Lãnh đạo xã Giáp Đắt (Đà Bắc) trao giấy chứng nhận gia đình văn hóa 5 năm liên tục cho các hộ gia đình xóm Đắt 1.
Gia đình là tổ ấm, nơi hun đúc tình yêu thương, xây dựng tinh thần trách nhiệm, là nơi lưu giữ các giá trị đạo đức truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, mỗi gia đình hạnh phúc là tiền đề để xã hội phát triển. Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về gia đình, tổ chức nhiều buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, trang bị cho nam giới, nữ giới những kiến thức giữ gìn hạnh phúc gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.
Năm 2018, toàn tỉnh đã treo 3.654 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền; tổ chức 352 hội thi, hội diễn, 82 lượt tuyên truyền bằng xe lưu động, 103 buổi chiếu phim lưu động, 1.369 buổi tọa đàm trao đổi, 1.210 buổi nói chuyện chuyên đề, 1.641 buổi giao lưu văn nghệ, 20 lớp tập huấn bồi dưỡng; xây dựng 654 tin, bài, 89 phóng sự tuyên truyền và nhiều hoạt động tuyên truyền khác về nội dung giáo dục đời sống gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình văn hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em… Từ đó, góp phần nâng cao kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo không khí vui tươi, gắn bó, đoàn kết trong mỗi gia đình và toàn xã hội.
Ngoài ra, năm 2018, toàn tỉnh có 205.491/212.506 hộ đăng ký gia đình văn hóa, trong đó có 174.132 hộ được công nhận gia đình văn hóa (đạt 81,9%). Toàn tỉnh có 110 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và 159 mô hình hoạt động độc lập, 651 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 814 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 1.352 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Các thành viên và các địa phương tổ chức 20 lớp bồi dưỡng liên quan đến công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 275 vụ bạo lực gia đình, trong đó 52,7% vụ bạo lực về tinh thần, 30,9% vụ bạo lực về thân thể, 12% bạo lực về kinh tế, 4,36% bạo lực về tình dục. 225/275 vụ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nữ, chiếm 81,8%.
Đồng chí Nguyễn Thị Anh, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL) cho biết: Nguyên nhân chủ yếu gây ra bạo lực gia đình là do bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; cách giải quyết không phù hợp khi gia đình có mâu thuẫn, xung đột; ảnh hưởng của tai, tệ nạn xã hội. Nhận thức của nhiều người về bình đẳng giới còn hạn chế, thiếu tôn trọng, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ làm phát sinh bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, nên chưa quan tâm đúng mức đến việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các chương trình, đề án về công tác gia đình.
Để đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình và hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh Phúc 20/3, 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Thời gian tập trung cao điểm từ ngày 8 - 20/3. Nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề. Tuyên truyền ý nghĩa lịch sử của ngày Quốc tế Hạnh phúc; chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Nêu gương người tốt, việc tốt, các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; phê phán những biểu hiện, hành vi vi phạm bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.
Thu Thủy