Trong năm 2019, huyện Lạc Thủy đã tích cực thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 đạt được một số kết quả. Huyện không xảy ra tình trạng xâm hại tình dục, tai nạn giao thông, điện giật, bạo lực… đối với trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước vẫn xảy ra.
Đoàn viên thanh niên xã Lạc Long (Lạc Thủy) cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm nước sâu đề phòng tai nạn đuối nước tại các sông, suối trên địa bàn.
Địa bàn huyện có hệ thống sông ngòi, kênh, mương dày đặc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra đuối nước ở trẻ em. Đầu năm nay, huyện xảy ra 3 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước. Trước thực tế đó, để hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro và tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em, cấp ủy, chính quyền huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho người dân và trẻ em tại cộng đồng. Chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát khu vực thường xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, từ đó có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp hè, mùa mưa bão như: làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ, ao, sông, suối, các khu vực nước sâu, nguy hiểm… Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Phòng GD&ĐT, Trung tâm VH-TT&TT phát động, mở lớp dạy bơi cho trẻ em. Từ đầu năm đến nay, huyện mở được 6 lớp dạy bơi tại thị trấn Chi Nê, thị trấn Thanh Hà, xã Phú Thành, Lạc Long. Qua các lớp dạy bơi, hàng trăm trẻ em được trang bị kỹ thuật, phương pháp bơi và cách xử lý tình huống nguy hiểm khi ở môi trường nước.
Đồng chí Đỗ Thị Thu Huệ, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Để phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, trong năm, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Huyện Đoàn, Hội LHPN tổ chức Diễn đàn trẻ em; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng về quyền tham gia của trẻ em cho 200 trẻ em và phụ huynh trên địa bàn. Đồng thời, huyện đẩy mạnh vận động nhân dân xây dựng mô hình ngôi nhà, trường học, cộng đồng an toàn nhằm phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, đặc biệt xây dựng thí điểm, đánh giá và nhân rộng các mô hình an toàn giao thông; quan tâm quy hoạch xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em để thu hút các em tham gia những hoạt động lành mạnh, an toàn...
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các trường tiểu học, THCS, THPT duy trì hàng ngày dành từ 3 - 5 phút vào các tiết học cuối mỗi buổi và giờ sinh hoạt cuối tuần để nhắc nhở, khuyến cáo học sinh chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, tránh xa các ao, hồ, sông, suối, công trình xây dựng, không chơi những trò chơi có nguy cơ gây tai nạn thương tích…
Đồng chí Đỗ Thị Thu Huệ cho biết thêm: Trong thời gian tới, để hạn chế mức thấp nhất tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các quyền cơ bản của trẻ em. Tăng cường công tác tuyên truyền đến các xã, thị trấn để cán bộ địa phương, gia đình, trẻ em được tiếp cận, nắm bắt những kiến thức trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc trẻ em nhằm xây dựng các mô hình phòng, chống tai nạn, thương tích đạt hiệu quả. Vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Củng cố, kiện toàn bộ máy, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp; xây dựng và thực hiện chính sách phù hợp với đội ngũ cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn dân cư.
Thu Thủy
(HBĐT) - Giai đoạn 2015 - 2019, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 134 chương trình, dự án, viện trợ phi dự án do 50 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cơ quan hợp tác quốc tế viện trợ, với tổng giá trị cam kết khoảng 31 triệu USD. Công tác quản lý, sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, phát huy hiệu quả trong việc nâng cao đời sống của nhân dân tại các địa phương.