãnh đạo ban quản lý, lãnh đạo công đoàn các khu công nghiệp tỉnh cùng đại diện các bậc phụ huynh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục