Xã An Lạc (Lạc Thủy) mở rộng diện tích trồng ớt đảm bảo nguồn nguyên liệu cho Công ty TNHH ớt Việt Nam, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Cấp ủy, chính quyền huyện đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chính sách đến vùng khó khăn,vùng đồng bào DTTS. Huyện ủy, UBND huyện chủ động phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong BTV Huyện ủy, ủy viên UBND huyện phụ trách cơ sở, thường xuyên tiếp xúc, gần gũi, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân.Các đồng chí trong BTV Huyện ủy đã trực tiếp thâm nhập thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Từ đó, xây dựng kế hoạch, có định hướng lãnh đạo, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển KT-XH, từng bước nâng cao đời sống người dân. Từ đây, những định hướng, quyết sách đúng đã được đưa ra để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Quyết sách này đã đến với xã Hưng Thi,một trong những xã vùng khó khăn của huyện với 90% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Đất canh tác ít,thường xuyên phải ứng phó với thiên tai,đời sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng rừng và chăn nuôi. Theo định hướng của cán bộ chuyên môn (Phòng NN&PTNT huyện), một số cán bộ, đảng viên xã Hưng Thi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng các loại cây, con phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và khả năng thâm canh để mở ra hướng thoát nghèo.
Khoảng năm 2017, một số hộ đưa cây sả lai lùn về trồng ở các bãi ven sông thay thế các chân ruộng trồng màu trước đây; tận dụng trồng ở rìa đường, gò đồi, xen canh trong các vườn cây ăn quả. Đến nay, toàn xã nhân rộng được trên 100 ha sả. Tính về hiệu quả kinh tế, mỗi năm sả cho thu từ 5 - 7 lứa, sau khi trừ chi phí, người nông dân thu lãi từ 100 - 140 triệu đồng/ha. Từ năm 2018, sả được coi là cây mở hướng thoát nghèo cho người dân xã Hưng Thi.
Xác định rõ nông nghiệp là lĩnh vực chủ đạo trong phát triển kinh tế trên địa bàn, UBND huyện sớm phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020, trong đó, tập trung định hướng tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt. Theo đó, huyện đã hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô cánh đồng mẫu lớn; vùng sản xuất cây ăn quả có múi tập trung cơ bản hình thành với diện tích 1.146 ha; tập trung cải tạo 200 ha vườn tạp;thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau an toàn, cây dược liệu theo mô hình liên kết theo chuỗi giá trị như: Công ty Nông nghiệp sạch Lạc Thủy, Công ty TNHH ớt Việt Nam,Công ty Dạy nghề Sinh Lộc...
Hiện, 7/13 xã trên địa bàn huyện đã có mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ớt sừng, bí đỏ, rau sạch ở các xã: Lạc Long, Hưng Thi, An Bình, An Lạc, Phú Thành, Liên Hòa, Khoan Dụ. Thực hiện 4 chuỗi giá trị, trong đó có 2 chuỗi rau sạch, rau an toàn tại các xã: An Lạc, Khoan Dụ, Đồng Tâm, Lạc Long, Hưng Thi, thị trấn Chi Nê; 1 chuỗi lúa tại các xã: Liên Hòa, Khoan Dụ, Phú Thành; 1 chuỗi gà tại các xã: Phú Thành, Đồng Tâm và các vùng lân cận với quy mô trên 10.000 con.
Đồng chí Bùi Văn Hơn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện chia sẻ: Cùng với việc định hướng, tạo nền tảng cho bà con nhân dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, huyện không ngừng chăm lo thực hiện các chính sách nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chính sách và chương trình hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các DTTS. Những năm qua, đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS huyện Lạc Thủy được nâng lên rõ rệt. Diện mạo khu vực nông thôn, điện, đường, trường, trạm có nhiều thay đổi. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 38,9 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 16,33% năm 2014 còn 9,66% năm 2018, dự kiến sẽ giảm sâu hơn khi kết thúc năm 2019.