Một mùa xuân mới lại về, muôn hoa đua nhau khoe sắc thắm. Không khí đón Xuân mới rộn ràng, ấm cúng, vui tươi đang được lan tỏa, trải rộng trên khắp mọi miền đất nước.


Cô và trò Trường dân tộc nội trú xã Phình Hồ bên gốc đào xuân trong khuôn viên nhà trường. (Ảnh: THANH SƠN)

Xuân về trên vùng cao Phình Hồ

Chỉ còn một tuần nữa là đến Giao thừa đón năm Mậu Tuất 2018, người dân vùng cao Phình Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) hồ hởi lắm, bởi chiều nay Đoàn cán bộ phụ trách xã về cùng đón Tết sớm với đồng bào.

Già làng Sùng Nủ Ninh nắm chặt tay cán bộ Đỗ Văn Dự, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái bảo: Hôm nay, cán bộ phải vui nhé, biết ơn Chính phủ nhiều đấy, có được cái đường về bản, bọn trẻ được học và ăn nghỉ tại trường không mất tiền (học nội trú), có thêm cái sóng điện thoại, nhiều nhà có cái ti-vi xem nhờ có điện về bản, không còn nghèo đói như trước nữa. Thầy hiệu trưởng trường dân tộc nội trú xã Phình Hồ là Nguyễn Duy Tiến, hôm nay đã "mạnh tay” mổ chú lợn nặng gần một tạ được nuôi tăng gia tại bếp của trường, giá lợn hơi hiện thời 32 nghìn/kg (lợn bản thì 50 nghìn/kg), bởi đây là dịp hoàn công đưa công trình nhà bếp ăn với đầy đủ thiết bị nấu ăn, trị giá hơn 100 triệu đồng do cán bộ, người lao động ngành giao thông tỉnh quyên góp ủng hộ nhà trường. Các cháu học sinh nội trú được bữa tươi, còn đoàn khách và các trưởng bản có thêm rượu, mấy giáo viên trẻ mời nhiệt tình, rộn ràng một vùng núi.

Trước hội trường ủy ban xã, một cây đào phai lớn, gốc xù xì mốc xám, hoa chúm chím nở phớt đỏ, vừa được đưa từ trên rừng về làm duyên trước trụ sở. Hơn ba chục hộ diện chính sách đến nhận quà Tết là chăn ấm, tiền, bánh kẹo, ti-vi được hỗ trợ từ Sở Giao thông vận tải.

Lân la câu chuyện, già làng Nủ còn khoe: Hôm trước, mình làm thịt con lợn hai tuổi hơn 90 kg để làm "Lý” với con rể, bởi cả năm nó cùng vợ lo nhiều chăn ấm, quần áo cho mình. Nhiều mâm rượu được bày ra uống cả ngày, có nhiều người trong bản đến chung vui, lúc về mình dành cho nó một đùi lợn đấy! Thế mới hay, khi cái đói, cái nghèo bị đẩy lùi xa khỏi các nhà gỗ vùng cao, thì các văn hóa bản địa được khôi phục lại, rất ấm áp tình người.

Vui là phải, từ nguồn đóng góp của cán bộ công chức ngành giao thông Yên Bái, nhiều tấn xi-măng, cát, sỏi vượt núi cao, đèo dốc, qua lao động vất vả đã hình hài con đường rộng 1,5 m, dài gần 1 km. Đường uốn lượn theo triền núi từ Phình Hồ về bản Tà Chử bằng bê-tông với số tiền gần 300 triệu đồng, thay con đường đất trơn trượt mà cứ mưa là có "Cầu xe” (ngã xe).

Trưởng bản Tà Chử là Hờ A Tray thông báo: Bản ta có 81 hộ dân, nay có đường mới, hạt ngô, con lợn, gà đen, chè tuyết shan có người đến tận nơi mua rồi, không phải lo chuyện làm ra không bán được như trước nữa. Nhắc bà con, vui Tết có nhiều rượu, đi chơi nhà bạn phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, say quá thì ở nhà ngủ, không chạy xe mà ngã làm mất vui đấy.

Sùng A Sung, năm nay 54 tuổi ngồi bên nhắc thêm: Nhà mình ngày kia mổ con lợn đen gần 60 kg, mời trưởng bản đến vui rượu nhé! Niềm vui nhân lên, khi năm vừa qua dân các bản bán búp chè shan được giá 15.000 đồng/kg, cả xã có 90 ha cho thu hái hơn 200 tấn, tính nhanh có ba tỷ đồng cho các hộ làm chè. Nhiều hộ nhờ đó mà mua được xe máy, ti-vi, máy khâu, và "đuổi" được cái nghèo ra khỏi nhà.

 

Đường mới về bản Tà Chử đang được gấp rút hoàn thiện. (Ảnh: THANH SƠN)

Nghe chuyện thật như đùa, khi ở Phình Hồ có thầy giáo dạy mầm non! Cô hiệu trưởng trường mầm non Nguyễn Thị Bích phân trần: Trường có 11 cô và một thầy dạy ở sáu lớp với 172 trẻ từ lớp nhà trẻ đến 5 tuổi. Nơi xa nhất có lớp cắm bản ở bản Cại, cách trung tâm Phình Hồ 20 km. Còn thầy giáo là do khi Đề án của tỉnh Yên Bái sắp xếp lại trường, lớp học, thầy có bằng trung cấp mầm non, nên từ dạy cấp tiểu học trên xếp xuống dạy mầm non, chế độ hưởng lương không có gì thay đổi. Được biết, thầy giáo mầm non Sùng Páo Chinh (SN 1974), là người Mông bản Chí Lử cùng xã, việc chăm sóc trẻ bước đầu bỡ ngỡ, may nhờ hiểu tiếng Mông nên thầy chuyển hóa nhanh tiếng đồng bào sang tiếng phổ thông, giúp trẻ hòa nhập khi vào lớp một. Hôm nay, trời rét dưới 10 độ C, trẻ mầm non được nghỉ ở nhà đốt lửa sưởi không ra lớp, trường vắng tiếng trẻ vui đùa, các cô tranh thủ dọn vệ sinh sân, lớp, chuẩn bị về gia đình nghỉ Tết.

Xã Phình Hồ nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ kéo dài, xã có năm bản người Mông: Tà Chử, Chí Lư, Suối Xuân, Bản Cại và Phình Hồ. Cheo leo trên sườn núi có độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển là gần ba trăm nóc nhà Mông bạc phếch, gần 65 ha ruộng bậc thang trồng lúa, 80 ha ngô trên đất dốc đủ nuôi sống người dân.

Thế mạnh của Phình Hồ là chăn nuôi đại gia súc, với hơn 1.600 con trâu, bò được chăn thả trên các triền núi, trâu lớn hiện thời giá khoảng 40 triệu đồng/con, tài sản lớn đấy, nhưng cách tính làm ăn của đồng bào chưa thoát khỏi việc tự cung, tự cấp. Sùng A Chư, trước tham gia phục vụ tại ngũ ở đơn vị vận tải của Sư đoàn 316 (QK2), nay về được bầu làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã, nhanh nhẹn và xốc vác trong công việc, là lớp kế cận cho đội ngũ cán bộ cơ sở nơi vùng cao này. Chư bảo: Năm trước, trên mình lạnh quá, trâu bị rét và cước chân cứ lăn ngã ra mà chết, thiệt hại nhiều đấy. Năm nay, dân mình chủ động hơn, lùa trâu trên rừng về nuôi nhốt, che chắn chuồng và đốt lửa sưởi ấm, nên bị chết ít thôi. Ngay trong đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua, ba gia đình bị sạt lở phải di dời khẩn cấp, dân quân cùng các CCB xã huy động gần 400 lượt nhân công giúp di dời khỏi nơi nguy hiểm, giờ ba hộ trên được cấp đất ở, an tâm nơi ở mới.

Những cô gái Mông xúng xính trong váy mới đón xuân mới với những khuôn mặt bừng đỏ do giá lạnh hay do rượu mềm môi. Bãi đất đầu bản đã được dọn sạch cỏ, để mấy ngày nữa thành nơi ném pao, đánh quay, múa khèn trong ngày Tết. Phía xa chân núi, cánh đồng Mường Lò thoắt ẩn hiện dưới lớp mù sương, con đường về bản như gần lại do có đường bê-tông mới. Hẹn mùa xuân sau lại được chếnh choáng trong rượu, trong ánh mắt và cái nắm chặt tay của người vùng cao khi khách đến thăm bản...

Xuân về trên vùng định cư mới

Con đường bê-tông nối QL 32 về bản Co Hả xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có nhiều xe chở vật liệu xây dựng vào ra, bởi nơi đây vừa có hai khu tái định cư mới. Ở khu Co Hả 2 nằm sát với đồi chè có tám nhà sàn Thái đã dựng xong và đưa vào sử dụng, khu Co Hả 1 có 43 nhà dân đã và đang được làm mới.

 

Niềm vui của người dân trong căn nhà mới định cư tại xã Thạch Lương. (Ảnh: THANH SƠN)

Bên ngôi nhà sàn Thái ba gian rộng rãi vừa dựng mới, chị Hoàng Thị Tiếp, 22 tuổi vừa ngơi tay sàng cát giúp thợ trát công trình phụ vừa bộc bạch: Nhà mình trước ở bản Đường sát dòng suối Thia mát lắm, sáng sớm ngày 11-10 vừa rồi, lũ đổ về cuồn cuộn dâng ngập đến gầm sàn, nhìn trong mưa thấy nhiều ao cá chìm trong nước, gà vịt trôi hết theo dòng lũ. Lúc nước rút, chung quanh nhà và ruộng ao bị bùn đất vùi lấp, không thể ở được. Nay được Nhà nước cấp cho đất ở, được họ hàng và người trong bản giúp vận chuyển nhà gỗ gần ba km, dựng lại nhà ở nơi mới, từ Tết này về sau không còn lo chạy lũ mỗi khi mưa nữa.

Ở cuối dãy tái định cư, hôm nay nhà Hà Văn Nghiêm mổ con lợn lớn, làm 30 mâm cỗ mời họ hàng và cảm ơn thợ để lên nhà mới. Sau lễ cúng ông bà tổ tiên, xin thần đất mới cho "nhập trạch” về nơi ở mới, ngồi gần cửa sổ nhà sàn là mâm các bậc cao tuổi cùng các khách quý, lần lượt mâm kế tiếp là vai thấp hơn, sau cùng là phụ nữ và trẻ nhỏ. Những lời chúc mừng rộn ràng, trong tiết trời se lạnh vang lên tiếng "Khắp Thái” từ mấy phụ nữ có tuổi hát mừng gia chủ, tiếng hát đối đáp nhau bằng tiếng Thái khiến khách chúng tôi chỉ biết: À ới! phụ họa theo.

Bản Co Hả chỉ là một trong nhiều khu tái định cư mới của vùng thiệt hại do thiên tai năm 2017 gây ra tại Yên Bái. Những bản Noong Phai, bản Ngoa, bản Đường, bản Lanh, Xà Rèn, bản Xa, bản Viềng... nằm dọc suối Thia, suối Nung nơi có đông đồng bào Thái, Mường sinh sống lâu đờí, chỉ sau trận lũ đầu tháng 10-2017 đã làm biến dạng tất cả. Không còn nhà ở đông vui, không còn đất sản xuất do đá sỏi vùi lấp và dòng chảy thay đổi, hơn 8 km bờ kè xi-măng vỡ và cuốn theo dòng nước...

Theo Quyết định 3085/QĐ-UBND tỉnh Yên Bái quy hoạch 14 dự án với diện tích 14,46 ha từ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để xây dựng các khu tái định cư khẩn cấp cho các hộ bị thiệt hại do thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, bản Co Hả được quy hoạch hai khu với 1,22 ha nhằm đưa 51 hộ dân về tái định cư.

Để ổn định dân cư và khôi phục sản xuất, bằng nhiều cách làm quyết liệt, sát thực tế, hợp lòng dân, đến nay 123 hộ dân ở huyện Trạm Tấu, 100 hộ huyện Văn Chấn, 149 nhà đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải cơ bản có nhà ở mới đón xuân 2018.

Khi đặt câu hỏi tại sao còn một số hộ chưa có nhà ở mới định cư sau lũ, lãnh đạo địa phương khẳng định: Mọi hộ đều có đất ở mới, tuy nhiên do phong tục người Thái là một năm kiêng không làm hai nhà (vừa làm nhà trong năm xong thì bị trôi, sập); không làm nhà ở mới trong năm khi có người trong gia đình có tang; những nhà sàn lớn từ ba gian trở lên cần đất rộng, nên đang tìm quỹ đất rộng hợp lý. Cụ thể, hộ Mè Văn Bình ở bản Lọng, xã Phù Nham (Văn Chấn) vừa có đám hiếu; hộ Lê Thị Khớt ở Cầu Thia, gia đình là nhà sàn gỗ ba gian, nếu chỉ 200 m đất không đủ dựng nhà, nên đang đề nghị mua thêm một lô đất liền kề để chuyển nhà mới; hộ Lò Văn Lăm, bản Hát 2, xã Hát Lừu (Trạm Tấu) gia đình có năm người chết và mất tích.

Đến xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu những ngày này không khí đón xuân, đón tết tràn ngập, ít ai còn nhận ra đây là vùng đất tan hoang trong bão lũ cách đây gần ba tháng. Bên ngôi nhà sàn bê-tông đang gấp rút hoàn thiện những phần việc cuối cùng, anh Lường Văn Lưu ở bản Hát 2 phấn khởi: "Gia đình mình vừa được bố trí quỹ đất ở mới, lại được hỗ trợ 25 triệu đồng theo quy định, lại thêm tiền và đồ dùng thiết yếu trong những ngày khốn khó do các tổ chức và cá nhân từ thiện ủng hộ, nên có điều kiện làm nhà xây mới. Cảm ơn Đảng và Chính phủ nhiều lắm!”.

 Đối diện với ngôi nhà mới của anh Lưu, nhà của chị Lường Thị Dơn cũng đang dần hoàn thiện. Bên đống vữa mới trộn, các thợ xây nhanh tay thi công những phần việc dang dở. Buông việc, cầm chiếc nóng quạt giọt mồ hôi trên khuôn mặt tươi rói, chị Dơn cho biết: Xong phần mái, quét vôi nữa là dọn về ở rồi! Năm nay được đón Tết trong nhà mới, gia đình mình vui lắm!

Anh Lưu, chị Dơn chỉ là hai trong nhiều hộ dân của xã Hát Lừu chịu thiệt hại nặng nề do mưa bão đợt trung tuần tháng 10 vừa qua khiến toàn bộ nhà cửa, ruộng lúa, hoa màu, vật nuôi đều bị nước lũ cuốn trôi…

An cư mới lập nghiệp. Nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... là những thứ cần thiết của đồng bào vùng cao Yên Bái đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm, đáp ứng kịp thời. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa đồng bào trong khó khăn hoạn nạn, góp phần ổn định an ninh chính trị vùng dân tộc thiểu số.

Một cuộc sống mới đang dần ổn định, hoa đào khoe sắc bên khung cửa, áo cỏm với hàng xà tích bạc cùng váy nhung đen bong, làm thêm duyên người con gái Thái thổi xôi ngũ sắc trong từng căn nhà sàn mới ở các khu tái định cư.

Năm 2017, huyện Trạm Tấu xảy ra hai đợt mưa lớn kéo dài, gây lũ ống và sạt lở đất trên diện rộng, đã làm chết, mất tích và bị thương 29 người; sập, trôi hoàn toàn 28 nhà; 95 nhà bị sạt lở cần phải tháo dỡ, di dời; 46 nhà bị sạt ta luy. Các tuyến đường giao thông và 182 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hơn 100 ha ruộng lúa bị thiệt hại, trong đó 58 ha ruộng bị cuốn trôi không thể khắc phục; 22 ha ngô bị vùi lấp; ba công trình thủy điện bị bùn vùi lấp hồ chứa và cuốn trôi nhiều máy móc đang thi công.

Tết này ở làng Pông

Những ngày giáp Tết Mậu Tuất, chúng tôi về với làng căn cứ kháng chiến Plei Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện). Tại đây, cảm nhận được không khí đón xuân đang tràn ngập trong từng gia đình. Thật khó hình dung những thay đổi nơi đây. Chỉ cách đây một tháng, những căn nhà lộn xộn, mạnh ai nấy làm thì giờ trên các trục đường chính mới mở, nhà được quy hoạch đẹp mắt theo ô bàn cờ.

Làng Pông có 96 hộ, 547 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Ba Na. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân làng Pông cùng với làng Kinh Pêng, Trớ, Hek đã theo Đảng, Bác Hồ, theo cách mạng, một lòng son sắt, sẻ chia cơm áo, nuôi giấu cán bộ, bộ đội và tham gia góp sức đánh giặc giữ nước. Trong hòa bình, bà con làng Pông cùng các làng đã đoàn kết giúp đỡ nhau lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương. Tuy nhiên, do phong tục tập quán sinh hoạt, sản xuất còn lạc hậu; thiếu vốn, thiếu trình độ nên đời sống kinh tế, văn hóa của bà con còn hết sức khó khăn, thiếu thốn; vệ sinh môi trường và sức khỏe không bảo đảm.

Cựu chiến binh Nay Jang, 64 tuổi đời, 22 năm tuổi Đảng không giấu được niềm vui: "Sau một năm triển khai thực hiện quy hoạch lại làng, di dời nhà cửa thì Plei Pông đã có nhà ra nhà, ngõ ra ngõ. Cả 96 nóc nhà trong làng nhà nào cũng quay ra đường cái, nhiều nhà đã dựng được hàng rào, cổng ngõ đàng hoàng, bà con Tết này vui cái bụng hung rồi”.

Cách đây hai năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Thiện đưa vào chương trình hành động, xác định nhiệm vụ trọng tâm từ 2016 đến 2020 là phải cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế xã Chư A Thai, nhất là với người dân bốn làng Đồn. Huyện Phú Thiện đã triển khai khảo sát tổng thể và nghiên cứu, xây dựng "Đề án phát triển kinh tế-xã hội bốn làng gồm làng King Pêng, Pông, Trớ, Hek, trong đó có hai hạng mục chính là xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn và quy hoạch, sắp xếp, di dời tổng thể nhà cửa gắn với sản xuất, chăn nuôi của người dân một cách khoa học, hợp lý và Plei Pông được chọn làm điểm sau đó nhân rộng ra bốn làng.

Gần một năm qua, huyện Phú Thiện phối hợp Nhà máy đường Ayun Pa vận động đồng bào Ba Na làng Pông phá bỏ bờ lô bờ thửa đã tồn tại từ nghìn đời để góp đất cùng sản xuất cánh đồng mía mẫu lớn.

 

Trao nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo. (Ảnh: PHAN HÒA)

Những ngày Tết Mậu Tuất 2018 này, người dân Plei Bông đang bước vào thu hoạch mía bán cho Nhà máy đường Ayun Pa theo đúng hợp đồng. Đường làng, điện thắp sáng, khu sinh hoạt cộng đồng với trung tâm là nhà rông truyền thống được đầu tư bước đầu, tạo ra một không gian sống sạch sẽ, thoáng mát, giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc…

Ghé thăm nhà ông Siu Duy, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Pông, là gia đình đầu tiên di dời nhà quay hướng ra gần đường làng. "Tết này nhà tôi mới thu hoạch chín sào mì, cho thu hoạch khá hơn các năm trước nhờ được mùa, được giá nên ăn Tết cũng vui hơn, ra Tết sẽ thu hoạch hai sào mía trong cánh đồng mẫu lớn cùng với dân làng. Mía tốt nên bà con ai cũng phấn khởi. Dân làng đón Tết rất vui” - Trưởng thôn Siu Duy vui vẻ cho biết.

Nhiều hộ dân làng thấy nhà Siu Duy tiên phong di dời nhà cửa, có vườn rau xanh để ăn lại có cổng, ngõ thực hiện nếp sống văn minh nên làm theo. Năm nay, người dân làng Pông càng đặc biệt vui hơn khi Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quyết định tổ chức Tết "Mừng Đảng, mừng Xuân Mậu Tuất 2018” tại nhà rông để bà con cùng chung vui.

Sau lễ, năm gia đình thuộc hộ nghèo có khó khăn về nhà ở của làng Pông được các đơn vị tài trợ xây tặng căn nhà mới cùng với nhiều đồ dùng trong nhà. Chị Đinh H’Chu, một trong năm hộ được tặng nhà xúc động bày tỏ: "Gia đình mình hộ nghèo, không có điều kiện làm nhà phải ở căn nhà dột nát ọp ẹp không an toàn từ nhiều năm nay. Tết này mình được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây tặng căn nhà 50 triệu đồng và hướng dẫn làm vườn rau xanh kiểu mẫu, bày cho cách sinh hoạt gọn gàng, ngăn nắp, tiết kiệm trong chi tiêu. Gia đình phấn khởi lắm. Mình cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều!”.

 

 

TheoNhandan

Các tin khác


Tết về trên vùng bưởi đỏ Tân Lạc

(HBĐT) - Càng những ngày giáp Tết Nguyên đán, sức hút của vùng bưởi đỏ Tân Lạc càng tăng cao. Dưới bàn tay chăm sóc của người dân nơi đây, những cây bưởi đã trổ nhánh, đơm hoa như chạy đua với thời gian.

Công ty cổ phần ô tô Trường Hải ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” tỉnh 500 triệu đồng

(HBĐT) - Ngày 12/2 (tức 27 Tết), Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Hòa Bình) đã trao tặng số tiền 500 triệu đồng ủng hộ quỹ "Vì người nghèo” tỉnh nhằm hỗ trợ gia đình bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, mưa lũ, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Xa Quốc Sự, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh thay mặt BQL Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh tiếp nhận tiền ủng hộ.

180 hội viên nông dân nghèo xã Nuông Dăm (Kim Bôi), xã Yên Lập (Cao Phong) được tặng quà Tết

(HBĐT) - Nhân dịp đón Xuân mới Mậu Tuất 2018, Hội Nông dân tỉnh và Hội phật tử chùa Pháp Vân (Hà Nội), chùa Hưng Thịnh (Hưng Yên) đã phối hợp tổ chức chương trình tặng quà Tết cho người nghèo.

Nhân lên những tấm lòng thiện nguyện

(HBĐT) - Những ngày áp Tết, trong cái hối hả, tất bật của người người lo chuẩn bị sum họp, đón Tết, du xuân, cũng là lúc những cán bộ Hội CTĐ huyện Yên Thủy bận rộn nhất với công việc.

Thủ tướng chỉ đạo xử lý vụ doanh nghiệp nợ lương hơn 1.000 công nhân

Ngày 11-2, liên quan tới việc nợ lương người lao động của Công ty TNHH KL Texwell Vina (tỉnh Đồng Nai), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương UBND tỉnh Đồng Nai, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động có các giải pháp kịp thời để ổn định tình hình, bước đầu tạm ứng kinh phí, hỗ trợ người lao động doanh nghiệp này.

VNPT tặng 20 suất quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn xã Bắc Sơn (Tân Lạc)

(HBĐT) - Ngày 10/2, Đoàn thanh niên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam phối hợp với Viễn thông Hòa Bình và Tỉnh đoàn Hòa Bình tổ chức chương trình "VNPT ấm áp tình nghĩa” tại xã Bắc Sơn (Tân Lạc). Tham gia có đại diện Tập đoàn Bưu Chính Viễn thông Việt Nam và lãnh đạo Tỉnh Đoàn, Viễn thông Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục