(HBĐT) - LTS: Thời gian qua, một số báo mạng và trang mạng xã hội đưa tin về bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, do không hiểu rõ bản chất, nguồn gốc cũng như cơ sở khoa học, thực tiễn của bộ chữ đã làm bạn đọc hiểu sai về bộ chữ Mường tại tỉnh Hòa Bình. Để rộng đường dư luận, PV Báo Hòa Bình đã phỏng vấn giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Khang, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài xây dựng Bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình.


GS.TS Nguyễn Văn Khang phát biểu tại Hội thảo khoa học "Xây dựng bộ chữ Mường phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình” năm 2016. ảnh: h.l

 

PV: Thưa giáo sư, xin giáo sư chỉ dẫn những căn cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình?

GS.TS Nguyễn Văn Khang: Cho phép tôi được "dẫn dắt” vấn đề một cách ngắn gọn thế này: Dân tộc Mường là 1 trong 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam và là 1 trong 5 dân tộc thiểu số có số dân từ một triệu người trở lên. Trong 4 dân tộc: Tày, Thái, Khơ Me, Mông và nhiều dân tộc ít người khác có chữ viết chính thức thì tiếng Mường chưa có chữ viết chính thức ( tôi muốn mạnh "chính thức”, vì các cá nhân có thể ghi theo cách của mình). Tỉnh Hòa Bình là tỉnh đa dân tộc, trong đó dân số của người Mường là đông nhất, chiếm khoảng 65% dân số toàn tỉnh và nếu so với dân số của cả dân tộc Mường ở Việt Nam thì dân số người Mường ở Hòa Bình chiếm khoảng hơn 1/3, khoảng 40%.

Trở lại câu hỏi của phóng viên, việc xây dựng Bộ chữ Mường cho dân tộc Mường tại Hoà Bình là dựa trên bốn cơ sở: cơ sở pháp lí, cơ sở xã hội, cơ sở khoa học và cơ sở về thái độ ngôn ngữ.

Cơ sở pháp lí: Đó là chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam về công tác dân tộc, được Hiến định tại Điều 5 của Hiến pháp (2013): "Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”; Quyết định số 53/CP Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số: " Các dân tộc thiểu số có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật”, UBND tỉnh "quyết định các phương án cải tiến hoặc xây dựng mới chữ các dân tộc thiểu số trong tỉnh”; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020: "Chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc, tổng hợp kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa trình Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận Mo Mường, Chiêng Mường là Di sản văn hóa cấp quốc gia; xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Sử thi Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Cơ sở xã hội: Như trên đã nêu, dân tộc Mường có số dân đứng hàng thứ ba trong 53 dân tộc ít người ở Việt Nam, có nền văn hóa lâu đời, có ngôn ngữ cùng cội nguồn với tiếng Việt, nhưng cho đến nay, tiếng Mường chưa có chữ viết chính thức. Đây là một hiện tượng ngôn ngữ ít thấy, vì theo lí thuyết và cả thực tế, thường thì chỉ có các ngôn ngữ có số dân ít hoặc rất ít mới có thể không/chưa có chữ viết. Tại Hòa Bình, với số dân chiếm quá nửa dân số toàn tỉnh, dân tộc Mường đang lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý báu trong đó có sử thi Mo Mường. Vì thế, tiếng Mường ở Hòa Bình cần có chữ viết để bảo tồn và phát huy ngôn ngữ văn hóa Mường tại đây.

Cơ sở khoa học và thực tiễn: Theo lí thuyết ngôn ngữ học, ở các quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ, việc xây dựng chữ viết cho các dân tộc thiểu số chưa có chữ viết tốt nhất là dựa vào chữ viết của ngôn ngữ quốc gia. ở Việt Nam, thực tế đã chứng minh điều này: nhiều bộ chữ viết cho ngôn ngữ các dân tộc thiểu số đã được xây dựng trên cơ sở của chữ Quốc ngữ và thực tế sử dụng đã khẳng định cách làm này. Đây chính là những kinh nghiệm để xây dựng chữ Mường. Tiếng Mường ở Hòa Bình nói riêng, tiếng Mường ở Việt Nam nói chung đã được nghiên cứu ở bình diện cấu trúc - hệ thống (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) và bình diện sử dụng. Từ đó, một số nhà nghiên cứu đã đề xuất các phương án chữ viết Mường. Bên cạnh đó, cùng với công việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Mường, một số nhà sưu tầm, nghiên cứu, trong đó đáng chú ý là các trí thức dân tộc Mường đã dùng chữ Quốc ngữ để ghi chép Mo Mường, ca dao, dân ca Mường, lời ăn tiếng nói của người Mường... theo cách riêng của mình. Đây chính là những tham khảo quan trọng để xây dựng chữ Mường tại Hòa Bình.

Cơ sở về thái độ ngôn ngữ: Nói một cách dễ hiểu, đơn giản là ý kiến của người Mường ở Hòa Bình về việc có nên có bộ chữ viết tiếng Mường thống nhất, chính thức hay không? Kết quả điều tra và thăm dò ý kiến cho thấy, hầu hết người Mường đều cho rằng tiếng Mường cần có chữ viết, thậm chí có không ít ý kiến cho rằng, bây giờ mới nghĩ đến chuyện xây dựng bộ chữ Mường thống nhất là quá muộn. Đáng chú ý là các trí thức của dân tộc Mường, những người dân tộc Mường làm công tác quản lý, công tác chính quyền, công tác đoàn thể... rất coi trọng và cho thấy tầm quan trọng phải có một bộ chữ Mường với lí do: chỉ có chữ Mơường mới có thể phản ánh một cách tốt nhất tiếng Mường, văn hóa Mường.

PV: Thưa giáo sư, quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thực tế để xây dựng bộ chữ Mường tỉnh Hòa Bình diễn ra như thế nào?

GS.TS Nguyễn Văn Khang: Thứ nhất, khi xây dựng bộ chữ cho bất kỳ một ngôn ngữ nào thì phải dựa vào đặc điểm ngữ âm của ngôn ngữ đó. Theo đó, việc xây dựng chữ Mường tại tỉnh Hòa Bình phải dựa vào đặc điểm ngữ âm của tiếng Mường Hòa Bình. Như chị biết đấy, tiếng Mường Hòa Bình có nhiều phương ngữ, thổ ngữ. Nhìn về tổng thể, Mường Hòa Bình có 4 vùng là Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động. Trong mỗi vùng Mường này lại có thể có "các nhóm nhỏ hơn” với những đặc thù ngữ âm riêng. Nhiệm vụ của người làm chữ viết là phải tìm ra những đặc điểm chung nhất, tìm ra một "siêu phương ngữ”- một "tiếng Mường chung” bao trùm, khái quát được ngữ âm của các vùng Mường. Đây chính là công việc chúng tôi tiến hành điều tra, khảo sát, tại các vùng Mường; tiến hành trao đổi, tọa đàm, sử dụng các thiết bị chuyên dụng về ngữ âm học để phân tích, làm rõ đặc điểm ngữ âm của tiếng Mường; kết hợp với các thành quả nghiên cứu trước đó về ngữ âm tiếng Mường để đưa một bức tranh tổng thể về ngữ âm tiếng Mường tại Hòa Bình, làm cơ sở để xây dựng bộ chữ Mường.

Thứ hai, khi bắt tay vào xây dựng bộ chữ Mường, chúng tôi tiến hành phân tích các phương án chữ Mường trước đó (của các tác giả trong và ngoài nước); phân tích chữ Quốc ngữ để đưa ra một phương án tối ưu. Cùng với các cuộc tọa đàm diễn ra tại 4 vùng Mường ở Hòa Bình, nhiều cuộc tọa đàm, trao đổi khoa học diễn ra tại trụ sở Viện Ngôn ngữ học với sự tham gia của hầu hết các trưởng phòng chuyên môn với tư cách là thành viên của đề tài, của một số trí thức Mường, cùng với sự có mặt của GS Viện trưởng, PGS Phó Viện trưởng. Có những buổi trao đổi khoa học "căng thẳng” kéo dài từ 14 giờ đến 21 giờ chỉ để tìm giải pháp cho vấn đề thanh điệu tiếng Mường, lựa chọn con chữ, cách ghi đối với những âm mang "đặc trưng” của tiếng Mường Hòa Bình... Bộ chữ Mường của dân tộc Mường tại Hòa Bình phải đảm bảo được tối thiểu các yêu cầu như: 1) Mang bản sắc của tiếng Mường Hòa Bình; 2) Xây dựng trên cơ sở của chữ Quốc ngữ; 3) Đi vào được đời sống của người Mường.

PV: Có ý kiến cho rằng, bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình giống với tiếng Việt cải cách của phó giáo sư Bùi Hiền, xin giáo sư trả lời rõ hơn về vấn đề này?

GS.TS Nguyễn Văn Khang: Trước hết, xung quanh đề xuất về chữ Quốc ngữ (mà phóng viên gọi là " tiếng Việt cải cách”) mang tính nghiên cứu độc lập, cá nhân của PGS Bùi Hiền, Viện Ngôn ngữ học đã có văn bản báo cáo chính thức theo yêu cầu của Quốc hội. Được biết trên một số báo mạng, facebook đã công bố bài viết của GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học về nội dung này. Trong bài viết đó, GS Hiệp đã nói rõ, đây là ý kiến của Hội đồng khoa học mở rộng, trong đó tôi là ủy viên chính thức và một số người tham gia làm chữ Mường cũng là ủy viên (chính thức hoặc mở rộng). Vì thế tôi không nhắc lại chuyện này.

Cũng cần nói thêm là, Bộ chữ Mường này được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt từ tháng 9 năm 2016. Điều này cũng có nghĩa rằng, từ 2014 chúng tôi đã bắt tay vào thực hiện công việc này. Riêng cá nhân tôi, vào năm 1994, một nhóm chúng tôi đã đề xuất "Phương án chữ Mường” và năm 2003 "Phương án chữ Mường” đó đã được dùng để biên soạn Từ điển Mường - Việt (tôi là chủ biên), Nxb Văn hóa Dân tộc ấn hành. Cho đến trước khi Bộ chữ Mường này được phê duyệt thì đã có ít nhất 5 phương án chữ Mường xây dựng trên cơ sở chữ Quốc ngữ, trong đó có một phương án chữ Mường của chuyên gia nước ngoài.

Về Bộ chữ Mường của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, tôi xin nhắc lại và nhấn mạnh rằng, đây là bộ chữ phản ánh được bản sắc của tiếng Mường ở Hòa Bình và được xây dựng trên cơ sở của chữ Quốc ngữ với một số điểm đáng chú ý là: 1) Có những điểm giống với chữ Quốc ngữ; 2) Có những điểm chỉ riêng tiếng Mường mới có: như tiếng Mường có phụ âm kép (tl); có âm l ở cuối âm tiết; tiếng Mường chỉ có cách phát âm (x), (ch); không có các âm (s), (tr); thanh hai của tiếng Mường phát âm cao hơn thanh huyền tiếng Việt (vì thế phải dùng kí hiệu khác mà không dùng kí hiệu dấu huyền của tiếng Việt để tránh nhầm lẫn)... ; 3) Cố gắng tạo sự thống nhất giữa âm và chữ viết "đọc thế nào viết thế nấy” ( tiếng Việt về cơ bản là là chữ ghi âm, nhưng có một số trường hợp một cách đọc có hai hoặc hơn hai cách viết như: i và y; ng và ngh...

PV: Theo giáo sư, tỉnh Hòa Bình cần làm gì tiếp theo để đưa bộ chữ dân tộc Mường vào đời sống?

GS.TS Nguyễn Văn Khang: Bộ chữ Mường của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình là kết quả kế thừa thành quả nghiên cứu nhiều năm về tiếng Mường của các tác giả trong và ngoài nước, kết quả của một tập thể những người làm ngôn ngữ học cùng với trí thức dân tộc Mường, bà con các vùng Mường – nơi mà đoàn nghiên cứu tiến hành điều tra , điền dã, tọa đàm... Sau khi hoàn thành bộ chữ, chúng tôi đã tiến hành dạy thử và hoàn chỉnh theo các ý kiến góp ý của người học.

Bộ chữ Mường của dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt (9/2016) và đưa vào sử dụng. Bước đầu cho thấy có tính khả thi cao. Hiện nay, thực hiện "Kế hoạch triển khai ứng dụng bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình” của UBND tỉnh Hòa Bình (10/2016), chúng tôi đang đươc giao biên soạn tài liệu học tiếng Mường, gồm hai loại tài liệu: Tài liệu thứ nhất là "Tài liệu học chữ Mường” cho những người biết tiếng Việt, biết chữ Quốc ngữ và biết nói tiếng Mường. Đây là tài liệu học chữ Mường được biên soạn theo cách: chỉ ra những điểm khác biệt giữa ngữ âm tiếng Mường và ngữ âm tiếng Việt, theo đó là sự khác biệt giữa chữ Quốc ngữ và chữ Mường. Tài liệu thứ hai là "Tài liệu học tiếng Mường” bao gồm cả học tiếng và học chữ cho những ai muốn học tiếng nói chữ viết Mường; cùng với hai tài liệu này có một tài liệu nâng cao, bổ trợ là "Đọc hiểu tiếng Mường”.

Được biết, năm 2015, di sản văn hóa "Mo Mường - Hòa Bình” đã đón nhận Bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam; năm 2016, Bộ VH-TT&DL ban hành Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL công bố 15 danh mục di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quốc gia, trong đó có Mo Mường. Để xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Sử thi Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì Bộ chữ Mường là bước đi tất yếu của lộ trình này (dùng để ghi chép, in ấn, dịch sang tiếng Anh...

Nhân đây, chúng tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo, động viên, tạo điều kiện cho chúng tôi hoàn thành một công việc trọng đại- một công việc mà những người làm công tác ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam thuộc các thế hệ bao năm trăn trở đã thành hiện thực. Xin được cảm ơn Đài Phát thanh Truyền hỉnh tỉnh, Báo Hòa Bình đã sử dụng bộ chữ này trong công tác truyền thông.

Hơn bao giờ hết, trước tác động của bối cảnh nền kinh tế thị trường, đô thị hóa và hội nhập, sự ra đời của bộ chữ Mường là kịp thời, là công cụ để bảo tồn và phát huy bản sắc ngôn ngữ-văn hóa Mường; góp phần vào kết nối, phát triển bền vững các vùng Mường tại Hòa Bình.

PV:  Trân trọng cảm ơn giáo sư.


                                                                                  PV (TH)

 


Các tin khác


Lạc Thủy: Bàn giao nhà “Mái ấm nông dân”

(HBĐT) - Ngày 11/9, Hội Nông dân huyện Lạc Thủy đã tổ chức lễ bàn giao nhà "Mái ấm nông dân” năm 2018 cho hộ hội viên nông dân nghèo Trình Văn Nam, sinh năm 1986 ở thôn An Phú, xã An Lạc.

Người góp phần đưa cánh giấy dó bay

(HBĐT) - Đã có thời gian dài, nghề làm giấy dó ở thôn Suối Cỏ đã bị mai một. Người dân không còn biết cách làm ra những tờ giấy dó truyền thống. Với cơ duyên, sự đam mê và mong muốn bảo tồn, phát triển nghề làm giấy dó truyền thống, anh Nguyễn Văn Chúc, thôn Suối Cỏ, xã Hợp Hòa (Lương Sơn) đã và đang đưa nghề làm giấy dó phát triển, được nhiều người biết đến.

Khen thưởng 10 tập thể và 18 cá nhân có thành tích xuất sắc

(HBĐT) - Ngày 11/9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh giai đoàn 2008-2018. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng BCĐ công tác gia đình tỉnh chủ trì hội nghị.

Bộ CHQS tỉnh: Tổ chức Hội thi Cán bộ hội phụ nữ giỏi năm 2018

(HBĐT) - Ngày 11/9, Bộ CHQS tỉnh tổ chức hội thi cán bộ Hội Phụ nữ giỏi năm 2018. Tham gia hội thi gồm các thí sinh đến từ Hội Phụ nữ các cơ quan Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị trực thuộc. Tham gia hội thi, các thí sinh trải qua 3 phần thi: Kiến thức công tác hội; ứng xử, xử lý tình huống và phần thi năng khiếu.

Huyện Lương Sơn: Gặp mặt, giao lưu với các gia đình sinh con một bề là gái, có thành tích học tập tốt

(HBĐT) - Thiết thực hưởng ứng chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh và hướng tới Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10, tại huyện Lương Sơn, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh vừa phối hợp với Ban chỉ đạo DS - KHHGĐ huyện Lương Sơn tổ chức gặp mặt, giao lưu với các gia đình sinh con một bề là gái, có thành tích học tập tốt. Tham dự gặp mặt có 80 gia đình tiêu biểu đại diện cho các hộ sinh con một bề là gái làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện Lương Sơn.

Đã chấm dứt, không còn tái diễn tình trạng khai thác vàng trái phép ở xã Bắc Sơn

(HBĐT) - Theo thông tin mới nhất từ xã Bắc Sơn (Tân Lạc), tính từ cuối tháng 8/2018 đến nay, trên địa bàn xã không còn tình trạng người dân lén lút khai thác vàng trái phép tại khu vực đồi Tạng thuộc xóm Hày Trên. Tình hình TTATXH trên địa bàn được giữ vững, ổn định...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục