Trở lại Địch Giáo, xã NTM đầu tiên của huyện Tân Lạc, đi trên con đường làng thoáng rộng, qua những ngôi trường khang trang, ăm ắp tiếng nói cười của học sinh tôi cảm nhận rõ hơn điều này. Được biết, Địch Giáo là xã có xuất phát điểm ở mức khiêm tốn. Năm 2011 thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 26%, tôi đã đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Đình: Bí quyết nào để xã cán đích NTM vào năm 2015? Và câu trả lời là ý chí quyết tâm, sự đồng thuận của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân.
Nhờ sự đồng lòng, quyết tâm, người dân Địch Giáo đã hiến trên 50.000 m2 đất các loại để xây dựng các công trình NTM. Có hộ chấp nhận đập cả nhà và chuyển đến nơi ở mới. Một số hộ dân ở xóm Kem và xóm Đồi Lò tình nguyện di dời phần mộ của tổ tiên để việc làm đường liên xã thuận lợi. Làm được như vậy là bởi người dân trong xã nhận thức rõ xây dựng NTM là xây dựng nền tảng phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chính người dân. Bởi vậy, họ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ động chung tay, góp sức để xây dựng. Với lộ trình khá suôn sẻ đó xã đã đặt ra mục tiêu: giai đoạn 2016-2020 tiếp tục giữ vững và nâng cao 19 tiêu chí NTM; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 44,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90%; 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh… Theo nhận định của lãnh đạo UBND xã, mục tiêu đó không xa vời.
Chia tay xã NTM Địch Giáo, tôi đến tìm hiểu cuộc sống của người dân Quyết Chiến, xã cửa ngõ của 5 xã vùng cao huyện Tân Lạc. "Khó khăn còn nhiều”, đồng chí Bùi Quang Đạo, Chủ tịch UBND xã tỏ bày với chúng tôi như vậy. Quyết Chiến hiện có trên 360 hộ với trên 1.640 nhân khẩu, sinh sống ở 7 xóm. Tuy nhiên, đất đai canh tác của xã chỉ có 372 ha (trong đó trên 90 ha đất cấy lúa và trên 150 ha đất trồng ngô). Vậy nên cuộc sống của người dân phần lớn là khó khăn. Mấy năm trở lại đây xã đã khai thác được thế mạnh về địa hình, khí hậu để phát triển mô hình trồng rau su su làm hàng hóa. Theo đó, cuộc sống của người dân được cải thiện. Đặc biệt, từ tháng 8/2016, được sự giúp đỡ của tổ chức GNI (Hàn Quốc), người dân Quyết Chiến đã triển khai mô hình trồng rau, củ, quả an toàn với diện tích 2.200 m2. Từ sự thành công của mô hình, tổ chức GNI đã vạch ra chiến lược phát triển dự án trồng rau trái vụ dài hơi tại địa bàn đến năm 2020. Đây là hướng mở cho xã Quyết Chiến trong phát triển nông nghiệp sạch, tăng thu nhập cho nông dân và cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường. Điều quan trọng hơn cả là người dân đã tiếp cận được phương thức sản xuất, kinh doanh mới để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống.
Nói về chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: Cuộc sống của người dân ở 23 xã, thị trấn trong huyện có khác nhau về mức sống và cả nếp sinh hoạt… nhưng có một điểm chung là đã được nâng lên tầm cao mới. Hiện tại, thu nhập bình quân của huyện đạt 34,21 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 24,45%; có 13 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 93% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 99% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97%... Trên cơ sở kết quả đạt được, UBND huyện đã đề ra nhiệm vụ cụ thể những tháng cuối năm 2017 là tiếp tục nâng mức sống của người dân lên một tầm cao mới.