Nông dân xã Lạc Thịnh, Yên Thủy đầu tư trồng mía từ vốn vay NHCSXH để ổn định cuộc sống.
Chất lượng tín dụng là một trong những chỉ tiêu quan trọng, biểu hiện chất lượng hoạt động tín dụng, hiệu quả đầu tư vốn, kết quả quản lý nguồn vốn vay được thông qua 3 tiêu chí cơ bản: nợ xấu, lãi tồn và chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV. Do đó, chất lượng tín dụng luôn được NHCSXH huyện Yên Thủy quan tâm chỉ đạo, đề ra những giải pháp tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.
Trong 15 năm qua, NHCSXH huyện đã thực hiện 16 chương trình tín dụng ưu đãi, doanh số cho vay đạt 503.030 triệu đồng, bình quân 33.535 triệu đồng/năm, tăng trên 15 lần khi nhận bàn giao; doanh số thu nợ đạt 306.098 triệu đồng, có 12.500 hộ đã trả hết nợ vay. Đến nay, tổng dư nợ đạt 211.601 triệu đồng, tăng 196.932 triệu đồng so với năm 2003 với 10.297 khách hàng còn dư nợ, nợ quá hạn 307 triệu đồng, chiếm 0,15% tổng dư nợ, giảm 0,33% so với thời điểm nhận bàn giao.
Qua đánh giá, trong giai đoạn 2003-2016, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 4.151 hộ thoát nghèo, bình quân giảm 277 hộ/năm; 1.199 lượt hộ nghèo vay vốn làm nhà ở; 8.060 lượt HS-SV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học; 324 lao động được tạo việc làm; đầu tư xây dựng 10.396 công trình NS&VSMTNT; 3.880 lượt hộ vay vốn SX-KD vùng khó khăn...
So sánh quy mô dư nợ tín dụng và nợ quá hạn tại thời điểm khi mới thành lập và hiện nay cho thấy, dư nợ tín dụng tăng tỷ lệ nợ quá hạn giảm, chất lượng tín dụng ổn định. Mặt khác, từ 2 chương trình tín dụng chính sách, đến nay, NHCSXH huyện đã triển khai cho vay 16 chương trình, cách thức triển khai cho vay được thực hiện bài bản. Kênh dẫn vốn tín dụng chính sách được triển khai tới 100% thôn trên toàn huyện, chất lượng và hiệu quả đầu tư nguồn vốn được nâng lên rõ rệt.
Đạt được kết quả đó là nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng liên tục trong suốt 15 năm qua. Trong đó, việc chuyển đổi phương thức ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong phương pháp quản lý, tuyên truyền, vận động, kiểm tra giám sát, hướng dẫn sử dụng vốn vay, góp phần quan trọng triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng chính sách. Việc thực hiện giao dịch trực tiếp tại các điểm giao dịch xã đã tạo ra nề nếp hoạt động ổn định, thuận lợi cho người dân vay vốn, trả nợ, trả lãi, phát huy được vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã đối với hoạt động tín dụng chính sách. Đồng thời, xây dựng phương án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng tại các xã, giảm thấp nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất theo kế hoạch đề ra, kết quả thu lãi đạt từ trên 92% trở lên; thành lập tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi, đồng thời thường xuyên củng cố, kiện toàn hoạt động của tổ TK&VV. Ngoài ra, thường xuyên đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ ngân hàng, cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay, Ban quản lý tổ TK&VV được nâng lên qua từng năm, từ đó chất lượng công tác đầu tư, quản lý nguồn vốn được thực hiện tốt hơn.
Đinh Thắng