Con đường về thôn Ao Trạch vẫn bình yên như mỗi ngày. Chỉ có đường vào gia đình cụ Nguyễn Thị Tự là đông vui hơn thường lệ bởi cụ mới tìm được người con trai sau gần 40 năm thông báo đã hy sinh. Bất ngờ đến với gia đình đúng vào những ngày tháng 7 ân tình với nhiều hoạt động kỷ niệm ngày thương binh - liệt sỹ.
Gia đình ông bà sinh được 5 người con, 3 trai, 2 gái, ông Khuyên là con trai cả. Năm 1978, ông Khuyên viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Đến năm 1981, nhận giấy báo tử, gia đình đinh ninh là con trai đã hy sinh. Những năm qua, gia đình được hưởng đầy đủ mọi chế độ của gia đình liệt sỹ.
Bà Trần Thị Kim Ngân, em dâu ông Khuyên chia sẻ: Cách đây khoảng 1 tháng, chị Lê Thúy, có nick là "Lệ trong tim” chia sẻ thông tin trên trang facebook Hóng biến Hòa Bình về thông tin và ảnh một người lưu lạc trên đất Campuchia có địa chỉ ở thôn Ao Trạch, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn). Nhiều người hàng xóm bảo với chị là thông tin và hình ảnh có nét giống anh Khuyên. Chị đã liên lạc với 1 anh ở Nam Định. Anh chia sẻ thông tin về quãng thời gian đi làm thợ xây ở Campuchia. Khi thấy một người đàn ông gốc Việt Nam hiền lành, ít nói, anh đã hỏi thăm và được ông Khuyên chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Anh chia sẻ trên mạng xã hội với mong muốn mọi người tìm người thân cho ông Khuyên. Sau khi xác minh đúng người đàn ông đó là ông Khuyên, gia đình đã liên lạc và sang tận nơi đón ông về thăm nhà.
Cán bộ Phòng người có công, lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn và các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã Dân Hòa thăm hỏi, động viên gia đình ông Nguyễn Văn Khuyên.
Vừa về tới nhà, 2 mẹ con ôm nhau mừng mừng, tủi tủi. ông Khuyên nhìn lên bàn thờ, bên cạnh ảnh cha là ảnh ông thời còn trẻ và bằng Tổ quốc ghi công mà đau xót. Khi ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc, cha vẫn còn sống. Nay trở về nhà cha đã mất từ lâu. Người mẹ già tưởng con đã hy sinh đã khóc cạn nước mắt vì ông. "Niềm vui sum họp không thể diễn tả được thành lời. Tôi ở tuổi gần đất xa trời cũng không nghĩ có ngày hạnh phúc lớn như thế này!”- cụ Tự năm nay đã 82 tuổi nghẹn ngào trong nước mắt.
Ông Khuyên cho biết: Năm 1978, trong một trận đánh ác liệt, ông đã bị lạc đồng đội vào khu rừng rậm nơi đất khách quê người. ông được một gia đình người Campuchia cưu mang. Lúc đó, chiến tranh loạn lạc, sợ Pol Pot phát hiện, ông không dám nói tiếng Việt, ăn mặc theo người dân bản xứ. Gặp người quen ông chỉ dám nói tiếng Campuchia, gặp người lạ thì giả bộ ra dấu như người bị câm. ông đổi tên thành người Campuchia để không bị địch phát hiện. Sau này, cảm mến ông, gia đình cứu ông đã gả con gái cho. Vợ chồng ông sinh được 8 người con thì 2 con đã chết, 2 con gái sinh đôi bị thần kinh, vợ bị biến chứng tiểu đường dẫn đến cụt chân, gia đình vô cùng khó khăn. Tất cả mọi chi tiêu sinh hoạt gia đình đều trông chờ vào ông. Mỗi ngày, ông đều nhớ về gia đình, mong muốn được trở về quê hương. Nhưng ngày tháng trôi qua, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, lại bất đồng ngôn ngữ, ông không dám nghĩ đến việc trở về quê hương nữa. May mắn, được một người Việt Nam giúp đỡ. Gia đình ông đã liên lạc và sang tận Campuchia để đón về nhà.
Trở về quê, ông Khuyên đưa theo người con trai. Nguyện vọng của ông là muốn về với mẹ, gia đình, quê hương. Ngày ông Khuyên về, ngoài cán bộ Phòng Người có công còn lãnh đạo UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể của huyện Kỳ Sơn và xã Dân Hòa đến thăm hỏi động viên gia đình. Hiện nay, các cấp, ngành chức năng đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị thu hồi bằng Tổ quốc ghi công. Tạo mọi điều kiện để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của gia đình.
Hương Lan