Năm nay, tại Hoàng Sơn PLAZA thuộc phường Đồng Tiến (thành phố Hòa Bình) vẫn duy trì triển khai chương trình bình ổn giá dịp Tết với 9 nhóm hàng hóa thiết yếu được doanh nghiệp (công ty Cổ phần đầu tư Sơn Anh) dự trữ, cung ứng. Chị Vũ Thị Trang, người lao động đang tạm trú tại tổ 8, phường Tân Hòa (thành phố Hòa Bình) cho biết: Tết cũng đã rất gần, tôi tranh thủ thời gian nghỉ để sang đây mua sắm Tết. Tôi thấy cũng như giờ này năm ngoái, hàng hóa ở Hoàng Sơn PLAZA phong phú và hợp lý về giá cả. Nhất là đối với những mặt hàng trong chương trình bình ổn giá như mì chính, nước mắm, gạo, dầu ăn luôn bán với giá bằng, thậm chí thấp hơn so với ngoài thị trường. Vì vậy, tôi là khách hàng thường xuyên mua sắm hàng hóa tại Hoàng Sơn PLAZA.
Trao đổi với chúng tôi tại khu vực bán hàng bình ổn giá Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 của AP PLAZA, cụ Phạm Văn Tuệ, 80 tuổi ở phường Tân Thịnh (thành phố Hòa Bình) phấn khởi: Tuổi đã cao nên đi siêu thị, trung tâm thương mại không khí không quá chen chúc, ồn ào, lại có cái thú thong dong tận hưởng không khí mua sắm Tết nên trong lòng tôi rất vui, háo hức. Hàng hóa Tết tại điểm bán bình ổn rất phong phú, hình thức bắt mắt. Nhiều thứ mà người tiêu dùng cần thiết mua sắm trong dịp này thì đều có giá cả ổn định nên rất yên tâm như mứt Tết, bánh, kẹo, rượu...
Người tiêu dùng đến mua sắm hàng hóa chương trình bình ổn giá tại Hoàng Sơn PLAZA.
Theo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi thì 3 - 4 dịp Tết gần đây, các doanh nghiệp đã chủ động đăng ký tham gia chương trình bình ổn và thực hiện đúng phương án đã đăng ký, cam kết, bao gồm công ty TNHH Anh Phong, công ty Cổ phần Đầu tư Sơn Anh và công ty Cổ phần Thương mại Định Nhuận. Các mặt hàng bình ổn tập trung ở 9 nhóm hàng chủ yếu có sức tiêu thụ lớn trong dịp Tết là lương thực, thực phẩm, dầu ăn các loại, bột ngọt, nước chất, sữa, nước giải khát. rượu, bia. Đặc biệt, ngoài 31,17 tỷ đồng nguồn vốn cam kết cho chương trình Bình ổn giá, các doanh nghiệp còn dành thêm vốn dự trữ, mở rộng quy mô giúp tăng hiệu ứng của chương trình. Đơn cử như công ty Cổ phần Thương mại Định Nhuận đã chuẩn bị nguồn hàng Tết 100 tỷ đồng, tập trung ưu tiên cho người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với hệ thống trên 1.500 cửa hàng. Hàng hóa cung ứng đến người dân đảm bảo về chất lượng với giá tốt, cạnh tranh.
Không chỉ khắc phục tình trạng thiếu hàng gây "sốt" giá dịp Tết, Chương trình bình ổn giá được các doanh nghiệp thương mại thực hiện vào dịp Tết đã và đang tạo lập được mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, tạo nguồn hàng ổn định cung ứng cho thị trường. Đồng chí Hoàng Đức Chính, Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: Chương trình bình ổn thị trường cũng góp phần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với tỷ lệ 100% hàng hóa tham gia chương trình mang thương hiệu Việt. Từng bước hình thành mạng lưới phân phối hàng Việt Nam nói chung, hàng bình ổn thị trường nói riêng theo hướng văn minh, hiện đại.
Hệ thống bán hàng bình ổn đồng thời góp phần quan trọng trong việc giúp người nghèo, thu nhập thấp tiếp cận được với những mặt hàng bình ổn giá. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các Ban, Ngành trong tỉnh đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, mở rộng mạng lưới Điểm bán hàng bình ổn tại khu vực các huyện, các khu công nghiệp, tạo điều kiện để nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, người có thu nhập thấp, công nhân được tiếp cận gần hơn, hưởng lợi nhiều hơn hàng hóa có giá bình ổn.