Xã Tân Lập có 82 liệt sỹ, trong đó 9 liệt sỹ hy sinh thời kỳ chống Pháp, 65 liệt sỹ hy sinh thời kỳ chống Mỹ, 8 liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. 18 liệt sỹ đã tìm thấy mộ, còn 64 liệt sỹ, chiếm 78% chưa biết các anh, chị nằm ở nơi nào. Về công tác đền ơn, đáp nghĩa, 6 tháng đầu năm 2018, quỹ đền ơn, đáp nghĩa của xã vận động được 24,2 triệu đồng, chủ yếu chi vào việc tu sửa nhà cho các gia đình chính sách. Xã tiếp nhận các nguồn hỗ trợ được 54,6 triệu đồng tặng quà nhân dịp 27/7, Tết Nguyên đán cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ; chi trả cho 65 đối tượng chính sách với số tiền 32,5 triệu đồng; tặng 24 sổ tiết kiệm trị giá 6,2 triệu đồng.
Cùng anh Bùi Văn Yên, cán bộ xã phụ trách công tác xã hội đến gặp gỡ một số gia đình liệt sỹ. Gia đình đầu tiên là của liệt sỹ Quách Văn Chung (xóm Tôm 1). Tiếp chúng tôi, ông Quách Văn Nhùng, anh trai ruột của liệt sỹ cho biết, nhờ chủ trương của Đảng bộ và chính quyền địa phương về phát triển kinh tế, đồng thời tiếp tục quan tâm chăm sóc gia đình chính sách và người có công mà gia đình ông có cuộc sống ổn định như ngày nay.
Tiếp theo, chúng tôi đến thăm gia đình chị Bùi Thị Dịu (xóm Tôm), là cháu dâu của liệt sỹ Bùi Văn Rửn. Mục đích đến thăm để thông báo cho gia đình biết hiện mộ của liệt sỹ Rửn nằm ở nghĩa trang huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, do có sự nhầm lẫn thông tin mà đến nay gia đình mới biết rõ về nơi an nghỉ của liệt sỹ.
Rời gia đình chị Dịu, chúng tôi sang xóm Trại thăm gia đình chị Bùi Thị Phòn, thân nhân liệt sỹ Bùi Văn Thự. Đây là ngôi nhà tình nghĩa được nhân dân và chính quyền xã xây tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Hửn. Mặc dù mẹ đã qua đời, chị Phòn cùng các con, cháu vẫn giữ gìn ngôi nhà sạch sẽ, thờ cũng liệt sỹ cẩn thận. Điều làm tôi băn khoăn là chưa tìm được mộ của liệt sỹ Thự, mặc dù hồ sơ có ghi hy sinh tại Tuyên Bình, tỉnh Kiến Tường cũ, nay là tỉnh Long An.
Trên đường về, anh Yên dẫn tôi vào thăm một gia đình có 2 liệt sỹ, đó là gia đình anh Bùi Văn Xèn, Trưởng xóm Nganh, cháu ruột của liệt sỹ Bùi Văn Chọi và Bùi Văn Mục. Căn nhà sàn được xây dựng bằng bê tông cốt thép phần cột và sàn, riêng phần mái vẫn có rui mè và lợp gianh như các nhà sàn truyền thống. Trên ban thờ là 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công treo sát nhau, đó là sự mất mát to lớn của một gia đình. Qua trao đổi, tôi được biết đây là gia đình liệt sỹ có mức sống cao hơn hẳn so với các hộ trong xã, chỉ tiếc là Mẹ Việt Nam anh hùng, bà của anh Xèn đã khuất núi.
Xã Tân Lập có 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có 2 Bà mẹ có 1 con độc nhất và 5 Bà mẹ có 2 con là liệt sỹ, các mẹ đều đã qua đời. Trong đó 3 Bà mẹ đã biết phần mộ của 1 trong 2 con, đó là mẹ Bùi Thị ẹn (xóm Chiềng 1), mẹ Bùi Thị Hát (xóm Rậm) và Mẹ Bùi Thị Tẹn (xóm Nganh).
Trở lại trụ sở xã, bà Bùi Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy trao đổi thêm về tình hình KT-XH của địa phương. Điều mà Đảng bộ và nhân dân xã Tân Lập tự hào là đã tập trung phát triển kinh tế, bình quân thu nhập đầu người đạt 28 triệu đồng/năm; mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 12%. Xã đang phấn đấu đạt thêm 8 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới để về đích trong thời gian sớm nhất. Với thành quả này, cấp ủy, chính quyền xã có điều kiện chăm lo nhiều hơn đến các gia đình chính sách, hỗ trợ sửa nhà, lập thêm sổ tiết kiệm tặng các gia đình liệt sỹ có khó khăn; ưu tiên vay vốn, hỗ trợ kinh phí để các gia đình liệt sỹ có điều kiện phát triển kinh tế.
Nguyễn Tiến Lợi (CTV)