Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quy trình 1537) được ban hành ngày 7-9-2015 nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn các công trình thủy điện và khu vực hạ du. Tuy nhiên, qua hai mùa mưa lũ năm 2016, 2017, việc chỉ đạo, vận hành theo Quy trình 1537 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần sớm có biện pháp khắc phục.



Thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My, Quảng Nam) xả nước. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

 Giảm lũ trước giờ G

Từ năm 2016 đến nay, các nhà máy thủy điện A Vương, Ðăk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và Sông Bung 5 đã thực hiện vận hành theo Quy trình 1537, bước đầu giảm lũ, chậm lũ đáng kể cho vùng hạ du trong các mùa mưa 2016 và 2017. Ðáng chú ý, trong đợt mưa lũ những ngày đầu tháng 11-2017 kéo dài gần một tuần, các hồ chứa thủy điện đã giảm lũ cho hạ du được hơn 20% tổng lượng lũ (trong đó giảm lũ cho hạ lưu sông Vu Gia 20,05%, và hạ lưu sông Thu Bồn 24,36%), góp phần quan trọng giúp TP Hội An thoát lũ "trước giờ G”, để tổ chức thành công chuỗi sự kiện bên lề Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Ðến nay, nhiều cán bộ ở Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Quảng Nam vẫn chưa quên "sự kiện” thoát lũ ngoạn mục này. Ðó là, sau đợt mưa kéo dài từ ngày 3 đến 8-11-2017, mực nước tại các hồ chứa thủy điện đều đạt cao trình mực nước dâng bình thường và mực nước tại hai trạm thủy văn Ái Nghĩa và Câu Lâu đều cao hơn báo động (BÐ) 1, và theo Quy trình 1537 thì tại các hồ vận hành điều tiết với lưu lượng đi bằng lưu lượng về. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia lại có bản tin dự báo mưa lớn xảy ra trong những ngày tiếp theo. Ðể chủ động ứng phó mưa lớn, nhằm giảm lũ tối đa cho vùng hạ du, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành lệnh vận hành điều tiết đưa mực nước hồ về cao trình mực nước cao nhất trước lũ lúc 19 giờ ngày 10-11-2017, với thời gian vận hành là 48 giờ. Tiếp đó, qua theo dõi vận hành điều tiết trong ngày 9-11-2017, nhận thấy mực nước tại các trạm thủy văn Ái Nghĩa xấp xỉ BÐ2, tại Câu Lâu cao hơn BÐ1 là 0,45 m và tại Hội An cao hơn BÐ1 là 0,35 m, có khả năng ảnh hưởng đến việc tổ chức các sự kiện phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC tại Hội An, cho nên, vào lúc 19 giờ ngày 11-11-2017, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành lệnh kéo dài thời gian vận hành điều tiết đưa mực nước các hồ chứa về cao trình mực nước cao nhất trước lũ thêm 24 giờ.

Nhờ tham mưu vận hành điều tiết các hồ chứa kịp thời, ngày 11-11-2017, mực nước tại các trạm thủy văn Câu Lâu và Hội An đều dưới BÐ 1, và TP Hội An không còn bị ngập, kịp đón đoàn phu nhân các trưởng đoàn kinh tế, bộ trưởng và trưởng cơ quan đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đến tham quan phố cổ Hội An.

Khẩn trương thay đổi để phù hợp thực tế

Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam, qua chỉ đạo, thực hiện vận hành Quy trình 1537 hai mùa mưa lũ vừa qua cho thấy: Việc vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ đối với các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Ðăk Mi 4 và Sông Tranh 2, đều dựa vào lưu lượng lũ về hồ, mực nước tại các trạm thủy văn Ái Nghĩa (đối với hồ A Vương, Sông Bung 4 và Ðăk Mi 4) và Câu Lâu (đối với hồ Sông Tranh 2) là chưa phù hợp. Theo đó, khi xuất hiện hình thái thời tiết nguy hiểm gây mưa, lũ mà trong 24 đến 48 giờ tới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa và Câu Lâu dưới BÐ 2, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh quyết định vận hành để hạ dần mực nước các hồ về cao trình mực nước đón lũ.

Với quy định vận hành này thì dung tích phòng lũ của các hồ chứa thủy điện sẽ đạt tối đa, tuy nhiên nếu trong thời gian sau đó không xảy ra mưa thì các hồ có khả năng thiếu nguồn nước dự trữ cho mùa cạn năm sau. Trong trường hợp cả ba hồ A Vương, Sông Bung 4 và Ðăk Mi 4 đồng thời vận hành điều tiết để đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ, sẽ dẫn đến mực nước ở hạ du sông Vu Gia lên nhanh gây lũ, nhất là trong trường hợp ở hạ du đã có mưa lớn.

Hơn nữa việc quy định mỗi hồ phải xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập không phù hợp tình hình ngập lụt ở vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, trái với quy định tại Nghị định số 72/2007/NÐ-CP ngày 7-5-2007, của Chính phủ về Quản lý an toàn đập; Thông tư số 34/2010/TT-BCT ngày 7-10-2010, của Bộ Công thương về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện và Công văn số 7277/BCT-ATMT ngày 8-8-2011, của Bộ Công thương về việc xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập thủy điện.

Ðể thuận lợi trong chỉ đạo, vận hành điều tiết các hồ thủy điện trong mùa mưa bão sắp tới và những năm tiếp theo, cùng với việc sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2007/NÐ-CP về quản lý an toàn đập, các cơ quan chức năng cần khẩn trương thay đổi một số điều trong quy trình vận hành hạ mực nước hồ về mực nước đón lũ (Quy trình 1537) cho phù hợp thực tế đã diễn ra trong hai mùa mưa lũ vừa qua. Theo đó, đề nghị có quy định điều tiết linh hoạt hơn nhằm giúp Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam chủ động tính toán để quyết định vận hành đưa mực mức hồ về cao trình phù hợp, vừa giảm lũ cho hạ du, vừa bảo đảm nguồn nước cấp cho mùa cạn năm sau. Trường hợp lũ đồng thời xuất hiện trên ba hồ thủy điện A Vương, Ðăk Mi 4 và Sông Bung 4, đề nghị tính toán quy định phân chia thời gian vận hành xả nước đón lũ giữa các hồ với mức lưu lượng phù hợp nhằm hạn chế mực nước ở vùng hạ du lên nhanh.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng công tác cảnh báo, dự báo, hỗ trợ việc ra quyết định vận hành hồ, cần lắp đặt bổ sung, nâng cấp các trạm quan trắc khí tượng thủy văn trên lưu vực hồ chứa và vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn; nghiên cứu xây dựng phần mềm dự báo cảnh báo mưa, lũ trực tuyến nhằm hỗ trợ công tác theo dõi, vận hành điều tiết hồ. Trên cơ sở điều tra, đánh dấu vết lũ năm 2016 và năm 2017 để xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du, đồng thời tiếp tục đầu tư xây dựng tháp báo lũ, trạm loa phát thanh phục vụ công tác thông tin, truyền tin vận hành, điều tiết trong mùa mưa lũ nhanh chóng, thông suốt, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai.

 

                                                                                    Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục