Được sự giúp đỡ của LLVT huyện Đà Bắc và nhân dân địa phương, ngôi nhà của gia đình anh Bàn Văn Lẻng đã được dựng lên tại khu TĐC của xã Đồng Nghê.
Niềm vui ở nơi bắt đầu cuộc sống mới
Chúng tôi về xã Đồng Nghê (Đà Bắc) đúng vào ngày gia đình anh Bàn Văn Lẻng và chị Đặng Thị Thoa làm lễ cúng nhà mới tại khu TĐC của xã. Ngay từ khi trời còn tờ mờ sáng, anh chị đã dậy chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên theo phong tục của đồng bào người Dao. Di chuyển từ một điểm sạt lở đất, đá tại xóm Đăm trong đợt mưa lũ lịch sử xảy ra trong các ngày 10 - 13/10/2017 đến với khu TĐC mới gia đình anh đã được chính quyền địa phương, lực lượng dân quân, bà con nhân dân trong xóm giúp đỡ vận chuyển vật liệu từ nơi ở cũ về dựng lại ngôi nhà tại khu TĐC mới. Ngôi nhà vững chãi hoàn thành giúp vợ chồng anh trút bỏ hết nỗi lo lắng, thấp thỏm khi nhìn lên mỏm núi phía sau nhà với cả trăm m3 đất đá đang có nguy cơ đổ ập xuống ngôi nhà nhỏ bất cứ lúc nào.
Niềm vui không chỉ đến với gia đình anh Lẻng mà với cả 64 hộ dân của xã Đồng Nghê chuyển từ các điểm bị sạt lở, vùng nguy hiểm trong đợt mưa lũ vừa qua đến khu TĐC mới. Các điểm TĐC xen ghép cũng rất vui khi đã có nhà mới để ở, không còn cảnh thấp thỏm, lo âu khi mưa lũ về. Niềm vui ấy như được nhân lên khi Tết Nguyên đán đang cận kề. Không giấu được niềm vui sướng, anh Bàn Văn Lẻng chia sẻ: sau khi mưa lũ đi qua, chúng tôi chưa thể hình dung nổi rồi đây cuộc sống sẽ như thế nào khi nhà cửa bị đất, đá vùi lấp. Đến bây giờ được sự hỗ trợ của Nhà nước thì mọi chuyện đã đâu vào đấy. Gia đình tôi và nhiều hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ cao về sạt lở của xã đã có nơi ở mới an toàn.
ông Đinh Công Lan cũng vừa dựng xong ngôi nhà tại khu TĐC chia sẻ thêm: Sau mưa lũ, chúng tôi được Nhà nước, tỉnh, huyện, hỗ trợ nên đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất để từng bước ổn định cuộc sống. Bây giờ thì được chia đất để làm nhà, chúng tôi yên tâm lắm rồi.
Khu TĐC xã Đồng Nghê được quy hoạch trên diện tích 3,2 ha, gồm đất ở cho mỗi hộ được khoảng 450m2; đất làm đường giao thông, trường học, nhà văn hóa. Ngoài ra, mỗi hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng tiền di chuyển, tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình một công trình vệ sinh. Nhờ làm tốt công tác khảo sát địa hình để tạo mặt bằng TĐC, công tác dân vận của các cấp chính quyền và việc bố trí lực lượng giúp người dân di dời đến nơi ở mới được thực hiện một cách nhanh chóng. Từ những xóm riêng lẻ, người dân đã đoàn kết, đồng thuận sống tập trung tại khu TĐC mới.
Đồng chí Đặng Minh Tấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Nghê cho biết: Ngay sau đợt mưa lũ, cấp uỷ, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn về nhà ở, đời sống từng bước ổn định cuộc sống. Cùng nhau di dời về nơi tránh trú an toàn cho đến khi hoàn thành khu TĐC mới. Hiện nay, 27 hộ xóm Đăm, 37 hộ xóm Nghê nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đã về nơi ở mới.
Nỗ lực cao nhất để các hộ dân sớm có nơi ở ổn định
Đó chính là quan điểm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền huyện Đà Bắc. Đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sau đợt mưa lũ lịch sử xảy ra vào trung tuần tháng 10/2017, huyện Đà Bắc có 211 hộ dân phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Huyện đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng các khu TĐC cho người dân. Theo đó, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng 5 khu TĐC ở các xã. Từ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong công tác chỉ đạo, đến thời điểm này, các khu TĐC trên địa bàn huyện đang đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành trên 70% khối lượng san lấp, tiến tới bàn giao mặt bằng để người dân chuyển về dựng nhà. Trong đó, đã có khu TĐC vừa thi công, vừa giao đất, tiếp nhận các hộ dân về dựng nhà. Riêng khu TĐC xã Đồng Nghê đã hoàn thành việc san lấp mặt bằng giao cho bà con về dựng nhà.
Đối với khu TĐC cho 29 hộ dân xóm Kế, xã Mường Chiềng được đưa về xóm Ca Lông, mặc dù còn gặp một số khó khăn do địa chất phức tạp, phải nổ mìn, phá đá nhưng cũng đang gấp rút hoàn thành việc san lấp mặt bằng. Đồng chí Xa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: Tính đến ngày 22/1/2018, khu TĐC cho các hộ dân ở xóm Kế tại Ca Lông chưa đón được gia đình nào về bởi quá trình thi công san lấp khu vực này có địa chất phức tạp. Vừa qua, xã chuẩn bị các điều kiện để đưa 7 hộ dân về dựng nhà trước nhưng do phải nổ mìn phá đá nên việc đưa các hộ về đây sẽ lui lại để đảm bảo an toàn. Hiện nay, các đơn vị đang dốc sức thi công để đảm bảo tiến độ. Dự kiến đến cuối tháng 1/2018 xã sẽ đưa các hộ bị mất nhà về khu TĐC trước để ổn định cuộc sống, tiếp đó sẽ đưa các hộ còn lại về khi khu TĐC hoàn thành việc san lấp mặt bằng.
Đáng nói, trong quá trình triển khai xây dựng các khu TĐC, ngoài việc tính toán đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Đà Bắc còn chú trọng đến các yếu tố về đất sản xuất và nước sinh hoạt. "Các yếu tố đó phải gắn liền với nhau, trở thành điều kiện lớn nhất giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài”, đồng chí Nguyễn Đức Dũng cho biết thêm. Với quyết tâm cao của chính quyền các cấp, huyện Đà Bắc đang phấn đấu hoàn thành việc di dời các hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở cao đến các khu TĐC trước Tết Mậu Tuất.
Vậy là sau hơn 2 tháng sống trong cảnh nhà tạm, thiếu thốn, Tết này các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất sau mưa lũ ở Đà Bắc sẽ yên tâm đón một cái Tết đầm ấm nơi bản mới.
Mạnh Hùng