(HBĐT) - Là một trong những hộ gia đình ở tổ 26, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) chịu thiệt hại nặng nề khi toàn bộ ngôi nhà bị đổ sập xuống sông Đà trong đợt mưa lũ xảy ra cuối tháng 7, đầu tháng 8/2018. Sau khi được UBND thành phố cấp đất ở nơi tái định cư tại phố Ngọc, xã Trung Minh, gia đình chị Vân, anh An đã vất vả vay mượn anh em họ hàng, bạn bè xây được ngôi nhà gọi là có chỗ để ở. Khi ngôi nhà cất nóc cũng là lúc chị Vân tìm được việc làm đi trông trẻ thuê. Từ đó, ngôi nhà mới của anh chị chỉ sáng điện khi bắt đầu chiều muộn...


Chưa biết sẽ kiếm sống kiểu gì

Dù là công việc luôn phải đi sớm về muộn, mức lương không đáng là bao nhưng chị Vân còn may mắn hơn nhiều người khi bị sạt lở mất nhà cửa, tài sản phải chuyển về khu tái định cư này. Bởi theo như bà Lê Thị Bình, một người dân bị sạt lở mất nhà tại tổ 26, phường Đồng Tiến chuyển cư về khu tái định cư xã Trung Minh thì: trong gần 30 hộ dân chuyển cư về đây, hầu hết chưa biết phải làm gì để lo cuộc sống gia đình. Hiện nay, nhiều hộ vẫn tập trung xây dựng nhà, lấy chỗ ở ổn định.

Tuy vậy, trao đổi với chúng tôi, anh Dương Mạnh Cường - một hộ dân bị sạt lở nhà ở tổ 26 cho biết: Ở đây, hầu hết các gia đình khi còn ở nơi ở cũ, do có mặt bằng kinh doanh thuận lợi nên đều làm nghề sửa chữa, mua bán phụ tùng ôtô, xe máy. Do vậy, sau khi chuyển về đây, xa mặt đường, không có mặt bằng để mở các xưởng kinh doanh dịch vụ như trước nữa nên chưa ai biết là sẽ làm gì để sinh sống. Như gia đình tôi, trước đây do có mặt bằng nhà xưởng rộng, lại nằm ngay mặt đường nên đã vay mượn đầu tư mở xưởng sửa chữa xe máy. Do có vị trí thuận lợi, hàng tháng đều có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, kể từ khi nhà cửa và phần lớn diện tích xưởng sữa chữa kinh doanh dịch vụ bị sập lở xuống sông thì gia đình chẳng có nguồn thu nhập nào khác. Hiện tại, cả gia đình với 4 nhân khẩu gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Do không có tiền và không vay mượn được nên ngôi nhà tại khu tái định cư của gia đình vẫn xây dựng dang dở.


Hộ dân bị sạt lở, mất nhà tại tổ 26, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) tập trung xây dựng nhà ở tại nơi tái định cư phố Ngọc, xã Trung Minh.

Chị Cao Thị Hoa chia sẻ thêm: Trước đây, gia đình tôi có xưởng sửa chữa xe ô tô với diện tích hơn 100 m2 tại khu vực tổ 26, phường Đồng Tiến. Trong đợt mưa lũ xảy ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2018, nhà và 2/3 diện tích xưởng của gia đình đã bị sạt lở xuống sông. Từ chỗ đang có cuộc sống với thu nhập ổn định bỗng nhiên trở thành trắng tay. Đang là chủ thì nay chồng chị lại phải đi làm thuê cho các xưởng sửa chữa trong khu vực để đảm bảo cuộc sống gia đình.

Cần sự hỗ trợ để người dân tái định cư ổn định cuộc sống lâu dài

Trò chuyện với chúng tôi về việc hỗ trợ sinh kế cho các hộ chuyển đến tái định cư tại nơi ở mới, ông Nguyễn Văn Chung, một người dân ở khu tái định cư cho rằng: Với thực tế hiện nay, bảo chúng tôi làm gì để ổn định cuộc sống lâu dài cũng khó. Bởi trước khi chuyển về đây, hầu hết các hộ đều làm nghề dịch vụ mua bán phụ tùng, sửa chữa ô tô, xe máy. Do vậy, bây giờ chuyển đổi sang ngành nghề khác cũng khó. Mà nếu có chuyển đổi thì cũng không có điều kiện vì tại khu tái định cư, các hộ chỉ được cấp đất đủ để ở chứ không thể làm việc gì khác được. Hơn nữa, đây cũng không phải là vị trí thuận lợi để tiếp tục kinh doanh, mở xưởng dịch vụ sửa chữa ô tô, xe máy như các hộ vẫn làm từ hàng chục năm qua.

Chị Cao Thị Hoa mong muốn: Thiên tai không may xảy ra đối với chúng tôi, đó là điều chẳng ai mong muốn. Cũng rất mừng là ngay sau đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp từ đã hỗ trợ tích cực, kịp thời, giúp chúng tôi sớm có nơi ăn ở, từng bước ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong điều kiện, hoàn cảnh của chúng tôi hiện nay thì cái khó nhất vẫn là nguồn vốn để đầu tư, thuê mượn địa điểm tổ chức lại hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán phụ tùng, sửa chữa ô tô, xe máy. Bây giờ để vay vốn ngân hàng thì cần có tài sản thế chấp. Do vậy, chúng tôi cũng rất mong chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ và sớm triển khai hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nơi ở mới, để chúng tôi làm cơ sở vay vốn ngân hàng, thuê địa điểm, tái đầu tư mở lại xưởng sửa chữa, kinh doanh.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, đồng chí Nguyễn Tiến Quý, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hòa Bình về việc đăng ký các mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế cho các hộ di dân chuyển đến tái định cư tại nơi ở mới sớm được ổn định cuộc sống, UBND phường đã tổ chức khảo sát, điều tra thực trạng ngành nghề phát triển sản xuất của các địa phương cho các hộ dân di dân trên địa bàn trước và sau khi di chuyển tái định cư tại nơi ở mới. Đồng thời cũng đã tổ chức họp các hộ có nhà, xưởng bị sạt lở xuống sông Đà để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các hộ, từ đó đề xuất mô hình sản xuất, hỗ trợ sinh kế. Trong quá trình đối thoại và tham vấn, hầu hết các hộ đều có mong muốn và đề xuất được hỗ trợ vay vốn phát triển ngành nghề kinh doanh dịch vụ như trước. Về vấn đề này UBND phường đã báo cáo UBND thành phố đề xuất với Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ các gia đình thuộc diện di dân do sạt lở tại tổ 26, phường Đồng Tiến được tiếp cận nguồn vốn chính sách cũng như đề nghị UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp các hộ tái đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Đây cũng là mong muốn của người dân tổ 26, phường Đồng Tiến khi về nơi ở mới.


Mạnh Hùng


Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục