Chủ nhà Triệu Sinh Minh hào hứng: Hàng năm mỗi dịp Tết đến, xuân về, các gia đình đều chuẩn bị rượu, thịt từ sớm, bọn trẻ được bố mẹ mua sắm quần áo mới đón xuân. Dân bản thường rủ nhau đến nhà cùng mổ lợn, gói bánh và quây quần bên nồi bánh chưng trong không khí tưng bừng, phấn khởi. Không ảm đạm như trước, khi chưa ai quen với cuộc sống định canh định cư, vẫn nay đây mai đó, thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ nhỏ chẳng được học hành.
Nông dân xóm Tiến Lâm 1, xã Bắc Phong (Cao Phong) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Để có cái Tết ấm no, đủ đầy như bây giờ, bà con đã vượt khó, nỗ lực lao động, quyết tâm thay đổi tư duy, cách làm. Từ bỏ tập tục cũ đến định cư trên vùng đất này, với đức tính cần cù, chăm chỉ, dám nghĩ, dám làm, đời sống của bà con ngày càng khấm khá. Dân bản luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau chung tay xây dựng cuộc sống mới.
Trưởng bản Tiến Lâm 1 Triệu Tiến Nghiêm chia sẻ: Nhờ ơn Đảng, ơn Nhà nước và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền địa phương, thông qua các chương trình, dự án, cơ sở hạ tầng trong bản từng bước được cải thiện. Bà con được tiếp cận với KH-KT áp dụng vào sản xuất, được tham gia tập huấn kỹ thuật, cách thức canh tác, được học nghề để cải thiện cuộc sống.
Năm 2013, huyện Cao Phong chủ trương đẩy mạnh phát triển cây có múi trên địa bàn. Xác định đây là cây chủ lực để phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ đã hưởng ứng, mạnh dạn đưa các giống cam chất lượng cao vào thâm canh. Từ đó đến nay, các mô hình sản xuất trong bản ngày càng nhiều. Trước đây bản có trên 40 hộ nghèo, nay giảm còn 29 hộ; 83/86 hộ đã có phương tiện nghe, nhìn; 70% hộ có nhà xây kiên cố. Từ một bản nghèo khó với thu nhập bình quân đạt trên 3 triệu đồng/người (năm 2010), đến nay, thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm. Chỉ đếm sơ sơ cũng có đến vài chục hộ thu nhập đạt từ 650 - 700 triệu đồng/năm như hộ ông Phùng Sinh Thuận với vườn cam lòng vàng 5.000 m²; ông Triệu Sinh Nhân có vườn cam trên 5.000 m² với các giống cam Canh, cam V2, lòng vàng…
Thu Hằng