Các trường tự xây dựng quy trình
"Đau đầu”, "vắt chân lên cổ” xây dựng quy trình chuẩn đưa đón học sinh, bảo vệ an toàn cho học sinh là thừa nhận của nhiều lãnh đạo trường học khi nhắc tới sự cố bỏ quên học sinh trên xe đưa đón của Trường Gateway (Hà Nội) hồi đẩu tháng 8 và mới đây là tại cơ sở mầm non Đồ Rê Mí (Bắc Ninh).
Lãnh đạo một trường học trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Hiện Việt Nam không có quy định riêng cho xe đưa đón học sinh. Các xe đưa đón học sinh có thể do trường đầu tư và đăng ký dưới dạng xe vận chuyển nội bộ, hoặc thuê xe hợp đồng với công ty dịch vụ. Cũng có trường, việc tổ chức đưa đón được giao cho Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Theo vị này, trước khi có sự việc đau lòng của cháu L.H.L tạiTrường Gateway, các cơ quan quản lý chẳng quan tâm, hỏi han gì đến quy trình này, nhưng kể từ sau vụ việc, liên tiếp công văn, văn bản chỉ đạo xây dựng, rà soát quy trình mới được đưa ra.
Lãnh đạo này nói: "Tôi thấy buồn khi sự việc xảy ra mà không lãnh đạo, cơ quan quản lý giáo dục nào đứng ra nhận trách nhiệm và xây dựng một quy trình chuẩn áp dụng chung cho cả nước.
Đơn vị nào cũng nói chung chung là các trường có dịch vụ đưa đón trẻ, học sinh rà soát, xây dựng quy trình, quy định rõ điều kiện, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng thành viên tham gia nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ, học sinh trong suốt quá trình từ khi tiếp nhận, đưa đến trường, đón về và bàn giao cho gia đình.
Nhiều người cho rằng việc đưa đón học sinh bằng xe riêng phải có quy định rõ ràng.
Sau đó là chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn trường học, quy trình về đưa đón học sinh…, nhưng quy định cụ thể như thế nào là an toàn, là chuẩn thì không ai chỉ rõ”.
Nếu để các trường tự làm như vậy, vẫn sẽ là hình thức manh mún, mỗi trường một kiểu, sẽ có trường làm, trường không. Vì thế mới có chuyện vụ việc đau lòng xảy ra với học sinh tại Trường Gateway (Hà Nội) chưa qua thì đã tới vụ việc tại cơ sở mầm non Đồ Rê Mí (Bắc Ninh).
Lãnh đạo trường học này cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lý vẫn luôn "mất bò mới lo làm chuồng”, ít khi chủ động nhìn nhận ra vấn đề có thể xảy ra để xây dựng các biện pháp "phòng”, thay vì suốt ngày đi "chống”.
Bao giờ có quy trình chuẩn?
Ngay sau khi xảy ra sự việc đau lòng tại Trường Gateway, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng thừa nhận: Đối với loại xe vận chuyển học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo rà soát các loại xe vận chuyển học sinhvới các nội dung:Xe còn hạnlưu hành, xe phải đảm bảo các điều kiện như xe vận chuyển hành khách.
Tuy nhiên, chưa có quy định chi tiết về quy trình đưa đón với từng đối tượng học sinh khác nhau, nhất là lứa tuổi mầm non và tiểu học. Phòng Giáo dục và Đào tạo có văn bản yêu cầu các trường rà soát các loại xe vận chuyển, trong đó yêu cầu xe đảm bảo lưu hành cần có cơ quan kiểm định, cơ quan chuyên môn.
Theo ông Phạm Ngọc Anh, quận Cầu Giấychỉ có quy định chung, còn mỗi trường sẽ có cách thức riêng,nhưng phải đảm bảo là khi đưa đón học sinh phải có người giám sát và khi giao nhận học sinh phải có điểm danh. Sở đã nhấn mạnh quy trình đưa đón phải có sự giám sát chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm cũng như học sinh phụ huynh.
Ngày 16.8, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi giám đốc các sở Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ôtô. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Bộ chưa chủ động trong xây dựng một quy trình chuẩn mà mới chỉ dừng ở chỉ đạo địa phương tự thực hiện.
Chị Vũ Phương Ly là một phụ huynh, hiện công tác tại Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) cho rằng thời gian vừa qua, sau khi liên tiếp xảy ra việc để quên trẻ em trên xe đưa đón của nhà trường đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm, và khiến các bậc phụ huynh hết sức băn khoăn, lo lắng.
Điều đáng nói, những sự cố đáng tiếc liên quan đến sinh mạng con người, nhưng ngành giáo dục vẫn loay hoay chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu nào để khắc phục. Đối với những trường hợp này, cơ quan chức năng mới áp dụng xử lý về mặt cá nhân, ai sai người đó chịu.
"Nhìn ở góc độ giáo dục cho thấy, hiện nay các quy định chưa theo kịp, chưa cập nhật được với mặt bằng chung của thế giới. Tại các cơ sở, các trường mầm non, mạnh ai nấy làm, mỗi nơi một kiểu quản lý, nơi thủ công, nơi nửa thủ công, nửa công nghệ… Cần thiết nghiên cứu bộ quy tiêu chuẩn chung để các cơ sở có thể áp dụng”, chị Ly nói.
Sự cố đến với những cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón là hồi chuông báo động, nhắc nhở người lớn về sự chủ quan, lơ là trước những rủi ro bất ngờ với trẻ nhỏ.