(HBĐT) - Đã có thời gian dài, nghề làm giấy dó ở thôn Suối Cỏ đã bị mai một. Người dân không còn biết cách làm ra những tờ giấy dó truyền thống. Với cơ duyên, sự đam mê và mong muốn bảo tồn, phát triển nghề làm giấy dó truyền thống, anh Nguyễn Văn Chúc, thôn Suối Cỏ, xã Hợp Hòa (Lương Sơn) đã và đang đưa nghề làm giấy dó phát triển, được nhiều người biết đến.


Ông Nguyễn Văn Chúc cẩn thận phơi những tờ giấy dó.

Trong không gian nhỏ, những người thợ thủ công với đôi tay kéo léo miệt mài sản xuất ra những tờ giấy dó truyền thống. Anh Nguyễn Văn Chúc, tổ trưởng tổ sản xuất giấy dó thủ công hồ hởi cho biết: Đợt này, tổ đang sản xuất giấy dó theo đơn đặt hàng với số lượng 1.500 tờ, giá thành 8.000 đồng/tờ. Xong đơn này, chúng tôi tiếp tục sản xuất 3 đơn đặt hàng với số lượng trên 2.000 tờ. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã đón gần 30 lượt đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, mua một số sản phẩm làm quà. Đây là tín hiệu mừng cho chúng tôi với mong muốn bảo tồn, phát triển nghề làm giấy gió thủ công truyền thống.

Nghề làm giấy dó có từ lâu đời, để dùng trong việc thờ cúng, nhưng do những biến động của thời gian đã dần mai một. Năm 2006, được sự giúp đỡ của Trung tâm nghiên cứu hỗ trợ và phát triển làng nghề Việt Nam; Trung tâm phát triển KT-XH và môi trường cộng đồng (CSEED) tài trợ, thôn Suối Cỏ đã triển khai thực hiện mô hình làm giấy dó thủ công cho các hộ nhằm hướng tới mục tiêu gia tăng nguồn thu ổn định cho hộ nghèo và bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống. Dự án đã được xây dựng với sự can thiệp, hỗ trợ nhằm phát huy những lợi thế, tiềm năng, đồng thời cải thiện những tài sản còn yếu kém, giúp cộng đồng phát huy tốt sức mạnh của mình, cải thiện và tạo thêm sinh kế, nâng cao thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo.

Các hộ tham gia dự án được tập huấn sản xuất theo phương pháp cổ truyền của làng nghề Bắc Ninh, kỹ thuật làm giấy thủ công của Nhật Bản do các chuyên gia đến từ Nhật Bản hướng dẫn. Nguyên liệu chính là cây dướng, loại cây sẵn có của địa phương. Với nguồn nguyên liệu có sẵn, cộng thêm sự khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ, trải qua 36 công đoạn mới cho ra tờ giấy dó thành phẩm đạt yêu cầu. Sản phẩm giấy dó của người dân Suối Cỏ đã được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao. So với giấy cùng loại được sản xuất thủ công của các nghệ nhân Nhật Bản với hàng trăm năm kinh nghiệm thì có độ mịn, trắng hơn. Nhưng bù lại, giấy dó được sản xuất ở Suối Cỏ có độ dai, bền hơn và giá thành rẻ hơn nhiều, màu giấy hoàn toàn là màu tự nhiên nên khi gặp nước không phai màu và không bị mối hay gián nhấm như các loại giấy sử dụng màu hoá chất.

Trước đây, ngoài sản xuất giấy dó, tổ sản xuất của anh Chúc còn làm thêm các sản phẩm thủ công từ giấy dó như: đèn lồng, con vật, phong bì, sổ tay, bưu thiếp, tranh… Tuy nhiên, do tiêu thụ sản phẩm khó nên hiện nay cơ sở chỉ sản xuất giấy dó với 12 màu và họa tiết khác nhau. Giá cũng được chia thành nhiều loại, tuỳ theo độ dày mỏng và họa tiết khác nhau từ 6.000 - 15.000 đồng/tờ. Hầu hết sản phẩm giấy dó được bán cho khách du lịch, những người biết và đã sử dụng. Tuy nhiên, theo anh Chúc, để bảo tồn và phát triển nghề giấy dó thủ công hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó khó khăn chính là đầu ra. Sản phẩm còn quá ít người biết đến và không sử dụng phổ biến. Hiện nay, sản phẩm giấy dó được bầy bán ở một số cửa hàng tại Hà Nội như: Phủ Tây Hồ, Đội Cấn, Chiều Khúc, Điện Biên Phủ, Văn miếu Quốc Tử Giám, Đại học Bách khoa… và tại trạm dừng nghỉ ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Do sản phẩm bán chậm nên hiện tại, tổ chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, trong đó các đơn đặt hàng chủ yếu là khách nước ngoài. Bình quân mỗi tháng có 1 đơn đặt hàng từ 1.000 - 1.900 tờ, tùy theo độ dày mỏng và họa tiết khác nhau. Mỗi khi không có đơn hàng, các hộ trong nhóm lại đi khai thác cây dướng về chế biến để chuẩn bị nguyên liệu sản xuất.

Với mong muốn bảo tồn và phát triển nghề làm giấy dó thủ công truyền thống, anh Chúc cho biết: Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và làm thêm các sản phẩm thủ công khác. Để được như vậy, cần có sự liên kết với các điểm du lịch, cửa hàng quảng bá sản phẩm đến đông đảo người dân trên mọi miền Tổ quốc biết và sử dụng sản phẩm. Có như vậy nghề sản xuất giấy do thủ công truyền thống mới không bị mai một.

Hồng Ngọc

 

 

 

 

 



Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục