Đáp ứng nhu cầu thăm quan của nhân dân?
Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TĐHB cho biết: Việc tổ chức hoạt động dịch vụ thăm quan (DVTQ) tại NMTĐ Hòa Bình đã có từ năm 1996. Căn cứ để Công ty duy trì DVTQ phát sinh từ nguyện vọng của người dân muốn được thăm quan công trình. Bởi đây là một công trình công nghiệp mang tính đặc thù, có dấu ấn lịch sử lại nằm ngay TP Hòa Bình, gần Thủ đô Hà Nội. Do vậy, Công ty phải có trách nhiệm đứng ra tổ chức thực hiện, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Thế nên việc thu phí là đương nhiên để chi trả các chi phí như: người hướng dẫn, dọn dẹp, trông coi, bảo quản... Trước đây, khi người dân đến thăm quan công trình Công ty chỉ thu vé dịch vụ đối với khách có nhu cầu thăm quan các công trình ngầm hoặc thăm quan toàn bộ công trình có hướng dẫn viên. Đối với người dân địa phương và người ở nơi khác đến thăm quan các công trình hở, Công ty không thu phí. Còn bây giờ đặt trong bối cảnh NMTĐ Hoà Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận là công trình quan trọng liên quan đến ANQG thì yêu cầu về công tác đảm bảo an ninh cao hơn trước rất nhiều.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Trung tâm dịch vụ - Công ty TĐHB lý giải: Việc tổ chức thực hiện DVTQ tại công trình NMTĐ Hoà Bình của Công ty chỉ nhằm thoả mãn nhu cần của nhân dân đến thăm quan, chiêm ngưỡng công trình. Việc kinh doanh trong lĩnh vực này của Công ty có đầy đủ kế hoạch kinh doanh, đăng ký kinh doanh và mã số thuế. Mở DVTQ được tổ chức từ năm 1996 để giải quyết việc làm cho một số CB,CNV dôi dư sau khi công trình kết thúc và vợ, con CB,CNV nhà máy chưa có việc làm; tạo thu nhập, đỡ khó khăn trong đời sống, an tâm công tác, vận hành nhà máy. Từ thực tế đó, năm 1996, từ đề nghị của Công ty, khi đó Tổng Công ty Điện Lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực) đã giao bổ sung nhiệm vụ hướng dẫn, thăm quan cho NMTĐ Hoà Bình. Trong 22 năm thực hiện nhiệm vụ này, Công ty luôn đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách và công trình; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc này đã gây nhiều băn khoăn trong nhân dân thời gian qua. Ông Đỗ Vũ Hoàng ở phường Đồng Tiến thắc mắc: Tại các điểm chốt gác vào nhà máy đều có biển báo "Phạm vi bảo vệ công trình trọng điểm liên quan đến ANQG NMTĐ Hoà Bình. Không cho phép người và phương tiện giao thông đường bộ không có nhiệm vụ ra vào khu vực công trình”. Tuy nhiên, chúng tôi không hiểu tại sao bên cạnh việc cấm đường và thông báo khu vực cấm, bảo vệ "Công trình quan trọng về ANQG” lại bán vé cho khách thăm quan? Bởi về nguyên tắc đã là "Công trình quan trọng liên quan đến ANQG, không cho phép người và phương tiện giao thông đường bộ không có nhiệm vụ ra vào công trình” như thông báo thì không thể cho khách thăm quan ra vào được.
Còn ông Nguyễn Quang Trung ở phường Tân Thịnh thì nêu quan điểm: Việc cho khách vào thăm quan công trình trọng điểm liên quan đến ANQG, chúng tôi chẳng rõ các anh có biện pháp nghiệp vụ gì để phân loại người xấu, người tốt ngay vòng ngoài không cho mang vũ khí, vật liệu nổ vào trong nhà máy. Chúng tôi một thời cũng "Vinh quang những người thợ sông Đà”. Lúc đấy với khẩu hiệu nghẹt thở "81 hay là chết” vì thuỷ điện sông Đà, chúng tôi đã làm việc bất kể ngày đêm. Đã có 168 đồng nghiệp của chúng tôi hy sinh, nằm lại vĩnh viễn tại công trình. Bây giờ những tấm lòng tri ân đến thắp cho họ nén hương, các anh cũng thu của họ 20.000 đồng. Thử hỏi như vậy đã đúng chưa?.
Về vấn đề này, theo một lãnh đạo phòng chức năng Công an tỉnh thì: Đúng là có sự mâu thuẫn khi theo quy định hiện nay không cho phép người và phương tiện giao thông đường bộ không có nhiệm vụ ra vào khu vực công trình, nhưng đối với khách thăm quan khi bỏ tiền ra mua vé thì lại được vào. Về góc độ đảm bảo an ninh thì việc duy trì hoạt động DVTQ tại NMTĐ Hoà Bình đương nhiên sẽ không thể toàn vẹn 100%.
Đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép?
Với việc Công ty TĐHB tiếp tục duy trì hoạt động DVTQ tại công trình NMTĐ Hoà Bình sau khi thực hiện Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 20/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận công trình này là công trình quan trọng liên quan đến ANQG, nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu hoạt động này có được phép của các bộ, ngành chức năng và sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ? Qua tìm hiểu được biết, sau khi được công nhận công trình quan trọng liên quan đến ANQG, NMTĐ Hoà Bình phải chịu sự ảnh hưởng, quyết định, chi phối của các Pháp lệnh, nghị định, thông tư, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư. Như Pháp lệnh về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến ANQG, Nghị định số 126/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 và Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 20/1/2017 của Chính phủ. Như vậy, theo Nghị định số 126/2008/TTg-CP về góc độ quản lý Nhà nước các công trình quan trọng liên quan đến ANQG được giao cho Bộ Công an. Do vậy, theo nguyên tắc, khi tổ chức DVTQ, Công ty TĐHB phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Công an. Nếu như trước đây Công ty TĐHB tổ chức DVTQ thì không cần phải có sự đồng ý của Bộ Công an. Nhưng bây giờ, khi NMTĐ Hoà Bình được công nhận là công trình quan trọng liên quan đến ANQG thì phải Bộ Công an cho ý kiến về việc có được làm hay không được làm DVTQ thì mới đảm bảo theo quy định của pháp luật. Sau khi được Bộ Công an đồng ý cho làm DVTQ thì Công ty TĐHB mới xây dựng phương án giá đề xuất lên Tập đoàn Điện lực để trình Bộ Tài chính và Bộ VH-TT&DL phê duyệt theo thẩm quyền. Bởi lẽ, Công ty TĐHB là doanh nghiệp T.Ư đóng trên địa bàn tỉnh. Mọi hoạt động của Công ty đều chịu sự chi phối, quản lý của các bộ, ngành, cơ quan T.Ư chủ quản. Về phía tỉnh chỉ quản lý về mặt Nhà nước trên địa bàn như đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH, bố trí đất đai và tham gia ý kiến với các bộ, ngành trước khi phê duyệt các chương trình, đề án... có liên quan đến Công ty.
Trả lời câu hỏi việc đã được cơ quan có thẩm quyền đồng ý, cho phép tổ chức triển khai hoạt động DVTQ sau khi NMTĐ Hoà Bình được công nhận là công trình quan trọng liên quan đến ANQG hay chưa? Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Trung tâm dịch vụ - Công ty TĐHB cho biết: Hiện nay, việc tổ chức cho người dân thăm quan công trình là Công ty vẫn tiếp tục làm như trước khi có Quyết định số 99/QĐ-TTg theo nhiệm vụ của Công ty đã được Tập đoàn Điện lực giao. Điều này cũng đã được thể hiện trong đăng ký kinh doanh của đơn vị. Quá trình thực hiện công tác hướng dẫn, thăm quan, Công ty đã phối hợp với Công an tỉnh bảo đảm an toàn tuyệt đối, chưa để xảy ra bất kỳ sự cố nào liên quan đến lĩnh vực an ninh. Trên thực tế, khi thực hiện Quyết định số 99/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì không được phép cho khách vào thăm quan, nhưng ở đây, việc tổ chức DVTQ là thực hiện theo sự thoả thuận giữa Công ty và Công an tỉnh.
"Quá trình tổ chức để đảm bản an toàn, an ninh cho công trình, Công ty và Công an tỉnh đã có quy chế về hướng dẫn thăm quan kèm theo. Vừa rồi, Công ty và Công an tỉnh ký kết quy chế phối hợp, phía Công an tỉnh vẫn đồng ý cho việc tổ chức thăm quan công trình nhưng chúng tôi vẫn phải đảm bảo đặt yếu tố an toàn cho mục tiêu lên hàng đầu”, ông Tuấn nói.
Công trình NMTĐ Hoà Bình đã trở thành công trình quan trọng liên quan đến ANQG. Vấn đề đảm bảo an toàn cho công trình phải được đặt lên hàng đầu. Do vậy, việc tổ chức DVTQ cho người dân vào thăm quan công trình của Công ty TĐHB đúng với tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị định số 126/2008/TTg - CP và Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 20/1/2017 hay chưa cần phải được các cấp có thẩm quyền xem xét, làm rõ. Bởi lẽ, khi đã được đưa vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến ANQG thì vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho công trình phải được đặt lên hàng đầu. Tuy vậy, ở góc độ nào đó, các cấp có thẩm quyền cũng cần xem xét việc đảm bảo sự hài hoà giữa QP-AN với phát triển KT-XH địa phương.
P.V