Vấn đề trên, UBND tỉnh có ý kiến như sau: Do có sự vào cuộc đồng bộ từ các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, thời gian gần đây, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc đã cơ bản được loại trừ. Thống kê của cơ quan chuyên môn cho thấy, đến tháng 4/2018, trên thị trường tỉnh Hòa Bình có 401 tên thương phẩm của 226 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả 401 loại thuốc này đều nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, chủ yếu là các thuốc kích thích sinh trưởng, chất vi lượng, được sử dụng trong thời điểm ra hoa, đậu quả. Về bản chất thì những chất này không mới, khá phổ biến trên thị trường nhưng thường được những cá nhân làm nghề tư vấn kỹ thuật xé bỏ bao bì hoặc phối trộn nhiều loại rồi bán cho các nhà vườn với giá cao nhằm trục lợi. Để phát hiện, xử lý kịp thời được những hành vi này cần sự vào cuộc của chính quyền cơ sở và người dân. Mỗi người dân nêu cao ý thức, trách nhiệm, kịp thời phát hiện các hành vi sai trái tới cơ quan có thẩm quyền hay chính quyền cơ sở để ngăn chặn, xử lý.
Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành NN&PTNT cùng các địa phương tìm giải pháp hạn chế tình trạng xử lý bao, gói thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định. Theo đó, ngành đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng các mô hình thu gom bao bì, túi vỏ thuốc, phân bón… Tuy nhiên với nguồn lực hạn chế, các hoạt động trên chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhất là với những vùng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung. Do đó, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật trong việc thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (sau sử dụng tới các doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp). Yêu cầu UBND cấp xã tăng cường khâu kiểm tra để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (bao gồm cả hành vi vứt bừa bãi bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng) trên địa bàn.
L.N (TH)