Do ảnh hưởng từ đổ thải đất, đá trong quá trình thi công đường 433, nhiều diện tích lúa 2 vụ của người dân xóm Máy 3, xã Hoà Bình (TP Hòa Bình) bị vùi lấp vĩnh viễn.
Khốn khổ đủ đường!
Không chỉ có gia đình ông Toàn mà theo ông Hà Văn Hòa, Trưởng xóm Máy 3, cả xóm có 22 hộ bị đất, đá bồi lấp hoàn toàn diện tích đất canh tác. Phần lớn diện tích bị bồi lấp không có khả năng phục hồi. Trong số đó, gia đình ông Vũ Văn Toàn bị nặng nhất khi mất 2/3 diện tích đất canh tác. Tiếp đến là gia đình anh Nguyễn Văn Thường và Nguyễn Văn Nghị bị vùi lấp một nửa diện tích đất cấy lúa.
Còn theo đồng chí Lê Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, cả xã có gần 100 hộ dân có đất canh tác bị vùi lấp, chủ yếu ở những diện tích canh tác nằm dọc theo suối Voi, tập trung ở các xóm Máy 2, Máy 3, Máy 4, Đao... Trước đây, mỗi khi có mưa lũ, đất canh tác của người dân cũng không bị ngập như bây giờ. Đáng nói hơn, khi trời mưa to, nước lũ dâng nhanh đã gây thiệt hại về hoa màu, tài sản của người dân. Ví như gia đình ông Thịnh ở xóm Đông Lạnh có xưởng sản xuất đũa tre xuất khẩu. Tuy nhiên, những năm qua, nhà xưởng của ông liên tục bị ngập úng đã làm cháy hàng chục mô tơ điện và hỏng hàng chục tấn thành phẩm. Năm 2018, để đảm bảo cho sản xuất, gia đình ông đã đầu tư nâng toàn bộ nền xưởng cao thêm 1 m nhưng khi mưa lũ về, nhà xưởng vẫn bị ngập, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Do bị thiệt hại nặng, cơ sở này vẫn chưa thể hoạt động và đứng trước nguy cơ phá sản.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo đồng chí Lê Minh Hưng là do quá trình thi công dự án tỉnh lộ 433, đơn vị thi công đã đổ đất, đá thải trực tiếp xuống lòng suối Voi. Theo đó, bãi đổ thải tại km4+500 được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh thiết kế cho đơn vị thi công đổ thải nhưng việc làm hệ thống kè chắn đất không đảm bảo và việc quản lý đổ thải chưa được chặt chẽ nên đã dẫn đến tình trạng đất, đá đổ thải thường xuyên tràn ra suối. Từ đó dẫn đến việc bồi lấp lòng suối. Có những chỗ bị bồi lấp gần 2 m. Mỗi khi có mưa to, gây lũ ở suối Voi đã cuốn theo đất, đá từ các bãi đổ thải bồi lấp đất canh tác của nhân dân. Theo đó đến nay, 70% diện tích đất canh tác ở cánh đồng Ròi xóm Máy 3 bị đất, đá bồi lấp hoàn toàn.
Tương tự như vậy, tuyến suối từ xóm Đao đến xóm Đông Lạnh với chiều dài khoảng 7 km đã bị bồi lấp dòng chảy. Do vậy, mỗi khi trời mưa to, nước lũ thường xuyên chảy tràn vào ruộng lúa 2 bên bờ suối. Cùng với đó, các công trình bai, kênh, mương thủy lợi của xã dọc theo tuyến suối cũng bị bồi lấp. Nhất là các ngầm tràn qua suối như ngầm Đông Lạnh, ngầm xóm Máy 4 đã bị đất, đá bồi lấp kín các cửa thoát nước nên mỗi khi có mưa là nước tràn qua ngầm gây ách tắc, nguy hiểm cho người dân khi đi qua...
Kiến nghị nhiều nhưng vẫn chưa được giải quyết
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Hòa, Trưởng xóm Máy 3 chia sẻ: Dự án nâng cấp đường 433 đi qua địa phận xã Hòa Bình được thi công từ năm 2012 đến nay. Trong quá trình thi công, gần như toàn bộ đất, đá thải của tuyến đường đã được đổ vào các bãi đổ thải ngay cạnh suối Voi. Việc làm này đã bồi lấp toàn bộ lòng suối. Nghiêm trọng hơn, mỗi khi trời mưa to, nước lũ cuốn theo đất, đá từ các bãi đổ thải bồi lấp ruộng, vườn, tài sản, hoa màu của người dân ở dọc theo tuyến suối. Trên thực tế, hiện nay toàn bộ tuyến suối Voi từ UBND xã Toàn Sơn (Đà Bắc) về đến xã Hòa Bình đã bị đất, đá thải bồi lấp từ 1m - 2m so với lòng suối cũ. Do bị bồi lấp nên đỉnh lũ của dòng suối thường xuyên dâng cao hơn từ 0,7 - 1m. Khi đó, nước lũ kéo theo đất, đá tràn vào bồi lấp, hủy hoại vĩnh viễn, không thể hồi phục được phần lớn diện tích đất canh tác của nhân dân. Trước thực trạng trên chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền vào cuộc giải quyết, thế nhưng suốt từ đó đến nay việc này vẫn chưa được quan tâm, giải quyết.
Làm việc với chúng tôi xung quanh vấn đề này, đồng chí Lê Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết thêm: Ngay từ khi phát sinh những nguy cơ và ảnh hưởng trực tiếp của quá trình thi công đường 433, UBND xã nhiều lần làm việc với Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh và đơn vị thi công. Quá trình làm việc chúng tôi cũng đã chỉ rõ những nguy cơ tiềm ẩn khi đổ đất, đá thải trực tiếp xuống lòng suối Voi. Đồng thời, UBND xã nhiều lần báo cáo lên UBND thành phố và các phòng, ban chức năng liên quan để đề xuất, kiến nghị giải quyết những hậu quả do thi công đường 433 gây ra. Theo đó, tính từ năm 2016 đến nay, UBND xã đã có 7 báo cáo, 4 công văn và tiếp nhận 22 đơn kiến nghị giải quyết vụ việc của người dân. Ngoài ra, trong quá trình tiếp xúc cử tri, nhiều lượt ý kiến, kiến nghị trực tiếp của người dân và đại biểu HĐND các cấp về giải quyết hậu quả của việc đổ thải trong quá trình thi công đường 433 gây ra cho địa phương.
Để giải quyết vấn đề này, vừa qua, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo, giao cho Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Sở GTVT, Sở TN&MT, UBND thành phố và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đánh giá mức độ thiệt hại, đề xuất UBND tỉnh phương án giải quyết.
Mới đây, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng và những thiệt hại về đất sản xuất của người dân do bị đất, đá vùi lấp. Tại buổi làm việc, các sở, ngành chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tác động, ảnh hưởng từ việc thi công tuyến đường 433. Do vậy, Sở sẽ nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý nhằm hạn chế việc bồi lấp, ảnh hưởng của mưa lũ đến những diện tích đất canh tác còn lại của người dân. Đối với những diện tích không có khả năng phục hồi sẽ đề xuất với UBND tỉnh cho chuyển đổi phù hợp. Đồng thời, xem xét làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng.
Từ thực tế trên, đồng chí Lê Minh Hưng chia sẻ: Bây giờ chúng tôi chỉ mong các ngành, các cấp khẩn trương vào cuộc và có phương án giải quyết hợp tình, hợp lý, phù hợp với thực tế địa phương. Bởi nhiều năm liền bị mất đất canh tác, đời sống người dân ngày càng khó khăn khi cuộc sống của họ chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Hơn 4 năm làm việc, gắn bó với công ty TNHH RNS Gloobal là khoảng thời gian đủ để một nữ công nhân như chị Bùi Thị Thuật có thể thấu hiểu và cảm nhận những quan tâm của Công ty dành cho mình mà gần 900 công nhân đang làm việc tại đây.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, ngành BHXH tỉnh đã làm thủ tục cho gần 5.000 người hưởng trợ cấp một lần. Trong đó, trợ cấp BHXH một lần cho 2.949 người, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu 607 người, trợ cấp tử tuất một lần 373 người, trợ cấp tai nạn lao động một lần có 3 người, trợ cấp điều chỉnh PCKV một lần là 998 người.