Nhờ tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, trên 300 lao động xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy) đã có việc làm và thu nhập ổn định tại Công ty CP may Đức Giang.
Niềm vinh dự, tự hào đó được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cố Nghĩa phát huy bằng việc giữ vững truyền thống đoàn kết, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng xã thành điểm sáng phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị TS-VM và là xã đi đầu của huyện thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.
Với các nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị TS-VM, lãnh đạo phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, những năm qua, Đảng bộ xã Cố Nghĩa luôn thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ CB,ĐV. Thường xuyên chăm lo công tác phát triển Đảng. Từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, không ngừng nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Theo đó, đội ngũ CB,ĐV và nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo và chấp hành hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã đã kết nạp được 31 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên của xã lên 389 đồng chí. 2 năm liền (2016-2017) Đảng bộ xã giữ vững danh hiệu TS-VM.
Cùng với thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xã Cố Nghĩa tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh và huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế với dấu ấn năm 2015 hoàn thành 19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Cũng từ đó, Cố Nghĩa không chỉ là vùng chè, vùng dứa cao sản của huyện Lạc Thủy mà còn là xã đi đầu thực hiện Nghị quyết của Huyện uỷ về cải tạo vườn tạp, phát triển cây có múi, cây ăn quả. Đến nay, toàn xã có gần 80 ha cây có múi, cây ăn quả các loại, góp phần xây dựng Nhãn hiệu tập thể cam Lạc Thủy và nhiều hộ có thu nhập từ 1-2 tỷ đồng/năm.
Lợi thế nằm trên trục đường 21 được các hộ trong xã phát huy để thu hút đầu tư, mở mang các ngành nghề dịch vụ và sản xuất TTCN với trên 15 cơ sở chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, cùng hơn 120 hộ làm dịch vụ, buôn bán nhỏ. Đặc biệt, hơn 300 lao động trong xã đã được vào làm việc tại Công ty CP may Đức Giang với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, hàng năm tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã duy trì ở mức 13,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và đúng hướng, năm 2018, dịch vụ - thương mại chiếm 47%, TTCN - xây dựng chiếm 20%, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 33%. Hơn 2 năm qua, toàn xã cứng hoá được trên 2 km đường liên xóm và nội đồng. Với kết quả đó, đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt trên 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,37%.
Cố Nghĩa đang từng ngày đổi thay. Vùng đất nơi có Nhà máy in tiền đầu tiên của Chính phủ với đồn điền Chi Nê và Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm tự hào và nguồn động viên, khích lệ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tiếp tục vững vàng vươn lên trong sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Đức Phượng