Tết đoàn viên của những người con xa xứ
Chúng tôi về với xóm Nội Sung, xã Hạ Bì (Kim Bôi) trong những ngày đông giá rét. Xóm có 315 hộ và 1.597 nhân khẩu, trong đó, 80% hộ có người đi học, đi làm xa nhà. Người thì đi học, đi làm cố định, người thì đi làm thời vụ khắp từ Bắc vào Nam. Men theo những con đường bê tông trong xóm được xây dựng nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đến nhà bà Bùi Thị Thiện. Vừa đi, anh Bùi Văn Thuận, Trưởng xóm Nội Sung chia sẻ: "Gia đình bà Thiện khó khăn lắm, mới thoát nghèo từ năm 2015. Chồng mất đã nhiều năm, một mình bà cùng người con trai cả phải gồng gánh nuôi các con ăn học. Đến nay, một đứa đã lập gia đình, một đứa đang theo học tại Học viện Cảnh sát nhân dân là em Quách Thị Thảo”.
Trong căn nhà đơn sơ, Quách Văn Đường, anh trai của Thảo tâm sự: "Hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết THCS là tôi phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học. Đã đi lao động khắp nơi rồi nên tôi hiểu nỗi lòng người xa xứ, chính vì vậy, tôi luôn nỗ lực làm việc để em gái đi học được yên lòng khi nghĩ về gia đình. Hiện, tôi đang làm thợ xây tại xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Cứ đến vụ mùa tôi lại trở về làm cùng mẹ, gặt xong lại đi tìm việc làm”.
Chị Bùi Thị Phượng, xóm Sào, xã Hạ Bì (Kim Bôi) (bên phải) đi làm tại Công ty SamSung Electronic Việt Nam - Thái Nguyên thuộc KCN Yên Bình, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên từ đầu năm 2017 vừa sắm cho gia đình chiếc tivi mới đón Tết.
Là con gái út trong nhà, nữ cảnh sát tương lai sinh năm 1996 hiện đang bước vào năm học cuối. Thảo chia sẻ: "Biết mẹ và anh trai vất vả để em được ăn học đầy đủ, vì thế, em lấy đó làm động lực để cố gắng học tập. Năm 2014, thi đỗ trường Học viện Cảnh sát nhân dân với số điểm 27,5. Em vui lắm vì ước mơ đã trở thành hiện thực. Sắp Tết rồi, em mong lắm ngày được quây quần bên mâm cơm gia đình cùng mẹ và anh trai”.
Chia tay gia đình Thảo, chúng tôi đến thăm anh Bùi Tiến Thoại ở xã Trung Bì. May mắn trong lần gặp này, anh vừa trở về nhà giải quyết công việc. Anh Thoại chia sẻ: "Hơn 10 năm đi học rồi đi làm, đến nay, tôi đã lập gia đình và đang cùng vợ con sinh sống ở Hà Nội. Mỗi năm, tôi chỉ về thăm nhà được chừng 4 - 5 lần, còn khi gia đình có việc hoặc dịp nghỉ lễ dài ngày tôi mới về. Tết đến là dịp để các thành viên trong gia đình về đoàn viên sau 1 năm lăn lội nơi xa quê”. Anh Thoại hiện là nhân viên Marketting ở Công ty CP Đầu tư và phát triển giáo dục Capi Edu Việt Nam, vợ anh làm tại một công ty TNHH bán hàng trực tuyến. Anh Thoại tâm sự: "Vợ chồng tôi thuê nhà ở chứ chưa có điều kiện mua căn hộ riêng. ở nơi đất khách quê người, những lúc nhìn các gia đình sum họp bên nhau mà nỗi nhớ quê hương lại ùa về. Tết năm nay, sau khi hoàn thành những việc cuối cùng, tôi sẽ sắm thật nhiều thứ mang về quê làm quà cho mọi người và hưởng trọn một cái Tết đoàn viên”.
"Tết này con không về !”
Đó là những tâm sự khi nghe câu chuyện mà chị Bùi Thị Phượng, xóm Sào, xã Hạ Bì nói với người thân trong gia đình trong một buổi gặp gỡ với chúng tôi. Vợ chồng chị Phượng đã có một bé gái đang học mẫu giáo. Chồng chị tham gia công tác đoàn thanh niên tại xã và phát triển kinh tế gia đình, chị đi làm xa nhà tại công ty SamSung Electronic Việt Nam - Thái Nguyên thuộc Khu Công nghiệp Yên Bình, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên từ đầu năm 2017. Cảnh xa chồng, xa con là điều mà không một người phụ nữ nào mong muốn, thế nhưng, chị vẫn chấp nhận để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
"Con còn nhỏ, nhiều lúc đi làm cũng nhớ con lắm nên tôi thường xuyên gọi điện về nghe giọng và nhìn mặt con qua màn hình điện thoại. Mỗi lần nhìn con lớn lên từng ngày, cười nói và kêu nhớ mẹ đã tiếp thêm động lực giúp tôi luôn hoàn thành tốt mọi công việc để phấn đấu cho cuộc sống đủ đầy hơn” - chị Phượng chia sẻ.
Trong bữa cơm gia đình hôm đó, chúng tôi được ngồi dùng cơm cùng họ, thưởng thức những đặc sản đồng quê. Vừa ăn, vừa nói đến câu chuyện ngày Tết với những nồi bánh chưng, bao lì xì hay về chuyện xông đất, xông nhà… Chị Phượng tâm sự: "Tết năm nay, tôi ở lại công ty làm việc đến ngày rằm mới về. Công ty trả thù lao cao gấp đôi, gấp ba ngày thường. Tôi cũng mong muốn được đoàn tụ với gia đình trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhưng để bớt đi phần nào gánh nặng kinh tế tôi chấp nhận hy sinh một cái Tết”. Nhấp một ngụm rượu cay nồng, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi nghe chị nghẹn ngào nói lên nỗi niềm của người xa quê.
Thanh Sơn
Trải qua một năm đầy khó khăn về kinh tế, thưởng tết cuối năm cho người lao động đang là áp lực lớn của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với công nhân Công ty TNHH Doosung Tech Việt Nam thuộc khu công nghiệp Lương Sơn đã và đang rất phấn khởi khi nhận được thông tin chăm lo tết của doanh nghiệp.