Thông qua chương trình hỗ trợ sản xuất, người dân xóm Pà Cò, xã Pà Cò (Mai Châu) chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.
Cách đây 7 năm, 17 hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ các xã Đồng Ruộng, Suối Nánh (Đà Bắc), Tân Dân (Mai Châu) chuyển về xóm Mít, xã Tu Lý (Đà Bắc) theo diện tái định cư. Tại nơi ở mới với không ít khó khăn, trở ngại những năm đầu, bà con dần ổn định cuộc sống nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.
Theo chị Bùi Thị Tiên, một trong những hộ diện tái định cư của xóm: Điều kiện sinh hoạt của chúng tôi được đảm bảo hơn trước, có nhà kiên cố, đường giao thông thuận lợi, có chi trường học cho trẻ, công trình điện, nước đầy đủ. Mỗi hộ còn được cấp 3.000 m2 đất sản xuất để canh tác, trồng ngô, sắn, ổn định lương thực. Hồi đầu khi chưa biết làm, Đảng, Nhà nước cử cán bộ chuyên môn đến tận nơi chỉ dạy, hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn, có năm còn đưa mô hình trồng ngô, trồng sắn cao sản về xóm để bà con học hỏi, làm theo. Đến nay, cuộc sống đói khổ đã lùi xa, tuy chưa khấm khá, vẫn cần sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nhưng 17 hộ nghèo nơi đây đã thực sự yên tâm an cư, lạc nghiệp.
Là 1 trong 2 xã vùng đồng bào dân tộc Mông của huyện Mai Châu, xã Pà Cò được nhiều chương trình, dự án hỗ trợ thúc đẩy phát triển KT-XH. Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con, góp phần giảm nghèo bền vững, cây mận tam hoa, ngô lai và những năm gần đây là chè shan tuyết đã được Chương trình 135, Dự án Giảm nghèo đưa về trồng, thích nghi trên đất của người Mông, tạo nguồn thu ổn định, lâu dài. Cùng với đó, hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt được đầu tư, nâng cấp tạo cho Pà Cò diện mạo, sức sống mới. Một số dự án thiết thực khác như Dự án giảm nghèo cũng đến với bà con với hoạt động các tiểu dự án cải thiện nguồn sinh kế, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Năm 2017, Pà Cò là một trong những xã nghèo vượt khó của tỉnh được công nhận ra khỏi vùng III.
Cũng với những nỗ lực của người dân vùng nghèo và tiếp sức của các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, năm 2015, toàn tỉnh có 3 xã, 2 xóm ra khỏi vùng 135 là: Trung Bì (Kim Bôi), Phú Lão, Cố Nghĩa (Lạc Thủy) và thôn Bục - xã Tử Nê (Tân Lạc), thôn Đồng Bưởi - xã Trường Sơn (Lương Sơn). Theo đồng chí Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Dân tộc tỉnh, bình quân mỗi năm từ các chương trình, dự án đã đầu tư, hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cải thiện hạ tầng cơ sở, tạo nguồn sinh kế bền vững cho nhân dân các dân tộc vùng khó khăn của tỉnh. Người dân trên địa bàn triển khai chương trình, dự án, chính sách phấn khởi, tin tưởng, đồng thuận. Cùng với đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện các chính sách trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc. Cũng từ đây, diện mạo KT-XH có nhiều chuyển biến, hạ tầng điện - đường - trường - trạm ở các xã từng bước hoàn thiện, khang trang. Nhiều mô hình sinh kế phát huy hiệu quả và nhân rộng, nhân dân tích cực sản xuất, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc cơ bản ổn định.
Bùi Minh