Đồng Nai đứng thứ 2 cả nước về diện tích điều.
Có 2 giấy ký và nhận tiền khác nhau
Theo quy trình, sau khi được UBND tỉnh thẩm định phê duyệt, UBND huyện Định Quán sẽ gửi xuống xã danh sách các hộ dân được hỗ trợ, trong đó thể hiện số tiền chi tiết mỗi hộ được nhận, người nhận tiền ký thẳng vào danh sách. Cấp phát xong, danh sách sẽ được chuyển về huyện báo cáo và lưu trữ. Danh sách này còn buộc phải niêm yết công khai tại trụ sở thôn ấp... để dân biết.
Tuy nhiên, đi kiểm tra, đoàn UBMTTQ Việt Nam xã Thanh Sơn phát hiện, ngoài danh sách do UBND huyện Định Quán đưa xuống, phê duyệt chi tiết từng hộ dân được nhận tiền thì còn có loại danh sách thứ 2 mang tên "Phiếu nội bộ”. Té ra, chính cán bộ cấp phát tiền đã tự ý lập ra phiếu nội bộ song song với danh sách huyện nêu trên.
Khi dân tới, cán bộ trong tổ cấp phát (xã, ấp) chi tiền theo số tiền in phiếu nội bộ, nhưng lại yêu cầu ký nhận vào danh sách có số tiền khác được in sẵn trong danh sách đã được phê duyệt của UBND huyện. Một số hộ phát hiện ra sự chênh lệch giữa tiền nhận và tiền trong danh sách "ký” đã khiếu nại, nhưng rồi vẫn phải nhận, nếu không thì miễn hỗ trợ.
Xác minh "sơ sơ” của đoàn giám sát, so sánh giữa danh sách huyện duyệt và phiếu chi nội bộ nêu trên, phát hiện số tiền mà tổ cấp phát cấp thiếu cho 19 trường hợp với số tiền hàng chục triệu đồng. Có hộ bị "thất lạc” gần hết số tiền được nhận như hộ bà Lê Thị Phước (ấp 5) được hỗ trợ 17 triệu đồng nhưng số tiền thực nhận chỉ 1,7 triệu đồng. Các hộ Điểu Lôi (5,9 triệu đồng) Vũ Văn Luận (20 triệu đồng) Nguyễn Văn Trịnh (13 triệu đồng) Trần Văn Hòa (10 triệu đồng)… đều bị chỉ nhận được nửa số tiền mà không biết lý do.
Lập lờ để ép dân?
Theo phê duyệt của UBND tỉnh Đồng Nai về kinh phí hỗ trợ thiệt hại do mưa trái mùa gây ra năm 2016-2017 thì phải hỗ trợ cho dân trước ngày 31.12.2017. Tuy nhiên, tại thời điểm giám sát của UBMTTQ Việt Nam xã Thanh Sơn (đến cuối tháng 4.2018), vẫn còn tới 54 hộ dân chưa được nhận tiền. UBND xã Thanh Sơn cũng chưa hề có kế hoạch thông báo dân có tên trong danh sách đến nhận.
Điều khó hiểu khác, để ra được danh sách công khai từng hộ dân, từng diện tích nhận tiền hỗ trợ phải qua quy trình kỹ càng: Dân khai báo, chính quyền địa phương thẩm định rồi trình lên Sở NNPTNT, trình UBND tỉnh. Tỉnh lập nhiều đoàn đi thẩm định lại rồi mới duyệt danh sách.
Thế nhưng, thay vì đưa giấy ký nhận tiền, theo tố cáo của người dân, khi đến nhận tiền, cán bộ xã, ấp trong tổ cấp phát lại… hỏi lại diện tích canh tác. Sau đó, có người bị "ép” hạ thấp diện tích thiệt hại. Điển hình là hộ ông Nguyễn Vũ Hùng (tổ 3, ấp 6) kê khai theo sở là 2,7 ha, cán bộ cấp phát chỉ đồng ý 2,5 ha. Khiếu nại không có kết quả nên ông Hùng đồng ý nhưng lại chỉ nhận được 4 triệu đồng với lý do, xã chỉ công nhận cho ông 2 ha chứ không phải 2,5ha như thỏa thuận trước đó.
Trong khi đó, có 22 hộ dân bị phát hiện có đất ngoài khu vực được hỗ trợ với tổng diện tích hơn 31 ha vẫn được đưa vào danh sách nhận tiền.
Cả người dân và UBMTTQ Việt Nam xã Thanh Sơn đã gửi đơn và kết luận giám sát tới cơ quan chức năng huyện, tỉnh Đồng Nai từ lâu, nhưng dường như không ai quan tâm, "xót” cho đồng tiền ngân sách để mà làm rõ.
Đồng Nai đứng thứ 2 cả nước về diện tích điều. Niên vụ 2016-2017 toàn tỉnh có khoảng 31,7 nghìn ha điều bị thiệt hại. Trên 8,5 nghìn ha xoài bị giảm năng suất từ 30-70%. Tổng thiệt hại xoài và điều ước tính khoảng 1,4 nghìn tỉ đồng. UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt hỗ trợ cho dân 83 tỉ đồng.