Dự án thi công dang dở gây nguy cơ sạt lở đất, vùi lấp nhiều nhà dân tại khu tái định cư xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn (Lương Sơn).
Hàng nghìn m3 đất có nguy cơ vùi lấp nhà dân
Đưa chúng tôi ra phía sau nhà, ông Nguyễn Quang Lẳm chỉ vào núi đất đang có nguy cơ cao về sạt lở, thở dài: Các anh xem, cách nhà có vài mét, nếu quả đồi này sạt lở thì chắc chắn nhà tôi sẽ bị vùi lấp hoàn toàn. Mấy ngày vừa qua mưa to, bùn đất tràn cả vào nhà. Có đêm nào ngủ yên đâu.
Cũng như nhà ông Lẳm, những ngày qua, nhà anh Nguyễn Quang Nam luôn trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu. Bởi nếu đất, đá tại taluy dương của dự án kè chống sạt lở cách nhà hơn chục mét trôi xuống thì chắc chắn ngôi nhà 2 tầng của gia đình anh sẽ bị vùi lấp.
Dù chưa bị vùi lấp nhưng trong những ngày mưa bão vừa qua, gia đình ông Bùi Tiến Xuân ở phía trên nhà anh Nam đã được một phen hú vía khi dòng nước, bùn, đất nhão nhoẹt xộc thẳng vào nhà, đẩy chiếc máy giặt trong bếp cùng nhiều vật dụng sinh hoạt ra khỏi nhà. Toàn bộ khu vườn sau nhà ông Xuân tiếp giáp với khu vực dự án bị bùn đất vùi lấp hoàn toàn. Phía trong bếp có thời điểm bùn đất ngập 30 - 40 cm...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Thái Ngọc, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết: Việc thi công dở dang, chậm tiến độ ở dự án kè chống sạt lở khu tái định cư (TĐC) xóm Rổng Vòng đang gây ra nguy cơ rất nghiêm trọng về sạt lở đất, vùi lấp nhà cửa của nhiều hộ dân trong khu vực.
Theo thống kê của UBND xã Lâm Sơn, nếu xảy ra tình trạng sạt lở đất taluy dương dự án kè chống sạt lở ở xóm Rổng Vòng thì có 15 nhà với khoảng 60 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó 7 nhà có nguy cơ cao bị vùi lấp hoàn toàn, 8 nhà có nguy cơ bị đất, đá vùi lấp một phần. "Đây là điều đáng lo ngại bởi nguy cơ sạt lở đất, đá tại khu vực này đang hiện hữu. Những ngày vừa qua, trên địa bàn có mưa to đến rất to. Toàn bộ đất ở khu vực này đã "no” nước rồi. Do vậy, chỉ cần thêm một trận mưa ở mức trung bình cũng đủ gây ra tình trạng sạt lở đất”, đồng chí Đinh Ngọc Thái lo lắng.
Trước mắt, để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản nếu xảy ra sạt lở đất tại khu vực này, khi có mưa, UBND xã huy động lực lượng giúp đỡ các hộ có nguy cao bị đất, đá vùi lấp nhanh chóng sơ tán, di chuyển tài sản, con người đến nơi an toàn. Đối với các hộ còn lại yêu cầu trong đêm tối không được ngủ ở nhà. Ban ngày thường xuyên cử người canh gác, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường để phòng tránh.
Không có vốn, dự án chưa biết khi nào xong
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Ngọc Thái cho biết: Dự án kè chống sạt lở tại khu TĐC xóm Rổng Vòng được triển khai đầu tư từ năm 2016 do tỉnh hỗ trợ nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp về sạt lở. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi công, triển khai thực hiện dự án diễn ra chậm. Có thời điểm thiếu vốn nên dự án đã dừng lại, nhà thầu không tiếp tục thi công. Vấn đề này chúng tôi nhiều lần có kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết. Mới đây, UBND huyện đã trích ngân sách dự phòng gần 700 triệu đồng tập trung làm các công trình phụ trợ, giải quyết nguy cơ sạt lở như đường dẫn nước, kè mái taluy dương tại những điểm xung yếu. Tuy vậy, sau trận mưa kéo dài từ ngày 17 - 21/7 vừa qua, công trình đã bị trượt sạt nhiều chỗ. Ngoài ra, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều điểm nứt với khối trượt sạt lở lớn từ trên đỉnh. Phần taluy được ốp mái bê tông chống trượt sạt cũng bị các khối đất trượt sạt làm bong tróc, nứt vỡ. Do mưa lớn, nhiều khối bùn, đất đã chảy tràn, vùi lấp toàn bộ tuyến đường phía dưới và vào cả nhà dân...
Trao đổi với chúng tôi xung quanh dự án này, đồng chí Hoàng Quốc Tần, Trưởng BQL dự án xây dựng cơ bản huyện Lương Sơn cho biết: Dự án kè chống sạt lở khu TĐC xóm Rổng Vòng được UBND tỉnh đầu tư vốn 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến nay chúng tôi mới tiếp nhận được 1 tỷ đồng. Do không có vốn nên dự án chậm tiến độ, cầm chừng, chưa biết đến khi nào xong. Do các hạng mục thi công đều dang dở nên nhiều chỗ đã bị mưa lũ phá hủy. Chúng tôi đang tham mưu UBND huyện đề nghị tỉnh đưa công trình này vào danh mục các công trình đầu tư khẩn cấp. Nếu không được quan tâm đầu tư thì tình trạng sạt lở đất với khối lượng lớn tại đây là điều không tránh khỏi.
Về phương án phòng - chống sạt lở đất và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, đồng chí Hoàng Quốc Tần chia sẻ: Tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu cho huyện đánh giá lại dự án và tổ chức thi công kè theo phương án đổ bê tông hệ thống tường kè chân chắc chắn, sau đó mới tổ chức kè mái. Ngoài ra, cũng phải tính đến phương án di dời các hộ bị ảnh hưởng đến khu TĐC mới đảm bảo an toàn hơn.
Về phía xã Lâm Sơn, đồng chí Đinh Ngọc Thái cho rằng: Phương án di dời các hộ trong khu vực ảnh hưởng của sạt lở đất là tối ưu nhất. Đối với dự án này mong UBND tỉnh cấp kinh phí để đẩy nhanh tiến độ thi công, san ủi tạo đường đồng mức trên taluy dương; xây dựng hệ thống rãnh thu hồi và thoát nước mưa, không để chảy tràn tập trung vào một điểm gây tình trạng xói lở bùn, đất. Cùng với đó, về lâu dài chúng tôi kiến nghị UBND huyện đề nghị với UBND tỉnh thu hồi lại diện tích đất rừng đã giao cho Công ty du lịch Hòa Bình ngay phía trên dự án để địa phương tổ chức trồng rừng phòng hộ nhằm chống xói mòn đất, gây sạt lở. Các phương án đầu tư, giải quyết tình trạng sạt lở đất ở khu vực này của các cấp, các ngành có thể được nghiên cứu, xem xét trong thời gian tới. Nhưng trước mắt, xã luôn trong tình trạng nơm nớp lo sạt lở đất, đá vùi lấp nhà dân có thể gây ra thiệt hại về người và tài sản.
Mạnh Hùng