(HBĐT) - Dù được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng từ tháng 10/2010 và tổ chức triển khai thực hiện từ năm 2011. Tuy nhiên, do quá trình khảo sát, thiết kế khảo sát không kỹ dẫn đến phải điều chỉnh lại quy mô đầu tư nhiều lần, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đến nay, sau gần 8 năm triển khai thực hiện, dự án đầu tư xây dựng ổn định dân cư vùng thiên tai xóm Thỏi, xã Phú Vinh (Tân Lạc) mới hoàn thành hạng mục... san lấp mặt bằng.


Tính đến nay, sau gần 8 năm triển khai thực hiện, dự án đầu tư xây dựng ổn định dân cư vùng thiên tai xóm Thỏi, xã Phú Vinh do UBND huyện Tân Lạc làm chủ đầu tư mới chỉ hoàn thành hạng mục san lấp mặt bằng.

Năm nào cũng phải chạy lũ

Xóm Thỏi, xã Phú Vinh hiện có 70 hộ, nằm lọt thỏm trong thung lũng nhỏ. Với địa hình trũng, thấp hơn so với các khu vực xung quanh, do vậy, mỗi khi trời mưa, xóm Thỏi trở thành "rốn” đón nước từ các xóm: Sung, Mùi, Khiềng, xã Phú Cường; xóm Thưa, xã Phú Vinh (Tân Lạc) và xóm Láo, xã Ba Khan (Mai Châu).

Anh Bùi Văn Khuyện, Trưởng xóm Thỏi chia sẻ: Với đặc thù là địa bàn thấp, trũng so với khu vực xung quanh nên cứ đến mùa mưa là người dân trong xóm lại thấp thỏm chạy lũ. Sau trận lũ năm 2007, hơn một nửa hộ dân trong xóm bị ngập sâu trong nước. Hơn 1 tuần nước mới rút. Từ thực tế đó, Nhà nước đã có chủ trương xây dựng khu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng ngập lụt. Khi có chủ trương đó, người dân chúng tôi rất vui mừng, ngóng chờ từng ngày để có được nơi ở mới an toàn. Tuy nhiên, dù dự án đã được Nhà nước đầu tư xây dựng nhưng từ đó đến nay vẫn chưa xong. Mỗi năm người dân lại thấp thỏm lo chạy lũ. Bình quân mỗi năm ở đây phải gánh chịu từ 2 - 3 trận mưa lũ gây ngập lụt.

Là hộ nằm ở vùng thấp nên hầu như năm nào gia đình chị Bùi Thị Út (sinh năm 1982) cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập lụt do mưa lũ. Đợt mưa lũ xảy ra vào trung tuần tháng 7/2018, nước mưa từ các nơi cao dồn về gây ngập úng trên diện rộng. Tại xóm Thỏi, nhiều hộ bị cô lập, không thể tiếp cận được. Trong đó, gia đình chị Út nước ngập qua mái ngôi nhà sàn dù trước đó đã được kê cao thêm 50cm.

Chỉ vào ngôi nhà sàn xiêu vẹo cũ nát do ảnh hưởng từ những lần chịu ảnh hưởng từ ngập lụt, mưa lũ, chị Út nói như khóc: Nhà mình thuộc diện hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xóm. Năm nào cũng phải 2 - 3 lần chạy ngập lụt. Lần nào ngập nhẹ thì nước dâng lên lưng nhà, nặng thì ngập lên tận mái. Mùa mưa đến cứ phải lo chạy lũ, có tập trung làm ăn được gì đâu. Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mong Nhà nước sớm hoàn thành khu tái định cư để chuyển về nơi ở mới, chứ cứ sống như thế này thì khổ lắm...

Bà Bùi Thị Diện (70 tuổi) thì chao chát: Cứ trời đổ mưa to là chúng tôi lại lo chạy lũ. Ngày trước còn rừng đầu nguồn ở các xóm phía trên thì đâu có bị như thế này, nếu trời mưa to nước suối cũng chỉ dâng lên từ từ, không gây ra tình trạng lũ ống, lũ quét như bây giờ. Giờ chỉ cần phía đầu nguồn mưa to kéo dài khoảng 5 - 7 tiếng thì sau 1 đêm, nước đã ngập tràn qua sàn nhà dân, gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng của chúng tôi.

Triển khai gần 10 năm, mới chỉ xong mặt bằng

Khu tái định cư ổn định dân cư vùng thiên tai xóm Thỏi được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo Quyết định số 1903/QĐ-UBND ngày 28/10/2010. Theo quyết định này, công trình có quy mô đầu tư san mặt bằng khoảng 3 ha; xây dựng khoảng 3 km đường ống cấp nước sinh hoạt và đầu nối vào hệ thống cấp nước sinh hoạt cũ của xóm; kiên cố khoảng 2 km đường dân sinh liên xóm; xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và các hạng mục phụ trợ nhằm di dời và sắp xếp chỗ ở cho 45 hộ dân trong xóm. Công trình có tổng mức đầu tư dự kiến 15 tỷ đồng bằng nguồn vốn T.Ư hỗ trợ Chương trình ổn định dân cư vùng thiên tai vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 193/QĐ-TTg và các nguồn vốn khác. Công trình này được giao cho UBND huyện Tân Lạc làm chủ đầu tư và tổ chức thực hiện từ năm 2010. Sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý, ngày 21/2/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án. Theo quyết định này đã xác định tổng mức đầu tư xây dựng gần 15 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 11 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên tổng diện tích 3,32 ha.

Tuy nhiên, theo đồng chí Đinh Duy Khải, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Tân Lạc thì quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, huyện đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh một số hạng mục đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế. Tại Quyết định số 1908/QĐ-UBND, ngày 12/12/2012, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục của dự án. Theo quyết định đã điều chỉnh các hạng mục đường giao thông liên xóm; hạng mục cấp nước sinh hoạt. Đặc biệt là điều chỉnh hạng mục san lấp mặt bằng khu dân tư từ chỗ san lấp 2 khu như đã duyệt với tổng diện tích 3,32 ha, điều chỉnh thành 1 khu tập trung với tổng diện tích 2,7 ha cùng một số hạng mục công trình hạ tầng trong khu dân cư. Ngoài ra cũng cắt giảm hạng mục nhà sinh hoạt cộng đồng và một số hạng mục phụ trợ như nhà vệ sinh, bể nước, sân bê tông, sân cầu lông...

Tiếp đó, tháng 6/2017, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 932/QĐ-UBND điều chỉnh một số hạng mục đã phê duyệt trước đó. Đáng kể nhất là điều chỉnh khối lượng đào đất, phá đá phần san nền trước đó đã được phê duyệt phá đá cấp 4 từ 47,2%, đào đất cấp 3 là 52,8% đã phê duyệt thành phá đá cấp 4 là 90%, đào đất cấp 3 là 10%... Dù vậy, theo đồng chí Bùi Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh, hiện nay dự án mới chỉ hoàn thành hạng mục san lấp mặt bằng. Các hạng mục xây dựng khác vẫn chưa được nhà thầu triển khai thực hiện.

Trước tình trạng chậm tiến độ thực hiện dự án, người dân xóm Thỏi, xã Phú Vinh và các đại biểu thuộc tổ đại biểu HĐND huyện Tân Lạc ứng cử tại xã Phú Vinh đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại của công trình và sớm bàn giao mặt bằng cho hộ dân về nơi ở mới, ổn định cuộc sống. Trả lời kiến nghị của cử tri, về phía UBND huyện Tân Lạc nêu rõ: Nguyên nhân của tình trạng này, theo UBND huyện Tân Lạc là do quá trình khảo sát, thiết kế khảo sát không kỹ dẫn đến phải điều chỉnh lại quy mô đầu tư nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đến nay, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành phần san lấp mặt bằng. Còn một số hạng mục như đường nội bộ, nước sinh hoạt, điện chưa thi công. Nguyên nhân là do năng lực của nhà thầu yếu kém, hiện nay đã tạm dừng thi công. UBND huyện đang tập trung đôn đốc nhà thầu thi công khẩn trương triển khai tiếp các hạng mục còn lại.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Duy Khải, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Tân Lạc cho biết thêm: Hiện nay, song song với việc đôn đốc nhà thầu triển khai hoàn thiện các hạng mục còn lại, huyện chỉ đạo các ngành tập trung hoàn thiện các thủ tục, trước mắt bàn giao mặt bằng cho các gia đình để dựng nhà, ổn định cuộc sống. Còn các hạng mục công trình hạ tầng, huyện sẽ đôn đốc nhà thầu tập trung thi công, hoàn thiện và hoàn thành việc bàn giao đất cho các hộ dân làm nhà xong trước mùa mưa năm 2019.

Đó cũng là mong mỏi của người dân xóm Thỏi trong nhiều năm qua!

 

                                                                                Mạnh Hùng

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục