Tung tin giả,hậu quả thật
Ngày 8.2.2019, facebooker Diệp Xuân Hạ đăng status cho rằng siêu thị Aeon tại TPHCM đang bán mỹ phẩm của nhãn hàng Sakura là kem trộn, không được sản xuất tại Nhật Bản. Toàn bộ bài viết facebooker này không hề đưa ra một chứng cứ mà chỉ dựa trên quan điểm cá nhân. Sau đó, bài viết này đã có hàng trăm bình luận xấu và bị chia sẻ qua nhiều trang fanpage khác. Trang của Diệp Xuân Hạ có hơn 20.000 người theo dõi nên thông tin có sức lan toả mạnh mẽ. Sau đó, liên tục siêu thị Aeon nhận được phản hồi từ khách hàng gây thiệt hại không nhỏ đến uy tín cũng như doanh thu.
Trước đó, Cty TNHH Happy Secret (địa chỉ trụ sở tại số 21 Phan Bội Châu, phường 14, quận Bình Thạnh, TPHCM), đơn vị sở hữu thương hiệu mỹ phẩm Top White cho biết, thời gian qua Công ty bị một số cá nhân đưa thông tin xuyên tạc, bôi nhọ uy tín thương hiệu Top White cũng như xâm hại đến quyền lợi các đại lý của Công ty trên mạng xã hội Facebook và YouTube… Ngoài việc lập trang web giả mạo, bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín Công ty Happy Secret, các đối tượng đã dùng những lời lẽ thô tục, mang tính chất lăng mạ, miệt thị, hăm dọa giết người trực tiếp nhắm vào bà Cao Thị Thùy Dung - Giám đốc điều hành Công ty Happy Secret.
Sở TTTT Nghệ An cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trần Tuấn Vĩnh (SN 1990), trú tại khối 2, thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An về hành vi cung cấp nội dung sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự cá nhân. Trần Tuấn Vĩnh tung tin không đúng sự thật trên mạng xã hội về một doanh nghiệp sản xuất bia rượu, nước giải khát đã bán cổ phần cho Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - GĐ kinh doanh miền Bắc Cty CP sản xuất hoá mỹ phẩm CHC (Hà Nam), hiện các DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh, cùng đó lại phải đối phó với hàng nhái, hàng giả và cạnh tranh "bẩn” của mạng xã hội. Một số đối tượng đã dùng mạng xã hội để "bôi bẩn” các sản phẩm hàng hoá gây hoang mang cho người tiêu dùng và mất uy tín của sản phẩm có chất lượng.
Khó xử lý
Hiện nay việc mở các trang mạng quá dễ dàng, các đối tượng thường sử dụng tên và nick ảo, nhiều trường hợp xảy ra không biết chủ tài khoản ở đâu.Nhiều DN cho rằng, cơ quan quản lý cần có quy định khi mở tài khoản mạng xã hội phải đăng ký đầy đủ các thông tin: Số điện thoại, hộ khẩu và căn cước công dân...Nếu không, nhiều người sẽ lợi dụng tính ẩn danh của mạng xã hội để tung tin thất thiệt vì gây thiệt hại cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Theo luật sư Đỗ Viết Hải - Cty Luật hợp danh Sự thật, việc "bôi nhọ” thông tin sản phẩm trên mạng đang là vấn đề bức xúc của nhiều DN vì chủ yếu là từ tài khoản ảo, mà chúng ta cũng chưa có chế tài để xử lý triệt để. Do đó, để bảo vệ mình tốt nhất là các DN hãy xây dựng các quy trình sản xuất kinh doanh, đăng ký bản quyền nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm để khi gặp sự cố thì đó là bằng chứng để trả lời khách hàng và yêu cầu nguồn tin phải gỡ bỏ.
Theo ông Đỗ Đức Hiếu - chủ doanh nghiệp nhựa Chí Thành (TPHCM), việc "chơi bẩn” trên mạng xã hội rất khó xử lý, không thể kiện ra toà được vì những người đã cố tình tạo dựng thông tin đa số là nick ảo. Do đó, các DN luôn phải có đội ngũ truyền thông để xử lý khủng hoảng thông tin như trả lời tư vấn cho khách hàng và lên tiếng phản ứng với nguồn thông tin xấu. Nếu thông tin trên các trang tin điện tử thì còn có cơ sở để khởi kiện ra toà, nhưng cũng rất tốt kém vừa mất thời gian. Cùng đó, nhiều khi khởi kiện ra toà cũng là cơ hội để các đối tượng thổi bùng thông tin lên gây hoang mang cho khách hàng và bất lợi cho DN. Đến khi phân thắng thua thì DN cũng phải chịu rất nhiều thiệt thòi và đồng thời lại vẫn phải đi đính chính với khách hàng.