Tình trạng kẹt xe ở TPHCM ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: M.Q
Quy hoạch cũlàm chưa xong
Theo kế hoạch tổ chức thực hiện "Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2018 - 2020” do UBND TPHCM mới ban hành, có khoảng 190km đường bộ và 46 cây cầu dự kiến đưa vào sử dụng từ nay tới năm 2020, được kỳ vọng sẽ giúp TPHCM phần nào thoát khỏi tình trạng kẹt xe trầm trọng. Khi đó, mật độ đường giao thông của thành phố sẽ đạt 2,2 km/km2; tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất xây dựng đô thị; khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 15% nhu cầu giao thông đô thị; giảm 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông hàng năm so với năm liền kề trước đó.
Tuy nhiên, với tình hình đầu tư xây dựng hiện nay, trong khi quy hoạch cũ chưa xong, lại thêm một khối lượng dự án lớn khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính khả thi của chương trình. Theo quy hoạch giao thông vận tải TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, đến thời điểm đó, về cơ bản các trục đường bộ chính, các trục đường hướng tâm, đường xuyên tâm vành đai phải được hoàn thiện. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn không được thực hiện đúng kế hoạch. Không chỉ thế, một số dự án được xếp vào diện ưu tiên đầu tư giai đoạn 2013 - 2015 nhưng đến nay vẫn còn... trên giấy.
Chẳng hạn như dự án xây dựng đường vành đai 2 đoạn từ cầu Rạch Chiếc 2 (nay là cầu Phú Hữu, Q.9) đến nút giao Gò Dưa (Q.Thủ Đức) và đường vành đai 2 đoạn từ nút giao An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh). Các dự án này đến nay vẫn chưa tìm được nhà đầu tư vì vốn đầu tư dự án quá lớn, hơn 13.000 tỉ đồng. Còn dự án được xếp vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 như xây dựng 1 - 2 tuyến đường trên cao số 4 từ đường Vườn Lài (Q.12) đến đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) đến nay vẫn án binh bất động. Ngoài ra theo quy hoạch, TPHCM có 8 tuyến metro nhưng mới chỉ có 1 tuyến đang chật vật xây dựng, chưa biết có về đích đúng hẹn 2020 được không. Rồi hệ thống đường sắt, đường sắt trên cao, đường sắt một ray cũng chưa đường nào được xây dựng.
Cần cơ chế đột phátrong bồi thườnggiải phóng mặt bằng
Theo TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, vấn đề giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các dự án giao thông của thành phố. Ông dẫn chứng đường Cách Mạng Tháng Tám - một trong những con đường hướng tâm quan trọng nhất và kẹt xe khủng khiếp nhất TPHCM, chưa thể mở rộng cũng bởi "trở lực” này. "Trước đây, thành phố chỉ làm được một đường hướng tâm là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Lúc đó, tôi cũng phải giải trình trước HĐND TPHCM vì sao tốn 2.000 tỉ đồng cho con đường mấy cây số. Lý do là giải tỏa mặt bằng. Hiện nay, có mấy con đường muốn mở mà không được là do tiền giải tỏa đắt hàng chục lần so với tiền xây công trình” - ông Cương nói.
Cũng theo ông Võ Kim Cương, ở một số nước, khi mở rộng đường thì dân sống 2 bên đường phải đóng tiền vì họ hưởng lợi từ việc giá trị đất đai tăng lên. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, khi Nhà nước mở rộng đường thì nhiều ngôi nhà trong hẻm trở thành mặt tiền mang lại nhiều tiện lợi, giá trị đất đai cũng tăng lên. Nhưng Nhà nước phải bỏ tiền để đền bù rất lớn. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án.
TS Cương cho biết, trước đây TPHCM cũng từng áp dụng chính sách mở biên, bán đấu giá đất 2 bên đường để lấy tài chính xây đường như trường hợp đường Nguyễn Hữu Thọ. Nhưng thời đó, 2 bên đường Nguyễn Hữu Thọ là đất ruộng nên dễ làm. Còn bây giờ đụng vào đường nào cũng đông dân cư. Đây là bài toán khó và không ai muốn giải vì khó quá.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM - cho rằng TPHCM phải có được chính sách phù hợp với đô thị đặc biệt thì mới tạo ra phương án tài chính giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng. Về việc mở biên đường, đấu giá đất lấy tài chính, ông Hòa nhận định thành phố đã làm một số chỗ nhưng chưa hoàn toàn thành công. "Chẳng hạn như lộ giới 60m thì xin thêm 50m mỗi bên để cho phép đấu thầu, tiền này sẽ dùng làm đường. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang lúng túng. Phải có chính sách hẳn hoi mới làm được. Mình chỉ mới giải tỏa biên là đất ruộng còn nhà thì chưa. Vì vậy phải pháp lý hóa” - ông Hòa thẳng thắn. Song để làm được điều đó, GS Nguyễn Trọng Hòa cho rằng, vấn đề chính sách cho người thuộc biên giải tỏa, đấu thầu phải công khai, minh bạch và không được "nhá nhem lợi ích nhóm”.