Trồng rừng là một trong những hướng thoát nghèo tại xã Lạc Sỹ (Yên Thuûy).
Thời gian qua, mặc dù chính quyền xã đã ưu tiên vốn, hỗ trợ người dân về cây giống để nâng cao thu nhập nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xóm vẫn cao. Cái nghèo bao nhiêu năm cứ đeo bám. Thoát nghèo không chỉ là trăn trở của người dân mà là bài toán gian nan của chính quyền xã Lạc Sỹ. Năm 2017, xóm còn 44/63 hộ nghèo (chiếm 69,8%), 5/63 hộ cận nghèo (chiếm 7,9%); thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 10, 5 triệu đồng.
Tại xã Lạc Sỹ, không chỉ xóm Ong, tỷ lệ hộ nghèo cao mà đây là vấn đề quan tâm của xã. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 44,26%, cận nghèo 14,81%; thu nhập bình quân đầu người đạt 12, 5 triệu đồng. Trong thời gian qua, chính quyền xã Lạc Sỹ luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo. Xã được Chương trình 135 hỗ trợ cho từng tổ chức, hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... để giúp hội viên con giống, trâu, bò, lợn, gà… Đặc biệt, xã Lạc Sỹ được hỗ trợ nuôi dê bước đầu đem lại thu nhập cho người dân. Toàn xã nuôi 600 - 700 con với khoảng 30 hộ tham gia. Ngoài ra, xã còn được tổ chức phi chính phủ "Tầm nhìn thế giới” hỗ trợ sản xuất. Trung tâm học tập cộng đồng phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên mở các lớp dạy nghề về chăn nuôi cho người dân. Từ đó, người dân chủ động áp dụng KH - KT vào sản xuất và chăn nuôi.
Vậy đâu là nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo tại xã Lạc Sỹ còn cao? Đồng chí Bùi Văn Quynh, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao do một số nguyên nhân như: Đất sản xuất chỉ phù hợp với trồng rừng. Diện tích rừng hiện tại của xã có 2.500 ha, chủ yếu là trồng keo, thời gian lâu, giá trị không cao. Sau khoảng 4 năm mới cho thu hoạch nhưng giá bán luôn rẻ hơn so với các xã khác do chi phí vận chuyển cao. 2/3 thanh niên có sức khỏe lao động tốt lựa chọn con đường đi làm ăn xa, không tha thiết với việc làm kinh tế tại xã. Hầu như gia đình nào cũng có con cái đi làm ăn xa làm ảnh hưởng lớn đến nguồn lao động trẻ, khỏe phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, không phải thanh niên nào đi làm ăn xa cũng mang tiền về cho gia đình. Nhiều người 1 năm trời đi làm cũng chỉ đủ nuôi bản thân, không giúp được gia đình về kinh tế. Một nguyên nhân nữa ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giảm nghèo của xã là hệ thống giao thông khó khăn, ảnh hưởng đến giá cả tiêu thụ hàng hóa. Năm nay, mưa lũ lịch sử kéo dài, xã thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng. Nhiều tuyến đường giao thông bị tàn phá, hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến công tác giảm nghèo của xã.
Thời gian tới, xã Lạc Sỹ sẽ huy động nguồn lực đẩy nhanh quá trình giảm nghèo. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; tuyên truyền, vận động thanh niên ở lại địa phương phát triển kinh tế. Hỗ trợ hộ nghèo sản xuất bằng cách thực hiện tốt chính sách vay vốn ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ giống vật nuôi phù hợp với xã như nuôi dê, trâu, bò theo quy mô lớn. Đầu tư tu sửa các tuyến đường giao thông bị thiệt hại do mưa lũ tàn phá để giao thương hàng hóa thuận lợi.
Thu Thủy