Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để lấy ý kiến người dân. Một trong những nội dung lớn của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này là sửa đổi độ tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng tuổi nghỉ hưu với lộ trình chậm, nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW (ngày 23-5-2018) của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.


Công nhân làm việc trong một xưởng cơ khí tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG

Tại sao điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu?

Theo Ban soạn thảo luật, các nghiên cứu cho thấy, hiện nay, Việt Nam có quy mô, cơ cấu dân số thay đổi theo hướng số người trong độ tuổi có khả năng lao động giảm do tác động của quá trình già hóa dân số, số người phụ thuộc tăng lên (với 44,4% vào năm 2019). Ðồng thời, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động ngày càng tăng. Hiện, tuổi thọ bình quân của nam giới là 72,1 tuổi, của nữ giới là 81,3 tuổi; và cả hai giới tính là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (72 tuổi).

Lực lượng lao động tham gia thị trường lao động của Việt Nam những năm gần đây đang tăng chậm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cuối năm 2013 cả nước có 53 triệu lao động, cuối năm 2018 có 55 triệu lao động. Sau 5 năm, chỉ tăng thêm hai triệu lao động, trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 400.000 lao động. Lực lượng lao động Việt Nam không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và sẽ thiếu hụt trong tương lai. Ðây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến cần sớm hoàn thành lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, trước khi Việt Nam đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới do quá trình già hóa dân số.

Kinh nghiệm, thông lệ của các quốc gia cho thấy, tuổi nghỉ hưu phổ biến là trên 60 đối với nữ, trên 62 đối với nam. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quy định tuổi nghỉ hưu của 176 quốc gia: tuổi nghỉ hưu của nữ phổ biến từ 60 đến 62 chiếm 37,5%; tuổi nghỉ hưu của nam phổ biến từ 60 đến 62 chiếm 47,2%.

Nghị quyết số 28-NQ/TW đã nêu rõ "Ðiều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực". Chính vì thế, căn cứ vào các yếu tố kinh tế - xã hội, trên cơ sở nghiên cứu và thảo luận trong Ðề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội khi Ban cán sự Ðảng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét thông qua Nghị quyết 28-NQ/TW, Ban soạn thảo luật đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60 trong dự thảo Bộ luật Lao động lần này.

Việc sửa đổi Bộ luật Lao động phải thể chế hóa yêu cầu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Ðó là: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung".

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và cụ thể hóa nội dung Ðề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, để bảo đảm tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam, tránh phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, bảo đảm góp phần ổn định chính trị - xã hội, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa hai phương án. Theo đó, với phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với nam và đủ 55 tuổi bốn tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với nam và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi bốn tháng đối với nam và đủ 55 tuổi sáu tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng đối với nam và sáu tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Như vậy, với phương án 1, sau tám năm đối với nam và sau 15 năm đối với nữ; với phương án 2, sau sáu năm với nam và sau 10 năm đối với nữ mới đạt đủ độ tuổi nghỉ hưu này.

Chọn phương án nào?

Dự thảo cũng quy định: Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá năm tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Theo Ban soạn thảo luật, kinh nghiệm của các quốc gia đang điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và khuyến nghị của ILO đối với các nước điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là phải điều chỉnh dần dần để tránh gây sốc cho thị trường lao động. Lộ trình thường thấy ở các nước là một năm tăng ba tháng hoặc một số nước quy định một năm tăng sáu tháng. Một số nước tăng theo lộ trình thận trọng hơn như một năm tăng một tháng hoặc một năm tăng hai tháng.

Việc điều chỉnh dần dần không chỉ cần thời gian cho người lao động và doanh nghiệp thích nghi mà còn cần cho thị trường lao động điều chỉnh. Việc tăng nhanh sẽ dẫn đến sự gia tăng đột ngột số người thất nghiệp, có thể gây bất ổn xã hội. Thực tế cho thấy, một quốc gia có quy mô dân số tương đương dân số của Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động và 400 nghìn người bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên một tuổi/năm, có nghĩa là sẽ có 400 nghìn người tiếp tục làm việc, cho dù ở khu vực nhà nước hay khu vực doanh nghiệp mà bình thường họ sẽ nhường chỗ cho 400 nghìn người mới tham gia thị trường lao động, thị trường lao động sẽ bị tắc nghẽn. Sau hai năm, con số này sẽ là khoảng 800 nghìn người, và mức độ tắc nghẽn sẽ tăng lên. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động còn đang dồi dào nên lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chậm sẽ chỉ làm dòng chảy của thị trường lao động chậm lại đôi chút chứ không tắc nghẽn như phương án điều chỉnh nhanh.

Lộ trình điều chỉnh tuổi chậm có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp. Lựa chọn phương án điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể dẫn đến số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đột ngột, gây ra những vấn đề xã hội bức xúc. Nâng tuổi nghỉ hưu nhanh cũng có thể tạo ra tâm lý không hài lòng đối với một bộ phận lớn người lao động, nhất là trong các doanh nghiệp.

Theo Ban soạn thảo, qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến đề xuất chọn phương án 1. Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Tuy nhiên, phương án 1 được xem là có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp thông lệ quốc tế.

Theonhandan

Các tin khác


Khách tố resort "chém"150.000 đồng/trái dừa, resort nói giá đã niêm yết

Sáng 1-5, đoàn kiểm tra liên ngành TP Vũng Tàu đã làm việc với người quản lý của một resort xung quanh thông tin cơ sở này bán 150.000 đồng một trái dừa.

Giao thông căng thẳng tại hai thành phố lớn sau nghỉ lễ

Chiều 1-5, sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, người dân khắp nơi đổ dồn về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khiến các cửa ngõ, các bến xe của hai thành phố lớn trở nên đông đúc.

Bắt xe khách 42 chỗ nhồi nhét đến 73 người

Cục CSGT cho biết những ngày qua, đường dây nóng của cục nhận được nhiều tin báo xe khách vi phạm, có trường hợp xe khách 42 chỗ nhưng nhồi nhét đến 73 người.

Triển khai Kế hoạch xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” và công tác an sinh xã hội năm 2019

(HBĐT) - Ban quản lý Quỹ "Vì người nghèo” - Ủy ban MTTQ tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 131, ngày 12/4/2019 về xây dựng Quỹ "Vì người nghèo” và công tác an sinh xã hội năm 2019.

Tai nạn giao thông tăng trong ngày thứ 2 nghỉ lễ làm 20 người chết, 18 người bị thương

Ngày 28-4, ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, cả nước 25 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 18 người; tăng khá mạnh so với 19 vụ tai nạn giao thông làm 16 người chết và 15 người bị thương trong ngày 27-4

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục