Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Tại hội nghị các đại biểu đã đánh giá đúng thực trạng xâm hại trẻ em; phân tích chính xác các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và đề ra những giải pháp hiệu quả để phòng, chống, ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em.
Tính đến cuối tháng 12/2017, toàn quốc có gần 26,3 triệu trẻ em. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình là 21,3%, trẻ bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm là 59,9%; bởi các đối tượng khác là 12,6%.
Tại hội nghị các đại biểu đã trình bày một số ý kiến, giải pháp quan trọng trong công tác bảo vệ trẻ em như: Phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý các vụ xâm hại trẻ em; tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân, không báo cáo, không tố cáo vụ việc hành vi xâm hại trẻ em. Trong đó giải pháp quan trọng là nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ trẻ em. Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em như tỉ lệ trẻ em suy sinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn cao; tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp…
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý khi mà hiện nay toàn quốc mới có 509/11.162 (khoảng 5% cấp xã bố trí). Nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản. Thủ tướng đề nghị các địa phương chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em, bố trí đủ nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định bảo đảm phù hợp với luật trẻ em; Tăng cường giáo dục kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ em. Tăng cường phối hợp giữa các, bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức làm công tác trẻ em. Ủy ban quốc gia về trẻ em định kỳ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá tại các bộ, ngành, địa phương về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em; tạo lập môi trường sống an toàn, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ - TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Đề án vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động phong trào hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhân Ngày Vì người nghèo Việt Nam 17/10/2018.