Tuyến đường được cải tạo bắt đầu từ km14+200 thuộc địa phận quận Hà Đông đến điểm cuối tại km38+00 thị trấn Xuân Mai, tiếp giáp với huyện Lương Sơn (Hòa Bình) với tổng chiều dài là 20,9 km.
Với mức vốn đầu tư gần 430 tỉ đồng từ ngân sách thành phố, thời gian thực hiện dự án theo kế hoạch từ năm 2012 - 2014 nhưng đến nay tuyến đường này vẫn chưa hoàn thiện, gây cản trở rất lớn đến đời sống của người dân trong khu vực.
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, đoạn đường dài 2,3km qua địa bàn thị trấn Chúc Sơn vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng. Những đống đá sỏi, khối bê tông được tập kết tại 2 bên đường. Các hào hố trong quá trình giải phóng mặt bằng trên tuyến đường hiện vẫn chưa được san lấp vẫn còn nguyên hiện trạng, gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân.
Tuyến đường 2.3km trên Quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn Chúc Sơn thi công 8 năm chưa xong.
Chị Đặng Thị Quý (SN 1983), người sinh sống, buôn bán dọc tuyến đường cải tạo nói: "Công trình thi công đến nay đã được 7-8 năm nhưng vẫn chưa được hoàn thiện. Nhà tôi phải bắc cầu gỗ lấy đường qua đường lại. Việc đi đứng khó khăn đã đành, đường xá lởm chởm đất sỏi thế này nên việc kinh doanh của gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng cũng phải chịu”.
Chị Quý cho biết, nhiều hộ dân trong khu vực cũng đều phải bắc cầu tre, cầu gỗ nối ra trục đường chính giống như nhà chị. Khó khăn bất tiện là vậy, mỗi mùa bão lũ đến thì vùng này đều ngập hết, các hố trũng chưa được lấp đất cũng tràn ứ nước rất nguy hiểm cho người qua lại, đặc biệt là trẻ nhỏ.
"Nhà tôi đã giao mặt bằng cho phía nhà đầu tư nhưng đến nay tuyến đường vẫn chưa được hoàn thiện. Nhà hộ dân vẫn chưa được giải tỏa, tôi muốn đi ra đường lớn thì phải đi qua cái thang gỗ rất bất tiện. Mong tuyến đường này nhanh chóng làm xong để các hộ dân được ổn định cuộc sống” - ông Nguyễn Hữu Tăng (SN 1957) bày tỏ.
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Phan Đức Hoạt (SN 1948), Tổ trưởng tổ dân phố Tiên Sơn, thị trấn Chúc Sơn cho biết, ông và người dân ở đây cũng rất mong muốn rằng dự án sẽ nhanh chóng được hoàn thiện để các hộ dân ổn định cuộc sống. Người dân an tâm làm ăn, buôn bán, đường đi được thuận lợi, không phải bắc cầu gỗ qua đường rất bất tiện.