(HBĐT) - Seollal là Tết truyền thống theo âm lịch của Hàn Quốc. Cùng với Việt Nam và một số nước châu Á khác, "xứ sở kim chi” quê hương của ông Song Hwa Sup đang giữ phong tục đón Tết cổ truyền theo âm lịch. "Đây là kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm và có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân Hàn Quốc nên tôi luôn lựa chọn trở về quê hương để được đoàn tụ với gia đình...” - Ông Song Hwa Sup cho biết. Cũng như bạn mình, ông Kim Myoung Dong luôn trở về Hàn Quốc mỗi dịp lễ Seollal. Sau một năm làm việc xa nhà, đối với họ - những doanh nhân Hàn Quốc đang làm việc tại Hòa Bình, Seollal mang trọn ý nghĩa là ngày Tết đoàn viên vô cùng quý giá.


 Trước khi về quê ăn Tết, ông Song Hwa Sup và ông Kim Myoung Dong vui vẻ trò chuyện với công nhân trẻ đang làm việc tại HNT Vina.


 Seollal - Tết đoàn viên 

Ông Song Hwa Sup là Giám đốc nhà máy/Bộ phận sản xuất của Công ty TNHH HNT Vina (100% vốn Hàn Quốc). Công ty đang đầu tư dự án nhà máy HNT Vina tại Khu công nghiệp Lương Sơn, chuyên sản xuất camera module dành cho điện thoại di động với công suất 180 triệu sản phẩm/năm. Bắt đầu khởi công xây dựng từ tháng 1/2014, đến tháng 9/2014, nhà máy chính thức đi vào hoạt động sản xuất, hiện nay giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động. Đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tiêu biểu đã được triển khai thành công tại Hòa Bình, cho thấy chiến lược hiệu quả của HNT Vina khi quyết định đầu tư nhà máy tại KCN Lương Sơn.

 Gắn bó với HNT Vina ngay từ những ngày đầu khởi công nhà máy đến giờ, ông Song Hwa Sup đã làm việc tại Hòa Bình được hơn 4 năm. Trong thời gian đó, ông thường xuyên ở lại Việt Nam và bị cuốn theo guồng quay của công việc. Ở đây quá bận rộn nên chẳng mấy khi ông về Hàn Quốc sum họp với gia đình. Chỉ có dịp Tết Âm lịch - gần như là dịp duy nhất trong năm ông Song trở về nhà đoàn tụ và nghỉ ngơi theo đúng nghĩa.

 "Vì trùng với lịch Tết Nguyên đán của các bạn nên tiếc rằng, chưa năm nào tôi ở lại Việt Nam ăn Tết” - ông Song Hwa Sup tâm sự. Mặc dù rất yêu đất nước hình chữ S và muốn trải nghiệm những giá trị Tết ở nơi mình đã làm việc suốt mấy năm nay, nhưng ông Song luôn lựa chọn trở về Hàn Quốc mỗi khi Tết đến. Bởi cũng như người Việt, Tết cổ truyền đối với người Hàn có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng. Đó là kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm để mọi người, mọi nhà được đoàn tụ. Hơn bất cứ lúc nào, Tết chính là khoảng thời gian vô giá dành cho gia đình. Theo truyền thống hướng về gia đình trong những ngày đầu năm mới âm lịch, người dân xứ kim chi sẽ thực hiện các nghi lễ, sau đó cùng nhau đi thăm họ hàng, người thân, bạn bè, tham gia các trò chơi và thưởng thức các món ăn truyền thống nhằm gắn kết sâu đậm hơn các mối quan hệ thân tình.

 Đặc biệt, trong sáng mùng 1 Tết, các gia đình người Hàn sẽ tiến hành nghi lễ cúng tổ tiên gọi là "Chesa” do trưởng nam trong gia đình chủ trì. Đồ cúng cùng với rượu gạo được bày trên mặt bàn giữa nhà. Gia chủ thắp hương, khấn mời tổ tiên, cả nhà cùng bái lạy làm lễ. Trong trang phục truyền thống, họ cùng nhau thực hiện nghi lễ hướng về tổ tiên và tri ân đấng sinh thành.

 Đó chính là lý do mà gia đình ông Kim Myoung Dong, Phó Giám đốc điều hành/Bộ phận hỗ trợ quản lý Công ty TNHH HNT Vina luôn trở về Hàn Quốc vào mỗi dịp Tết Âm lịch. Mặc dù mấy năm nay, gia đình nhỏ của ông gồm hai vợ chồng và một người con gái đã chuyển về sinh sống tại Hà Nội để phù hợp với công việc. Nhưng năm nào cũng thế, cả nhà lại trở về Hàn Quốc để đón Tết và làm giỗ bố ông Kim. "Chỉ ở quê hương mới có thể thực hiện được trọn vẹn những nghi thức nhớ ơn đấng sinh thành nên năm nào chúng tôi cũng về Hàn Quốc. Với gia đình tôi, Tết là dịp trở về ý nghĩa nhất mỗi năm” - ông Kim khẳng định.

Mong tiếp tục gắn bó với Hòa Bình

 Vì chưa năm nào ở lại Hòa Bình để trải nghiệm cái Tết truyền thống nên cả ông Song và ông Kim đều có phần nuối tiếc. Đặc biệt với ông Kim Myoung Dong. Sau 4 năm làm việc, ông Kim Myoung Dong cảm thấy nơi đây đã trở nên thân thuộc như chính quê hương ông. Quyết định sẽ gắn bó lâu dài với công việc ở Hòa Bình, ông Kim đã chuyển vợ con sang Việt Nam. Tuy làm việc tại KCN Lương Sơn nhưng nhà ông ở Hà Nội để thuận tiện hơn cho vợ con sinh sống và học tập. Còn bản thân ông đi đi về về trong ngày.

"Khoảng cách không xa, giao thông lại tốt nên tôi đi làm rất tiện” - ông Kim Myoung Dong tâm sự. Ông chia sẻ, theo mong muốn của vợ con nên nhà ông chọn sinh sống tại trung tâm Hà Nội, nếu chỉ đơn thuần theo sở thích cá nhân thì chắc chắn ông sẽ chọn Hòa Bình. Vì môi trường và cuộc sống ở đây rất phù hợp với ông. Thi thoảng ngoài giờ làm việc, ông thích đạp xe lang thang quanh các cánh đồng, vào sâu các xóm bản, hòa mình vào thiên nhiên. "Tôi thấy khung cảnh đồng quê của các bạn bình yên và tươi đẹp hệt như các vùng thôn quê của Hàn Quốc. Nên ngay từ những ngày đầu, tôi đã thấy nơi đây rất quen thuộc. Nó khiến tôi cảm thấy bình yên, thoải mái và nhớ lại những năm tháng tuổi thơ…”.

Ông Choi Beom, Giám đốc Công ty TNHH Global Garment Sourcing Viet Nam (GGS Việt Nam) cũng cảm thấy dễ chịu với cuộc sống ở Hòa Bình. Ông về đây làm việc từ tháng 4/2015 với vai trò là Giám đốc công ty. Trước đó, ông làm Trưởng Văn phòng đại diện GGS tại Việt Nam, công tác tại Hà Nội. Là con người của công việc, ông Choi thường sử dụng gần hết quỹ thời gian trong ngày, thậm chí trong nhiều tuần liên tiếp ông không hề biết đến ngày nghỉ. Thời gian ít ỏi ngoài giờ làm việc mỗi ngày, ông Choi bách bộ trong khuôn viên GGS thuộc KCN bờ trái sông Đà (thành phố Hòa Bình). Cách không xa nơi ông Choi ở là dòng sông Đà mát rượi, đập thủy điện Hòa Bình và khu vực Tượng Bác… đều là những nơi ông Choi yêu thích bởi có không gian thoáng rộng, trong lành.

Năm nay, ông Choi Beom vẫn về quê ăn Tết như mọi năm. Nhưng Tết ở Hàn Quốc chỉ có 3 ngày, trong khi ở Việt Nam kéo dài đến 9 ngày. Vì vậy, ông Choi dự định sẽ tận dụng hết kỳ nghỉ dài nhất trong năm của mình để ở bên gia đình. Hoặc rất có thể, ông sẽ quay trở lại Việt Nam ngay khi Tết ở Hàn kết thúc để tận hưởng không khí lễ hội mùa xuân của Việt Nam. Với nhiều hoạt động chỉ có trong dịp Tết Nguyên đán, đây là khoảng thời gian rất đặc biệt để mở ra một năm mới tốt lành. Những doanh nhân nước ngoài đã nhiều năm gắn bó với Việt Nam như ông Choi Beom thật sự không muốn bỏ qua khoảng thời gian đặc biệt này.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết… Câu chuyện cuối năm trở nên cởi mở và chân tình hơn. Họ - những doanh nhân Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Hòa Bình đang chia sẻ nhiều hơn về những kỷ niệm, những ấn tượng, những niềm vui, những tiếc nuối… của mình trong năm cũ. Và sau tất cả, họ đang nói về những kỳ vọng dành cho năm mới Kỷ Hợi.

 "Công việc đang tiến triển rất tốt tại Hòa Bình…” - ông Choi Beom khẳng định.

 "Tôi mong sẽ gắn bó lâu dài với mảnh đất này…” - ông Kim Myoung Dong chia sẻ.

 "Hiện nay, có 12 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động trong các khu công nghiệp của Hòa Bình. Tôi mong trong năm mới con số này sẽ tăng lên, vì Hòa Bình có môi trường đầu tư rất tốt…” - một người bạn khác trao đổi.

Đôi mắt cương trực và chân tình của họ ánh lên niềm tin. Căn phòng ấm áp hơn nhờ sự tương đồng của những người bạn. Ngoài kia, nắng đang nhảy nhót chơi đùa, cây lá đâm chồi, nảy lộc, như muốn gọi mùa xuân đến sớm.

 


Ông Choi Beom, Giám đốc Công ty TNHH GGS Việt Nam đôn đốc công nhân làm việc hiệu quả trong những ngày giáp Tết


                                                                                   Thu Trang

 

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục